Hỏi:
Tôi là độc giả thường xuyên của "Thuốc vườn nhà", nay muốn tìm hiểu kỹ thêm về một số vấn đề khi dùng yến sào. Cụ thể là, trẻ em có ăn được yến sào không? Dùng thường xuyên có tốt cho cháu nhỏ không? Đối với phụ nữ mang thai ăn yến sào để bồi dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi? Người bị ung thư vú trong giai đoạn xạ trị, có thể sử dụng yến sào không? Có nên sử dụng yến sào thường xuyên không?
Nguyễn Cầm Hải Hà, Nha Trang
Đáp:
Yến sào (tổ chim yến)
Để bạn đọc khỏi nhần lẫn, trước hết xin nhắc lại: "Yến sào" ở đây là "tổ yến", chứ không phải là món "yến xào" (thịt chim yến xào). Vì chữ "sào" trong "yến sào" có nghĩa là ổ, hang, sào huyệt.
Để tìm hiểu thêm về chim yến và tổ yến, Quý bạn đọc có thể tham khảo lại bài viết "Sử dụng yến sào như thế nào" đã được đăng tải trên "Thuốc vườn nhà".
Trong phạm vi bài viết này, "Thuốc vườn nhà" xin phép chỉ đề cập tới một số vấn đề cụ thể cần chú ý thêm khi sử dụng yến sào.
Yến sào là vị thuốc quý, được sử dụng trong Đông y và dân gian từ lâu đời; thường được sử dụng với một số tên gọi khác nhau, như "yến oa", "yến oa thái", "yến thái", "quan yến", "kim ty yến", ...
Theo Đông y: Yến sào có vị ngọt, tính bình, không độc; vào 3 kinh Phế, Vị và Thận. Có tác dụng tư âm nhuận phế (bổ âm, nhuận phổi), bổ tỳ ích khí (tăng cường tiêu hóa, tăng lực). Chủ trị các chứng hư tổn (cơ thể suy yếu), ho, ho ra máu, hen suyễn, nôn ra máu, đau dạ dày, lỵ lâu ngày, ... Thường được dùng làm thức ăn hay thuốc bổ dưỡng cho những người mới ốm dậy, cơ thể gầy yếu, người cao tuổi, trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, phụ nữ sau khi đẻ hoặc bị băng huyết; chữa một số bệnh hô hấp và tiêu hóa.
Chú ý: Khi dùng yến sào để bồi bổ, nói chung nên sử dụng với liều nhỏ (từ 5-10g), trong thời gian dài; Đông y gọi đó là "hoãn bổ" (bổ dần dần).
Cấm kỵ: Không dùng cho những người "Phế vị hư hàn" (phế, vị suy nhược thể hư hàn), "Đàm thấp đình trệ" và đang có "biểu tà" (đang mắc bệnh ngoại cảm).
Xin trở lại những câu hỏi cụ thể của bạn:
1. Trẻ em có ăn được yến sào không? Dùng thường xuyên có tốt không?
Câu trả lời là "có" và "không".
Có: Trong trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, nhưng nên sử dụng theo liệu trình, với sự giám sát của thầy thuốc.
Không: Không cần thiết dùng thường xuyên, nếu như trẻ khỏe mạnh bình thường.
2. Đối với phụ nữ mang thai, ăn yến sào để bồi dưỡng có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?
Câu trả lời cũng là "có" và "không".
Theo Đông y: Cơ thể có "hư" (suy yếu), mới cần dùng thuốc để bồi bổ; cho nên phép "bổ" trong Đông y có tên đầy đủ là "bổ hư".
Do đó, việc sử dụng yến sào để bồi dưỡng, tùy thuộc hoàn toàn vào tình trạng sức khỏe của thai phụ. Cần có sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y. Sử dụng không đúng, có thể ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của thai phụ, cũng như thai nhi.
3. Người bị ung thư vú trong giai đoạn xạ trị, có thể sử dụng yến sào không?
Theo quan niệm của Đông y học, tia phóng xạ là tác nhân sát thương (diệt tế bào ung thư) có tính "táo nhiệt", Đông y xếp vào loại "tác nhiệt tà", "hỏa độc", có thể gây "thương âm", tiêu hao "tân dịch" (gây thương tổn đối với phần âm và làm giảm dịch thể); dẫn tới các triệu chứng như miệng khô, khát nước, đau họng, phiền táo, ho khan, ho ra máu, bí đại tiện, nước tiểu vàng, ...
Yến sào là loại thuốc "Tư âm nhuận táo" nên có thể sử dụng để khắc phục các triệu chứng trên. Tốt nhất nên có sự tư vấn cụ thể của thầy thuốc Đông y.
4. Có nên sử dụng yến sào thường xuyên không?
Thức ăn cũng có "tứ khí" (nóng, lạnh, ấm, mát) và "ngũ vị" (chua, cay, mặn, ngọt, đắng) - giống như các vị thuốc Đông dược, nên y gia thường nói "dược thực đồng nguyên"; nghĩa là thức ăn và thuốc có cùng nguồn gốc và được sử dụng theo cùng một nguyên lý.
Vì vậy, yến sào cũng cần sử dụng đúng liều lượng và cũng có một số kiêng kỵ nhất định như trên đã nói.
Một số trường hợp, như người già, phụ nữ suy yếu sau khi sinh đẻ, ... nên sử dụng tương đối thường xuyên, nhưng vẫn không thể thay thế cho bữa cơm truyền thống.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.