Hỏi:
Gần đây về quê, tôi nghe các cụ nói, cây duối (thường trồng làm hàng rào) cũng có thể sử dụng làm thuốc. Tôi rất mong được "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết về tác dụng của một loài cây thân thuộc này.
Nguyễn Thị Kim Thoa, Hà Nội
Đáp:
Cây duối
Duối còn có tên là "ruối", "cây dới", "duối nhám", "hoàng oanh mộc" (Tuệ Tĩnh); tên khoa học là Streblus asper lour, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Duối là loài cây nhỡ, cao 4-8m, thân và cành khúc khuỷu, sù sì, cành nhiều, có mủ trắng như sữa, cành non có lông mềm. Lá mọc so le, hình trứng, dài 3-7 cm, rộng 12- 35mm, không có lông; mép lá lượn sóng có răng cưa; lá cứng, ráp, nhất là ở mặt dưới, gân nổi rõ ở mặt dưới, cuống lá có lông. Hoa đực cái khác gốc, hoa đực họp thành đầu có cuống, đính phía dưới những cành ngắn, hoa cái mọc đơn độc trên một cuống. Quả thịt, màu vàng nhạt, to bằng cỡ hạt tiêu, ăn ngọt, trong có một hạt.
Duối là loại cây rất phổ biến ở nước ta, thường được trồng ở khắp các nơi để làm hàng rào, do cây có nhiều cành chằng chịt với nhau. Lá duối ráp có thể dùng để đánh bóng đồ gỗ, cho trâu bò ăn chóng béo. Gỗ duối mềm, trắng, mịn, đẹp, có thể dùng để khắc dấu hay tiện đồ đạc. Vỏ cây có nhiều xơ, thời trước hay dùng để dệt túi, chế bông, làm giấy.
Các bộ phận của cây duối còn dùng làm thuốc. Trong sách thuốc của Tuệ Tĩnh, cây duối có tên "hoàng oanh mộc". Để làm thuốc, có thể dùng lá, thân, vỏ, rễ; dùng tươi hoặc khô, có thể thu hái gần như quanh năm. Nhựa duối cũng có thể sử dụng làm thuốc.
Theo Đông y: Duối có vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông huyết, cầm máu, sát trùng.
Duối là một vị thuốc chủ yếu được sử dụng theo kinh nghiệm dân gian. Tại nhiều địa phương, dân gian thường dùng nhựa duối dán lên hai bên thái dương chữa nhức đầu. Cành và rễ thái mỏng sắc uống được dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa bí đái, trướng bụng. Vỏ cây duối sắc ngậm chữa sâu răng, sưng họng.
Tại Campuchia, dân gian dùng rễ duối phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa ho, chữa lao phổi. Tại Ấn Độ người ta dùng vỏ duối sắc uống chữa sốt, đi ỉa lỏng, lỵ. Có thể dùng dưới dạng sấy vỏ khô, tán nhỏ, uống.
Tác dụng làm thuốc của cây duối còn được ghi chép trong một số tài liệu cổ ở nước ta như sau:
- Theo sách "Hoạt nhân toát yếu" của Hoàng Đôn Hòa (thế kỷ 16): Lá duối chữa trâu bò đau bụng ỉa chảy và xoa bóp để chữa bại liệt.
- Theo sách "Lĩnh Nam bản thảo" của Lãn Ông: Vỏ duối tính mát, có tác dụng tiêu sưng lở, chữa rắn cắn, chó dữ cắn (uống và đắp).
- Theo Nguyễn Hoành (Nam dược cục triều Tây Sơn): Lá duối có thể chữa nắng nóng; vỏ cây duối chữa phong thấp đau nhức.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.