Hỏi đáp

Biện chứng luận trị chữa bệnh chàm

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 25/12/2012 08:53 CH

Hỏi:

Cháu là sinh viên, xa gia đình và bị mắc bệnh chàm đã nhiều năm. Cháu đã đi khám và điều trị bằng thuốc Tây, nhưng bệnh chỉ khỏi được một thời gian, lại tái phát và lại phải dùng thuốc; sau nhiều đợt điều trị như vậy, sức khỏe của cháu đã bị giảm nhiều. Vì vậy, cháu rất mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn tỉ mỉ cho cách chữa bệnh này bằng thuốc Nam, để cháu có thể áp dụng thử. Xin chân thành cảm ơn và mong được hồi âm trong thời gian sớm nhất.

Lê Thị Mai, Đông Anh, Hà Nội

Đáp:

thổ phục linh

Bệnh chàm trong Đông y truyền thống gọi là "thấp sang" hoặc "huyết phong sang", hiện tại thường gọi là "thấp chẩn".

Tùy theo vị trí phát bệnh, còn có những tên khác: Bệnh phát ở trẻ còn bú mẹ gọi là "chàm sữa", "ngứa sữa" (nãi tiên); phát ra ở quanh tai gọi là "lở vành tai" (hoàn nhĩ sang), phát ở âm nang (bìu dái) gọi là "chàm bìu", "thận nang phong", "tú cầu phong"; phát ra ở những chỗ gấp khúc của tứ chi gọi  là "tứ loan phong".

Theo Đông y: Bệnh chàm tuy khu trú ở ngoài, nhưng nguyên nhân chính là do bị mất cân bằng ở bên trong cơ thể. Vì vậy, khi chữa trị, ngoài việc sử dụng các vị thuốc bôi, rửa chỗ bị bệnh để chống viêm, chống đau, chống ngứa, ... điều cốt lõi là cần điều hòa lại chức năng của tạng phủ, khí huyết, ... để lập lại cân bằng bên trong cơ thể. Ví dụ như, mụn nhọt lở ngứa và nhiễm trùng, thì ngoài việc dùng các thuốc bôi, rửa ở ngoài cần uống các thứ thuốc thanh nhiệt giải độc và lương huyết để chữa.

Muốn sử dụng thuốc Nam có hiệu quả, cần tuân theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" - nghĩa là căn cứ vào các triệu chứng biểu hiện cụ thể để nhận dạng chính xác "Thể bệnh" (còn gọi là "loại hình bệnh", "chứng hình", ... ), trên cơ sở đó mà áp dụng phép chữa, vị thuốc, bài thuốc thích ứng đối với mỗi thể bệnh.

Trên lâm sàng, bệnh chàm được Đông y chia thành nhiều thể bệnh. "Thuốc vườn nhà" xin chỉ giới thiệu 4 thể thường gặp nhất. Bạn có thể căn cứ vào triệu chứng của mình, để nhận biết thể bệnh, rồi chọn dùng phép chữa, bài thuốc thích hợp như sau:

    1. Thể thấp nhiệt:

        - Triệu chứng: Bệnh phát nhanh, vết chàm đỏ hồng, nóng rát, có mụn nước li ti, loét chảy nước vàng, ngứa gãi không đỡ. Lúc bệnh phát thường có sốt, sưng hạch, miệng khát, đại tiện phân khô, nước tiểu vàng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng hoặc vàng nhớt, ...

        - Phép chữa: Thanh nhiệt hóa thấp, trừ phong chống ngứa.

        - Thuốc uống: Thổ phục linh 16g, khổ sâm lá 12g, vỏ núc nác 12g, hạ khô thảo 12g, nhân trần 20g, dây kim ngân 16g, ké đầu ngựa (sao vàng) 12g, cam thảo 6g; tất cả các vị thuốc cho vào nồi, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, giữ nhỏ lửa 15-20 phút; chia thành 3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng.

        - Thuốc bôi ngoài: Xuyên tâm liên, ngũ bội tử - 2 thứ liều lượng bằng nhau; tán thành bột thật mịn, trộn với dầu vừng, bôi vào chỗ có bệnh; ngày bôi 3-4 lần.

    2. Thể phong nhiệt:

        - Triệu chứng: Bệnh phát nhanh, thường xuất hiện ở nhiều vị trí cùng một lúc, da hơi đỏ, ngứa, gãi vào chảy nước vàng, ít loét.

        - Phép chữa: Sơ phong, thanh nhiệt, trừ thấp.

        - Thuốc uống: Kinh giới 12g, sinh địa 12g, thuyền y (xác ve sầu) 6g, kê huyết đằng 12g, khổ sâm 12g, thạch cao 20g, mộc thông 8g; tất cả các vị thuốc cho vào nồi, đổ ngập nước trên mặt thuốc 2-3cm, đun sôi, giữ nhỏ lửa 15-20 phút; chia thành 3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng.

        - Thuốc bôi ngoài: Dùng như trường hợp "Thể thấp nhiệt" ở trên.

    3. Thể tỳ hư thấp trệ:

        - Triệu chứng: Bệnh phát ra từ từ, vết chàm hơi hồng, ngứa, gãi vào chảy nước vàng; lâu ngày da có thể dầy cộm lên, bong vẩy. Kèm theo các triệu chứng như người mệt mỏi, đầy bụng, chán ăn, tiêu hóa kém, đại tiện lỏng; chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng nhớt, mạch nhỏ yếu.

        - Phép chữa: Kiện tỳ hóa thấp, trừ phong chống ngứa.

        - Thuốc uống: Thương truật (sao) 12g, bạch truật (sao) 12g, ý dĩ nhân 16g, thổ phục linh 12g, trạch tả 8g, hậu phác 8g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 8g, xuyên tâm liên 6g; sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 450ml; chia thành 3 phần, uống vào sáng, trưa và chiều tối, lúc đói bụng.

        - Thuốc rửa: Có thể sử dụng 1 trong 3 phương thuốc sau: (1) Xà sàng tử 30g, khổ sâm lá 30g; (2) Thủy xương bồ 30g, khổ sâm lá 30g; (3) Xà sàng tử 30g, xuyên tâm liên 30g, thương nhĩ tử (quả ké đầu ngựa) 30g. Cách dùng: Sắc với 1000ml nước, đun cạn còn 500ml; chờ cho thuốc đỡ nóng, dùng gạc hoặc bông thấm nước thuốc rửa kỹ các vết chàm; ngày rửa 2-3 lần, mỗi lần rửa 15-20 phút; nếu thuốc nguội cần hâm lại cho ấm.

    4. Thể tỳ hư huyết táo:

        - Triệu chứng: Tại vết chàm da xạm đen hoặc nâu đỏ, dày cộm, thô, khô, ngứa, nổi cục, đôi khi có mụn nước; bệnh hay xuất hiện ở đầu, mặt, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối. Kèm theo miệng háo mà không muốn uống nước, bụng đầy, kém ăn, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch nhỏ li ti.

        - Phép chữa: Dưỡng huyết, trừ phong, kiện tỳ, thắng thấp.

        - Thuốc uống: Thục địa 16g, sinh địa 16g, đương quy 12g, bạch thược 12g, thương truật 12g, kê huyết đằng 12g, kinh giới 16g, phòng phong 12g, xuyên tâm liên 8g, thuyền y 6g; sắc nước uống vào lúc đói bụng.

        - Thuốc rửa: Lá vối tươi 100g, lá kinh giới tươi 100g; đun sôi rửa vết chàm.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]