Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Thuốc Nam chữa Viêm khớp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 13/04/2012 09:26 SA

Hỏi:

Vợ cháu năm nay 30 tuổi, từ khoảng 1 năm nay vợ cháu tự nhiên bị đau các khớp xương, rất khó vận động và rất đau đớn. Lúc đầu chỉ đau ở bả vai, sau đó các khớp khác như ngón tay, háng, đầu gối, ... cũng đều bị sưng. Đi khám có kết luận là "Viêm đa khớp", cho uống thuốc nhưng không khỏi. Vậy cháu xin hỏi "Thuốc vườn nhà":

    (1) Có bài thuốc nào chữa được bệnh cho vợ cháu?

    (2) Cháu nghe nói dùng cây đơn gối hạc uống sẽ khỏi? Xin chỉ cho cách nhận biết, tác dụng và cách dùng.

N.V. Quân, Hải Phòng

Đáp:

Xin giải đáp tuần tự các câu hỏi của bạn như sau:

• Thuốc Nam chữa viêm khớp:

    Khác với Tây y, để chữa trị bệnh viêm khớp, Đông y không sử dụng cùng một số loại thuốc cố định cho tất cả mọi người (cùng bị mắc bệnh viêm khớp), mà chia "bệnh" thành những "chứng hình" (thể bệnh) khác nhau. Thể bệnh được phân loại căn cứ vào những chứng trạng cụ thể, biểu hiện ở người bệnh. Tiếp đó, đối với mỗi thể bệnh, sẽ sử dụng những phép chữa, bài thuốc thích hợp. Bạn có thể căn cứ vào những chứng trạng của vợ, để phân biệt thể bệnh, và sử dụng các phép chữa, bài thuốc, theo các phương án sau:

    1. Thể phong nhiệt:

        - Chứng trạng: Sốt cao, đau họng, phiền khát, khớp xương sưng nóng đỏ, đau di chuyển, trên da xuất hiện những mảng ban đỏ. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Thể bệnh này hay gặp trong trường hợp Tây y chẩn đoán là "viêm khớp cấp tính".

        - Phép chữa: Trừ phong, thanh nhiệt, thông kinh hoạt lạc.

        - Bài thuốc thường dùng: Nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 20g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, quế chi 9g, tang chi (cành cây dâu tằm) 12g.

        Gia giảm:

            + Nếu kèm theo đau họng, thêm: Kim ngân hoa 15g, xạ can (rẻ quạt) 6g.

            + Nếu trên da xuất hiện mảng ban đỏ hình tròn, thêm: Khương hoàng (nghệ vàng) 10g.

            + Nếu sốt cao, đau kịch liệt, thêm: Sừng trâu (cưa nhỏ) 30g.

        Sắc nước uống trong ngày, liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày, lại tiếp tục liệu trình khác, cho tới khi khỏi. Thời gian hành kinh (phụ nữ) ngừng uống.

    2. Thể phong hàn:

        - Chứng trạng: Không sốt hoặc chỉ sốt nhẹ, khớp không sưng đỏ, nhưng đau như dao cắt, gặp lạnh đau càng nặng. Sắc mặt trắng nhợt, dưới da nổi cục. Chất lưỡi nhợt, đen xạm; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc trắng nhầy.

        - Phép chữa: Sơ phong tán hàn, thông lạc chỉ thống.

        - Bài thuốc thường dùng: Can khương (gừng khô) 15g, tía tô 9g, quế chi 9g, bổ cốt chi (phá cố chỉ) 12g, cẩu tích 12g, mộc qua 10g, bạch thược 12g.

        Gia giảm:

            + Nếu chân tay không ấm, sợ lạnh, thêm: Đương quy 9g.

            + Dưới da sẩn cục, thêm: Đào nhân (nhân hạt đào) 9g, bạch giới tử (hạt cải) 6g.

            + Kèm theo khớp xương sưng to, thêm: Ý dĩ nhân 30g.

        Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, uống theo liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

    3. Thể phong thấp:

        - Chứng trạng: Khớp xương sưng to, tê mỏi đau; hoặc kèm theo cảm giác lạnh đau ở khớp xương; hoặc có cảm giác như bị sốt nhưng sờ vào da lại không thấy nóng tay; rêu lưỡi trắng nhầy.

        - Phép chữa: Trừ phong hóa thấp, thông lạc.

        - Bài thuốc thường dùng: Khương hoạt 9g, độc hoạt 9g, quế chi 9g, uy linh tiên 12g, tang chi (cành cây dâu tằm) 20g, hổ trượng căn (cốt khí củ) 12g, kinh giới 10g.

        Gia giảm:

            + Nếu khớp xương lạnh đau, kèm theo bị nhiễm lạnh, thêm: Tía tô 15g, can khương (gừng khô) 15g, sinh khương (gừng tươi) 10g.

            + Nếu khớp xương nóng đau, cảm giác như bị sốt nhưng da không nóng, thêm: Vỏ núc nác 10g, thương truật 10g, ý dĩ nhân 30g.

        Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

    4. Thể tà tý tâm mạch:

        - Chứng trạng: Khớp xương đau nhức, chỉ hơi sưng, có thể kèm theo đau họng, ngực ngột ngạt hoặc đau, khó thở, vã mồ hôi, hoặc trống ngực, ít ngủ; lưỡi phình to, chất lưỡi đỏ hoặc tím tái. Thể bệnh này hay gặp trong trường hợp bệnh phong thấp biến chứng vào tim, gây bệnh ở van tim.

        - Phép chữa: Ích khí dưỡng âm, trừ tà thông mạch.

        - Bài thuốc thường dùng: Nhân sâm 10g (hoặc đảng sâm 16g), mạch môn đông (củ tóc tiên) 15g, ngũ vị tử 6g, tam thất 8g, đương quy 10g, xích thược 15g, phòng kỷ 10g, mộc qua 10g, tần cửu 10g, vỏ cây vông nem 16g.

        Gia giảm:

            + Họng đau, thêm: Kim ngân hoa 12g, xạ căn 8g.

            + Nếu khó thở, vã nhiều mồ hôi, thêm: Hoàng kỳ 30g, rễ lúa nếp 15g.

            + Nếu trống ngực, ít ngủ, thêm: Toan táo nhân (hạt táo chua, sao đen) 12g, bá tử nhân (hạt cây trắc bách diệp, sao đen) 12g.

        Sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, liệu trình 10 ngày; thời gian hành kinh ngừng dùng thuốc.

• Cây đơn gối hạc:

cây đơn gối hạc, gối hạc, kim lê, bí dại, phỉ tử, mũn, mùn, củ rối, mạy chia, co còn ma, mìa sẻng, Leea rubra Blume.

    Cây đơn gối hạc còn có tên là "gối hạc", "kim lê", "bí dại", "phỉ tử", "mũn", "mùn", "củ rối" (miền Nam), "mạy chia" (Tày), "co còn ma" (Thái), "mìa sẻng" (Dao); tên khoa học là Leea rubra Blume., thuộc họ Gối hạc (Leeaceae).

    Đơn gối hạc là loài cây mọc thành bụi dày, cao tới 1-1,5m. Thân có rãnh dọc và phình lên ở những mấu (giống như gối con chim hạc), do đó có tên là "gối hạc". Lá mọc so le, kép lông chim ba lần, phía trên hai lần; phiến lá chét có răng cưa thô to, dài 5-11cm, rộng 25-60mm, gần như không cuống. Hoa nhỏ màu hồng, mọc thành ngù ở đầu cành. Quả có đường kính 6-7mm, 4-6 hạt, dài 4mm. Quả khi chín có màu đen, mùa hoa quả vào tháng 5-10. Rễ củ màu hồng, trắng và vàng.

    Cây mọc hoang dại ở những vùng đồi núi. Thường người ta đào lấy rễ vào mùa Thu Đông, để dùng làm thuốc. Đào rễ về rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.

    Chú ý: Ngoài cây Leea rubra nói trên, dân gian còn dùng cây Leea sambuciana với cùng tên gối hạc, kim lê; cây này cũng giống cây trên, nhưng lá kép xẻ lông chim hai lần, cụm hoa lớn hình ngù, hoa trắng vàng, nhỏ bé, quả đen, lá khô đen ở mặt trên. Cùng một công dụng.

    Rễ gối hạc có vị đắng, tính mát. Dân gian dùng chữa bệnh đau nhức khớp xương, tê thấp, đau bụng, rong kinh.

    Cách sử dụng để chữa đau nhức, viêm khớp: Dùng đơn gối hạc 40-50g sắc uống. Hoặc dùng đơn gối hạc 30g, phối hợp với cỏ xước, ngưu tất, tỳ giải - mỗi vị 15g; sắc uống.

Lương y Huyên Thảo


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]