Hỏi đáp

Thương thực và ngộ độc thức ăn: Một số bài thuốc Nam có thể áp dụng trong điều kiện gia đình

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/09/2013 01:14 SA

Hỏi:

Thường ngày đôi khi vui miệng ăn quá no, dẫn tới bội thực, rất khó chịu. Hơn nữa, hiện nay vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung không bảo đảm, nên cũng dễ bị ngộ độc thức ăn, ... Vì vậy đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu một số bài thuốc Nam, có thể áp dụng trong những tình huống nói trên.

Câu hỏi của nhiều bạn đọc

Đáp:

sơn tra bắc, sơn tra, quả sơn tra, táo mèo

Từ xưa, các nhà dưỡng sinh đã đưa ra lời khuyên: "Trong bữa ăn hàng ngày, chỉ nên ăn no vừa phải, khi thấy lưng lửng bụng thì nên ngừng lại". Đồng thời cũng đã đưa ra lời cảnh báo: "Ẩm thực tự bội, tràng vị nãi thương", có nghĩa là ăn uống quá nhiều, thì đường ruột sẽ bị tổn thương.

Kinh nghiệm thực tế cũng cho thấy, ăn quá nhiều dễ dẫn đến tình trạng thức ăn tích trệ, gây tổn hại bộ máy tiêu hóa; người xưa gọi đó là "thương thực".

Đông y và dân gian có nhiều phương pháp và kinh nghiệm phòng trị "thực tích" và ngộ độc thức ăn. Dưới đây là một số biện pháp tương đối đơn giản, có thể áp dụng trong điều kiện gia đình:

• Phòng trị thương thực:

    "Thương thực" còn gọi là "thực tích", là dạng tổn thương do ăn uống không điều độ, ăn quá nhiều, khiến thức ăn tích trệ lại gây tổn thương hệ thống tiêu hóa; hoặc do sau khi ăn no uống say, không giữ gìn bị nhiễm lạnh hay trúng gió độc. Chứng trạng chủ yếu của người bị "thương thực" là cảm thấy bụng ì ạch hoặc đau đột ngột, đại tiện bí kết hoặc ỉa chảy; phân khắm như trứng thối; kèm theo cảm giác vùng ngực bụng trướng đầy; ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, ... miệng khô đắng, sợ mùi thức ăn, người nóng, tiểu tiện vàng đỏ; rêu lưỡi vàng nhớt.

    Để chữa trị, Đông y thường sử dụng bài thuốc tiêu biểu sau:

        - Bài thuốc tiêu biểu: Sơn tra (hoặc táo mèo) 12g, mạch nha 9g, tân lang (hạt cau) 9g, trần bì (vỏ quít để lâu ngày) 9g, chỉ thực 6g, hoàng liên 6g, hạt cải củ 9g; sắc nước uống trong ngày, liên tục 3-5 ngày.

        - Gia giảm: Nếu bụng trướng, đại tiện bí, thêm đại hoàng 6g. Nếu miệng khô, đắng, khát nước, thêm chi tử (dành dành) 9g, kim ngân hoa 9g.

    Ngoài bài thuốc cơ bản trên, có thể áp dụng thử một số bài thuốc khác, theo kinh nghiệm dân gian dưới đây:

        (1) Bài 1: Ngải cứu 5g, củ gấu 12g, gừng khô 6g; sắc nước uống. Thích hợp nhất với trường hợp sau khi ăn no bị nhiễm lạnh, khiến thức ăn bị tích trệ, gây đau bụng, ỉa chảy, ...

        (2) Bài 2: Dùng một củ tỏi, giã nát, đắp lên rốn, băng cố định. Có tác dụng tương tự Bài 1.

        (3) Bài 3: Hạt củ cải, tán mịn, mỗi lần dùng 3g, hòa nước nóng uống, ngày uống 3 lần. Có tác dụng chữa đau bụng do ăn quá no, thức ăn tích trệ quá nhiều.

        (4) Bài 4: Sa nhân 30g, kê nội kim (màng mề gà) 30g, rượu trắng 500ml; sa nhân giã vụn, kê nội kim cắt nhỏ, đem ngâm rượu; sau một tuần có thể sử dụng, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần một chén con (khoảng 30ml), sau bữa ăn. Có tác dụng chữa tất cả các thể "thực tích" gây đau bụng.

• Giải độc thức ăn:

    Để khắc phục hiện tượng nhiễm độc thức ăn, ngoài việc tuân theo các quy tắc về vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng ta cũng nên nắm vững một số cách giải độc đơn giản bằng thuốc vườn nhà, hoặc sử dụng ngay một số loại thức ăn thông dụng, theo một số hình thức dưới đây.

    Trước hết cần lưu ý, ngộ độc thức ăn có thể xuất hiện ngay sau khi ăn, hoặc sau khi ăn vài giờ.

    Biểu hiện chủ yếu: Người ngây ngất, khó chịu, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, hoặc có cảm giác nặng ở vùng dạ dày, chóng mặt, toát mồ hôi. Có khi có cảm giác như muốn ngất đi, nôn được thì nhẹ hẳn. Có khi đau quặn bụng, đại tiện loãng hoặc đại tiện ra máu mũi.

    Cách xử trí chung: Nếu người bệnh chưa tự nôn ra được thì phải làm cho nôn càng sớm càng tốt, để tống các chất độc ra ngoài.

    Cách gây nôn: Cho người bệnh uống một bát nước đầy có pha thêm 2-3 thìa (cỡ thìa cà phê) muối ăn. Sau đó dùng ngón tay sạch hoặc chiếc lông đuôi gà đã rửa sạch ngoáy vào họng. Sau khi nôn, lại cho uống tiếp nước muối và kích thích cho nôn khoảng 2-3 lần. Sau đó cho uống một chén chè nóng và để nằm nghỉ.

    Chú ý: Nếu người bệnh đau bụng ỉa chảy, thì chất độc cũng theo phân bài xuất ra ngoài, vì vậy tuyệt đối không dùng ngay những loại thuốc cầm ỉa chảy. Khi đã đi ngoài được nhiều, mới cho bệnh nhân uống nước chè đặc nóng.

    Để giải độc, có thể sử dụng một trong số các bài thuốc có tác dụng giải độc chung như sau:

        (1) Bài 1: Đậu xanh 30-120g, ngâm nước, nghiền mịn, gạn lấy nước uống từng bát lớn.

        (2) Bài 2: Dùng đậu xanh cả vỏ 50g, giã giập, cho vào nồi, đổ ngập nước; sắc lấy một bát nước đặc cho người bệnh uống.

        (3) Bài 3: Dùng lá và cành cây chi chi (cam thảo nam) 20g hoặc 12g cam thảo bắc (có bán ở tất cả các cửa hàng Đông dược), cho vào ấm, đổ ngập nước; sắc lấy 1 bát nước đặc cho người bệnh uống.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]