Hỏi:
Em là một độc giả ở Hà Nội, đã mấy lần gửi thư nhưng chưa thấy hồi âm, hy vọng lần này em sẽ được trả lời... Em bị viêm xoang mũi, đã đi khám và uống thuốc theo đơn nhưng bệnh không khỏi hoàn toàn... Em nghe người ta nói, dùng củ hoàng liên ngâm dầu vừng rồi đem nhỏ mũi thì có thể khỏi. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho em lời khuyên và cho vài bài thuốc đơn giản để em có thể tự chữa.
V.T.T., 21 tuổi, Hà Nội
Đáp:
Cách dùng thuốc của Đông y và Tây y (Y học hiện đại) rất khác nhau.
Trong Tây y, để chữa trị một loại bệnh cụ thể nào đó, người ta thường sử dụng một loại thuốc nhất định, cho tất cả mọi người (trừ một số trường hợp đặc biệt), chỉ thay đổi liều lượng tùy theo tuổi tác, thể trọng, ...
Trong khi đó, Đông y lại dùng thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng thi trị", nghĩa là tuy cùng mắc một bệnh, nhưng bệnh nhân có thể được sử dụng những loại thuốc khác nhau. Tùy theo chứng trạng biểu hiện ở từng người, mà chọn dùng loại thuốc tương ứng. Người ta gọi đó là "Đồng bệnh dị trị", nghĩa là cùng một bệnh chữa trị bằng những cách khác nhau.
Trên thực tế, hiện tại Đông dược thường được sử dụng theo quan điểm, cách thức của Tây y. Thí dụ, hễ bị viêm gan B là phải uống "chó đẻ răng cưa", hễ bị ung thư là phải tìm bằng được "bạch hoa xà thiệt thảo" và "bán chi liên".
Cách sử dụng Đông dược không đúng với nguyên tắc của Đông y như vậy, không những thường làm giảm hoặc làm mất hiệu quả của thuốc, mà còn thường dẫn tới những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.
Trở lại với bệnh viêm xoang mũi của bạn. Y học hiện đại chia viêm xoang thành 2 loại chính: "Viêm xoang cấp tính" và "Viêm xoang mạn tính".
1. Viêm xoang cấp tính:
Thường do viêm đường hô hấp trên, do bệnh ở răng lợi, hoặc do nước bẩn hay chất phân tiết ở khoang mũi lọt vào các xoang mũi gây nên. Viêm mũi mạn tính thể phì đại, vách ngăn mũi bị cong lệch, khối u trong khoang mũi, viêm a-mi-đan, dị vật lọt vào mũi, hỉ mũi không đúng cách, ... cũng có thể trở thành nguyên nhân trực tiếp khiến cho bệnh viêm xoang mũi phát tác.
Biểu hiện chính: Phát sốt sợ rét, người khó chịu, kém ăn, đầy bụng, đau đầu, tắc mũi, mũi chảy nhiều nước trong hoặc nước mũi đặc như mủ. Mũi có thể chỉ bị tắc một bên hoặc cả hai bên, liên tục, khứu giác (sức ngửi) giảm.
Nếu do bệnh ở răng dẫn đến, nước mũi thường đặc như mủ và có mùi hôi.
Tùy theo vị trí xoang bị viêm, đau nhức cũng xuất hiện ở những vị trí và có tính chất khác nhau: Có khi đầu đau ở vùng trán, có khi đau ở gáy, có khi đau nhiều vào buổi sáng, có khi đau tăng về buổi chiều.
2. Viêm xoang mạn tính:
Thường do viêm xoang cấp tính không được chữa triệt để, bệnh kéo dài lâu ngày mà thành.
Biểu hiện chính: Mũi tắc liên tục, nước mũi nhiều và đặc như mủ có mùi hôi tanh, khứu giác bị giảm hoặc mất hẳn. Nói chung không có những biểu hiện toàn thân (như phát sốt sợ lạnh) hoặc chỉ kèm theo váng đầu, kém tập trung và giảm trí nhớ. Nước mũi chảy ra nhiều rất dễ dẫn tới viêm họng.
Viêm xoang mũi thuộc phạm vi các chứng "Tỵ uyên" và "Não lậu" trong Đông y học.
Trên lâm sàng, tùy theo các chứng trạng biểu hiện, bệnh thường được phân ra các thể (các "chứng", "chứng hậu"): "Phế kinh phong nhiệt", "Can đảm uất nhiệt", "Tỳ vị thấp nhiệt", "Phế tỳ khí hư".
Ba thể "Phế kinh phong nhiệt", "Can đảm uất nhiệt" và "Tỳ vị thấp nhiệt" thường gặp trong Viêm xoang cấp tính hoặc giai đoạn bệnh phát tác của Viêm xoang mạn tính. Còn thể "Phế tỳ khí hư" thường gặp trong Viêm xoang mạn tính.
Để chữa trị tận gốc, bạn cần đến một phòng khám Đông y, để được các thầy thuốc thăm khám, xác định thể bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Do trong thư bạn không nói đầy đủ các triệu chứng kèm theo viêm xoang, nên "Thuốc vườn nhà" chỉ có thể hướng dẫn bạn một số đơn thuốc kinh nghiệm, để dùng thử:
Bài thuốc 1: Lấy khoảng 200ml dầu vừng, cho vào nồi, dùng lửa nhỏ đun đến khi sôi, sau khi sôi đun thêm khoảng 15 phút; khi dầu nguội, đổ vào lọ đã sát trùng, nút kín, dùng dần; mỗi ngày nhỏ vào mũi 3 lần; lần đầu chỉ nhỏ 1-2 giọt, khi đã quen có thể tăng lên 3-5 giọt; sau khi nhỏ không cử động mạnh vài ba phút, chờ cho dầu lan ra ngấm vào niêm mạc mũi. Có tác dụng tiêu viêm, trừ mủ, dùng để chữa viêm xoang mũi cấp tính và mạn tính. Có thể thêm hoàng liên 20g (tỷ lệ 1/10), cũng chế như trên, để chữa trị viêm mũi mạn tính thể khô.
Bài thuốc 2: Quả ké đầu ngựa 120g, tân di (mua ở cửa hàng Đông Nam dược, có thể dùng búp đa thay thế) 16g, dầu vừng 1 lít; quả ké và tân di giã nát, đổ dầu vừng vào nồi đun cho nóng, cho quả ké và tân di vào ngâm trong 24 tiếng; sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi dầu cạn còn khoảng 800ml; chờ dầu nguội, đem lọc và đổ vào lọ đã sát trùng để bảo quản. Dùng làm thuốc nhỏ mũi giống như Bài thuốc 1. Trường hợp nước mũi hôi thối, hàng ngày nên dùng thêm 12g quả ké, sao vàng, sắc nước uống thay trà.
Bài thuốc 3: Củ tỏi, giã nát vắt lấy nước cốt, trộn với dầu vừng theo tỷ lệ 1/2 (không có dầu vừng thì thay bằng mật ong). Rửa sạch lỗ mũi bằng nước muối, lau khô sau đó lấy bông tẩm thuốc nhét vào.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.