Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Tác dụng còn ít biết của cây cứt lợn

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/09/2014 09:55 SA

Hỏi:

Tôi bị viêm mũi mạn tính từ khi còn đang học phổ thông. Mấy năm trước, nhân đọc bài viết phổ biến kinh nghiệm chữa bằng cây cứt lợn, tôi áp dụng thử kết quả rất khả quan. Gần đây, tôi nghe một số người nói, ngoài tác dụng chữa viêm mũi, cây cứt lợn còn có thể dùng chữa nhiều loại bệnh khác. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng không? Cách sử dụng cụ thể thế nào? Mong được quan tâm giải đáp sớm, vì đây là một vị thuốc vườn nhà, ở đâu cũng có.

Trần Giang Nam, Nghĩa Hưng, Nam Định

Đáp:

cây cứt lợn, cây ngũ sắc, cây hoa cứt lợn, ngũ vị, cây bông ổi, cỏ hôi, thắng hồng kế, hàm hà hoa, xú lô thảo, bạch hoa xú thảo, bạch hoa thảo, hàm hà thảo, lộ ngộ hương, miêu thỉ thảo, cỏ cứt mèo, bạch mao khổ, mao xạ hương, xú thảo, Ageratum conyzoides L., họ Cúc Asteraceae(Compositae)

Cây cứt lợn

Từ nhiều năm trước, kinh nghiệm sử dụng cây cứt lợn để chữa viêm mũi đã được báo chí đề cập nhiều. Tuy nhiên cây này còn nhiều tác dụng chữa bệnh khác, mà hiện tại một số người chưa biết.

Cây cứt lợn là vị thuốc có nhiều công dụng, nhưng lại có cái tên xấu xí, nên một số nơi đã gọi nó là "cây ngũ sắc". Cây còn có rất nhiều tên gọi khác, như "cây hoa cứt lợn", "ngũ vị", "cây bông ổi", "cỏ hôi", "thắng hồng kế", "hàm hà hoa", "xú lô thảo", "bạch hoa xú thảo", "bạch hoa thảo", "hàm hà thảo", "lộ ngộ hương", "miêu thỉ thảo" (nghĩa là "cỏ cứt mèo"), "bạch mao khổ", "mao xạ hương", "xú thảo", ... tên khoa học là Ageratum conyzoides L., thuộc họ Cúc Asteraceae(Compositae).

Cây cứt lợn là một cây nhỏ, thân mọc thẳng, phân nhiều nhánh, có phủ lông nhỏ, cao chừng 25-50cm; lá mọc đối, hình trứng hay 3 cạnh, dài 2-6cm, rộng 1-3cm, mép có răng cưa tròn, hai mặt đều có lông, mặt dưới của lá nhạt hơn. Hoa nhỏ, màu trắng, tím, xanh; quả bế màu đen, có 5 sống dọc.

Tại một số địa phương, người ta còn gọi cây "hy thiêm" (một cây thuốc khác, thường dùng chữa phong thấp khớp xương đau nhức) là cây cứt lợn; vậy cũng cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

Năm 1965, y sĩ Điều Ngọc Thực ở Phú Thọ đã phát hiện thấy dân địa phương dùng cây cứt lợn chữa viêm xoang mũi dị ứng; áp dụng cho bản thân và một số người khác thấy có kết quả tốt. Các nghiên cứu dược lý tiếp theo cho thấy, cây cứt lợn có tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng - phù hợp với kinh nghiệm dân gian và kết quả thực tế điều trị viêm mũi cấp và mãn trên lâm sàng. Từ đó, kinh nghiệm dùng cây cứt lợn chữa viêm mũi được phổ biến ngày càng rộng rãi.

Theo Đông y: Cây hoa cứt lợn có vị cay, đắng, tính mát; vào 2 kinh Thủ thái âm Phế và Thủ quyết âm Tâm bào. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, tiêu thũng, trục ứ. Dùng chữa cảm mạo phát sốt, các chứng bệnh yết hầu sưng đau, ung thũng, mụn nhọt, ... Sách Quảng Đông trung dược còn nói dùng để trị bệnh sa tử cung và u tử cung.

Liều dùng khi uống trong: Từ 15-30g khô (hoặc 30-60g tươi), sắc với nước uống hoặc giã vắt lấy nước cốt uống; dùng ngoài không kể liều lượng.

"Thuốc vườn nhà" xin phép được giới thiệu một số bài thuốc có sử dụng cây hoa cứt lợn còn ít người biết:

    (1) Chữa cảm mạo phát sốt: Lấy cây cứt lợn tươi 60g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Chữa trị các chứng bệnh ở yết hầu: Hái chừng 30-60g lá cây cứt lợn tươi, giã nát vắt lấy nước cốt, hòa thêm nước và đường phèn vào, chia 3 lần uống trong ngày; cũng có thể lấy lá phơi khô, tán mịn, dùng làm thuốc bột (ngậm và nuốt dần xuống họng).

    (3) Chữa nga khẩu sang, đinh nhọt sưng đỏ: Lấy 10-15g cành và lá cây cứt lợn, sắc nước uống.

    "Nga khẩu sang" (miệng con ngỗng), còn gọi là "tuyết khẩu chứng" (miệng như có tuyết bám vào) là tên gọi dân gian của chứng bệnh "viêm miệng ap-tơ" (oral thrush), do nhiễm phải một loại nấm mốc gây nên; thường thấy ở trẻ nhỏ suy dinh dưỡng, tiêu chảy mạn tính, dùng kháng sinh và hormone tuyến thượng thận dài ngày. Chứng trạng: niêm mạc miệng phát đỏ, xuất hiện những nốt trắng hay màng trắng, bệnh kéo dài sẽ lan tới lưỡi, lợi, vòm họng trên, những mảng trắng rất khó lau sạch; bệnh kéo dài có thể gây nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa, ...

    (4) Chữa phụ nữ bị rong huyết sau khi sinh nở: Trong dân gian có kinh nghiệm hái chừng 30-50g cây hoa cứt lợn tươi, đem về rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt và chia 3 lần uống trong ngày, uống liên tục trong 3-4 ngày.

    (5) Chữa phong thấp đau nhức, gãy xương (sau khi đã cố định lại): Lấy một nắm cây hoa cứt tươi, giã nát, đắp vào chỗ đau.

    (6) Chữa ngoại thương xuất huyết: Lấy một nắm cây cứt lợn, giã nát đắp vào chỗ bị thương.

    (7) Chữa mụn nhọt mưng mủ chưa vỡ: Lấy một nắm cây cứt lợn tươi, thêm chút đường đỏ, giã nát đắp vào chỗ bị thương.

    (8) Trị nhọt độc sưng đau: Nhổ cả cây hoa cứt lợn, rửa sạch, trộn với cơm nguội, thêm chút muối, trộn đều, giã nát, đắp vào chỗ có bệnh.

    (9) Chữa ưng đau do giãn gân, sái xương: Lấy một nắm cây hoa cứt lợn khô, cho vào lò đốt cháy và hun khói vào chỗ đau.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
vu nguyen ha chi (21/05/2017 04:35 SA)

tôi cũng bị như vậy

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]