Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Cách sử dụng một số loại thực phẩm sẵn có trong nhà để giải rượu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 09/09/2013 09:00 CH

Hỏi:

Chồng tôi là một doanh nhân nên hay phải đi tiếp khách, khi về đến nhà, thường xuyên trong tình trạng ngà ngà say, có khi xỉn nặng không biết gì. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" phổ biến cho một số cách giải rượu tương đối đơn giản, áp dụng trong trường hợp say nhẹ, cũng như trường hợp bị xỉn nặng. Xin cảm ơn.

Trần Thúy, Đà Nẵng

Đáp:

đậu xanh

Người xưa có câu "Vô tửu bất thành tịch", có nghĩa là "Không có rượu không thành mâm cỗ". Nhưng đồng thời cũng đã cảnh báo "Tửu bản cuồng dược, đại tổn chân âm", tức là "Rượu vốn là thứ thuốc làm cho phát cuồng, tổn hại rất lớn tới chân âm".

Ngày nay, y học hiện đại đã xác định, tác dụng chủ yếu của rượu đối với thần kinh là ức chế thần kinh trung ương. Vì vậy, trong dược lý học, rượu được xếp vào trong nhóm thuốc gây mê.

Khi uống rượu say, vùng vỏ đại não điều khiển sự tập trung, hành vi, khả năng kiềm chế, ... đã bị ức chế, do đó khi say, người ta thường có những hành vi hoàn toàn trái ngược với lúc tỉnh.

Với một người "tửu lượng" trung bình, "độ say" được chia thành 5 "cấp", tùy theo hàm lượng cồn trong máu (tính theo phần trăm) cùng với những biểu hiện chủ yếu như sau:

    - Cấp 1 (0,1 ~ 0,2%) - Chớm say: Sảng khoái, vui vẻ, cởi mở, hành vi chưa có gì khác thường.

    - Cấp 2 (0,2 ~ 0,3%) - Hưng phấn: Bắt đầu có biểu hiện say, hát hò ầm ỹ, ăn nói bốc đồng, đi đứng hơi xiêu vẹo nhưng vẫn tự chủ.

    - Cấp 3 (0,3 ~ 0,4%) - Giai đoạn "điên khùng": Mất khả năng tự kiềm chế, dễ gây tai họa.

    - Cấp 4 (0,4 ~ 0,5%) - "Mất trí": Đại tiểu tiện không tự chủ; mất định hướng không gian, thời gian; rối loạn nhân cách, hành vi quái dị, như cởi truồng ngay cả trước đám đông, ...

    - Cấp 5 (trên 0,5%) - "Say mềm": Chỉ khác người chết là còn thở, thêm chút cồn nữa là có thể mất mạng.

Trong những dịp Lễ - Tết, nhấm nháp chút rượu cho "khí thế" nhưng không nên để quá say, nghĩa là không nên vượt quá độ say cấp 2. Trong trường hợp "lỡ bị say", nguyên tắc cơ bản để giải rượu là "tống khứ" được lượng cồn dư thừa ra khỏi cơ thể.

Quá trình "tiêu hóa" rượu, tức phản ứng ôxy hóa cồn, trong cơ thể diễn ra rất chậm. Lượng cồn bài tiết ra ngoài qua hơi thở, nước tiểu, mồ hôi cũng rất nhỏ. Vì vậy, đối với những trường hợp bị say nặng, cách giải rượu hữu hiệu nhất là làm cho người say rượu nôn ra.

Tùy theo mức độ say, có thể sử dụng ngay một số loại thức ăn có sẵn trong nhà để giải rượu, theo một số phương pháp tương đối đơn giản sau đây:

    (1) Ăn nhiều bưởi, hoặc ép múi bưởi lấy nước cốt uống; có tác dụng làm tỉnh rượu và giải trừ bớt các chất độc của rượu; đặc biệt bưởi còn có tác dụng làm miệng đỡ hôi do uống rượu.

    (2) Dùng dưa hấu ép lấy nước cốt uống, hoặc ăn dưa hấu, cũng có tác dụng giải rượu tốt.

    (3) Trường hợp say rượu nặng, nên lấy 800g đỗ đen, đổ ngập nước, sắc lên lấy nước uống; uống liên tục, sẽ nôn ra và hết say.

    (4) Lấy đỗ xanh hãm nước sôi hoặc sắc qua cho người say uống; đun quá kỹ sẽ giảm mất tác dụng giải rượu. Trường hợp say rượu nặng dùng đỗ xanh sống, thêm nước đun sôi để nguội vào nghiền mịn, lọc lấy nước cho uống, có tác dụng giải rượu mạnh hơn.

    (5) Trường hợp vừa quá chén lại vừa ăn quá no bụng trướng đầy, dùng củ cải tươi ép lấy nuớc cốt, uống nhiều lần sẽ tỉnh dần, khi đã bớt say có thể ăn luôn củ cải sống, vẫn có tác dụng giải rượu tốt mà đỡ tốn công ép lấy nước.

    (6) Đối với trường hợp bị say rượu kèm lợm giọng, nôn khan (can ẩu) nên dùng nước mía ép hâm nóng lên, thêm chút gừng tươi vào, uống liên tục nhiều lần, mỗi lần 200-250ml, sẽ đỡ.

Ngoài ra, nếu có điều kiện, còn có thể sử dụng một số cách như sau:

    (1) Lấy lá dong tươi 150-200g, giã nát, chế nước nguội vào vắt lấy nước uống dần.

    (2) Lấy khoảng 10-15 quả trám trắng, sắc với nước, uống dần và ăn cả trám.

    (3) Dùng quả phật thủ tươi 30g (nếu không có quả có thể dùng lá 40-50g), sắc với nước, uống dần từng chén một.

    (4) Dùng rễ sắn dây giã nát, vắt lấy nước, uống hoặc pha bột sắn với nước nguội uống.

Cuối cùng xin lưu ý thêm: Không nên chỉ dùng nước chè để giải rượu. Thời xưa hay dùng nước chè để giải rượu, tuy nhiên, y học ngày nay đã cho thấy, làm như vậy là thiếu khoa học. Trong chè có một hàm luợng chất theobrommine, có tác dụng kích thích thận và gây lợi tiểu. Song luợng cồn dư thừa trong cơ thể lại tồn tại ở dạng aldehyde, khi bài tiết ra ngoài nhiều theo đường tiểu tiện, thận sẽ bị kích thích mạnh và có thể sẽ bị tổn thương. Mặt khác, khi uống một lượng lớn nước chè, dịch vị bị pha loãng, tim và thận cũng phải làm việc quá sức, có thể gây bất lợi đối với sức khỏe.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]