Hỏi:
Khi đến các phòng khám Đông y, tôi thường nghe các thầy thuốc nói tới "thuốc nhiệt", "thuốc hàn", "dương dược", "âm dược", ... cảm thấy rất lạ lùng và khó hiểu. Nếu có thể được đề nghị "Thuốc vườn nhà" giải thích cho biết những tính năng trên của thuốc được phân loại theo tiêu chuẩn nào, có ý nghĩa gì trong việc chữa bệnh?
Nguyễn Thị Loan, TP. Vinh
Đáp:
"Khí" và "vị" là hai tính năng cơ bản nhất của Đông dược. Trong khuôn khổ bài viết này "Thuốc vườn nhà" xin chỉ đề cập về "khí", còn "vị" sẽ được đề cập trong một dịp khác.
"Khí" có 4 loại nên thường gọi là "tứ khí" hoặc "tứ tính". Đó là: hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm) và lương (mát). "Khí" của vị thuốc được phân loại theo tiêu chuẩn nào?
Như chúng ta biết, con người là một loài động vật hằng ôn - có nhiệt độ cơ thể ổn định. Trong điều kiện bình thường, nhiệt độ của cơ thể được duy trì ổn định nhờ sự cân bằng giữa quá trình sản nhiệt và tán nhiệt. Khi cơ thể bị một nhân tố nào đó làm rối loạn (mắc bệnh) thì sự cân bằng giữ sản nhiệt và tán nhiệt cũng bị phá hoại. Ví dụ, nếu sản nhiệt mạnh hơn tán nhiệt sẽ xuất hiện những triệu chứng "nhiệt" như phát sốt, cơ năng cang tiến (cơ năng sinh lý cao hơn mức bình thường), ... Ngược lại, nếu tán nhiệt mạnh hơn sản nhiệt sẽ xuất hiện những triệu chứng "hàn" như sợ lạnh, cơ năng suy giảm (cơ năng sinh lý thấp hơn mức bình thường), ... Điều đó có nghĩa là bệnh tật luôn luôn có thể phân chia thành 2 loại chính là nhiệt và hàn.
Theo thuyết âm dương, "nhiệt" là "dương" và "hàn" là "âm" nên y gia thời xưa nói: Bệnh tật phát sinh là do một nhân tố nào đó dẫn tới sự mất cân bằng âm dương trong nhân thể, từ đó xuất hiện những trạng thái bệnh lý thể hiện sự thiên lệch về âm dương bên trong cơ thể. Ví dụ, nếu dương quá mạnh sẽ xuất hiện những trạng thái bệnh lý có tính nhiệt như phát sốt, khát nước, bồn chồn, đại tiện táo, tiểu tiện vàng sẻn, ... Còn khi âm quá mạnh sẽ xuất hiện những triệu chứng hàn như sợ lạnh, bụng đau, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong dài, ...
"Hàn" và "nhiệt" là những trạng thái bệnh lý cơ bản thể hiện sự mất cân bằng về phương diện âm dương và cũng là những biểu hiện chủ yếu của bệnh tật. Để điều chỉnh lại sự mất cân bằng đó (cũng có nghĩa là để chữa trị bệnh tật) cần dùng sự thiên lệch về âm dương của các vị thuốc để điều chỉnh lại. Ví dụ, để chữa trị chứng hàn cần sử dụng những vị thuốc có tính "ôn" hoặc "nhiệt" (ấm hoặc nóng), còn để chữa trị các chứng nhiệt cần dùng những vị thuốc có tính "hàn" hoặc "lương" (mát hoặc lạnh). Do đó "Thần Nông bản thảo kinh" - bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y đã viết: "Liệu hàn dĩ nhiệt dược, liệu nhiệt dĩ hàn dược" - nghĩa là chữa bệnh lạnh thì dùng thuốc nóng, chữa bệnh nóng thì dùng thuốc lạnh.
Như vậy, "tứ khí" (hàn - nhiệt - ôn - lương) của vị thuốc được phân loại trên cơ sở tác dụng chữa bệnh. Ôn và nhiệt chỉ khác nhau về cường độ, cùng một loại và được gọi là "dương dược". Hàn và lương cũng chỉ khác nhau về cường độ, cùng một loại và được gọi là "âm dược". "Dương dược" dùng để chữa bệnh nhiệt, "âm dược" dùng để chữa bệnh hàn.
"Tứ khí" là đặc tính cơ bản nhất của Đông dược. Muốn dùng Đông dược để chữa bệnh theo phương pháp của Đông y (chứ không phải theo phương pháp của Tây y) trước hết cần nắm vững "tứ khí". Ví dụ, cùng là một chứng "ứ huyết" (huyết dịch vận hành trì trệ, huyết khối, ...) nếu là do "hàn tà" gây nên cần dùng những vị thuốc hoạt huyết có tính ôn nhiệt (dương dược) như hồng hoa, quế chi, ngải cứu để chữa. Ngược lại, nếu "ứ huyết" do "nhiệt tà" gây nên cần dùng những vị thuốc hoạt huyết có tính hàn lương (âm dược) như xích thược, đan bì, đan sâm để chữa. Nếu làm trái, không những chứng ứ huyết không thể chữa khỏi mà còn làm cho bệnh nặng thêm.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.