Hỏi:
Cháu đang học lớp 11, từ mấy tháng nay, da mặt cháu bắt đầu mọc nhiều mụn trứng cá đầu trắng, có cả mụn đầu đen, khiến cháu nhiều khi mất tự tin. Rất mong "Mỹ phẩn từ thiên nhiên" cho biết, có thể sử dụng những loại cây cỏ có sẵn ở quanh nhà để chữa được không? Vì một số bạn cùng lớp cháu mua kem chữa trứng cá về bôi lúc đầu rất mau khỏi, nhưng về sau thuốc mất tác dụng và mụn lại mọc lên nhiều hơn khi chưa bôi thuốc.
Dương Thị Minh Nguyệt, Thanh Ba, Phú Thọ
Đáp:
Thông thường, chất nhờn tiết ra từ tuyến bã được bài xuất ra ngoài một cách tự nhiên, không làm tổn thương da. Bước vào tuổi thanh xuân, do tác động của nội tiết tố sinh dục, tuyến bã nhờn hoạt động mạnh hơn. Chất nhờn từ tuyến bã tiết ra nhiều, kết hợp với những lá sừng ở nang lông, làm cho cổ chân lông bị tắc nghẽn, nhiễm trùng và sinh ra mụn trứng cá.
Khi bệnh mới phát, thông thường chỉ có 2 loại mụn, đầu trắng và đầu đen. Hai loại mụn này, nói chung là lành tính, vì khi khỏi không để lại sẹo. Điều quan trọng nhất lúc này là cần chú ý giữ vệ sinh da và tránh bị nhiễm trùng. Cần tránh dùng móng tay, nhất là móng tay bẩn, nặn trứng cá, vì có thể khiến cho vi khuẩn lây lan sang những vùng lân cận, làm thượng bì và trung bì bị tổn thương, vi khuẩn lan truyền theo đường máu, gây nên viêm nhiễm mưng mủ ở tầng sâu, tạo thành những mụn "trứng cá cục" và để lại những sẹo vĩnh cửu, rất mất mỹ quan.
Để chữa bệnh trứng cá giai đoạn bệnh mới phát, như trường hợp của cháu, có thể sử dụng một số loại thảo dược uống trong và bôi ngoài sau:
• Thuốc uống trong:
- Dùng lá dâu tằm 30g tươi (hoặc 15g khô), chi tử (trái dành dành) 10g, kim ngân hoa 10g, mạch môn đông 10g (củ cây tóc tiên), ý dĩ nhân (hạt bo bo) 20g, tía tô 5g, kinh giới 5g, cam thảo 5g; sắc nước uống thay nước trong ngày.
- Lá dâu tằm và chi tử (trái dành dành) có tác dụng thanh phế nhiệt (trừ nhiệt ở tạng phế); kim ngân hoa có tác dụng thanh nhiệt giải độc, chống viêm nhiễm; mạch môn đông bổ âm dưỡng huyết; ý dĩ nhân điều tiết hoạt động của tuyến bã, tránh chất nhờn tiết ra quá nhiều; tía tô và kinh giới khiến cho các chất cặn bã nhanh chóng bài xuất ra theo đường mồ hôi; cam thảo điều hòa các vị thuốc.
- Kinh nghiệm cho thấy, bài thuốc này có tác dụng chữa trứng cá trong giai đoạn mới phát khá tốt và an toàn. Bạn đọc sử dụng kết quả ra sao xin viết thư phản hồi, để có thể rút kinh nghiệm và phổ biến cho những người khác.
• Thuốc bôi rửa:
(1) Dùng ngải cứu tươi 60-100g, giấm ăn 150-250ml; cho tất cả vào nồi gốm, sắc lấy nước đặc; dùng giấy mỏng thấm nước thuốc, đắp lên chỗ da bị bệnh, sau 30 phút thì gỡ ra, ngày đắp 2-3 lần.
(2) Dùng bồ công anh, dây tơ hồng - mỗi thứ một nắm (khoảng 30g); sắc lấy nước đặc; dùng khăn bông thấm nước thuốc, cọ rửa những chỗ da bị bệnh, ngày 1-2 lần.
Hai bài thuốc dùng ngoài ở trên, có tác dụng tẩy sạch chất bã nhờn và làm tan "nhân trứng cá". Với những trường hợp bệnh phát nhẹ, chỉ cần dùng thuốc bôi, rửa bên ngoài trên, cũng có thể chữa khỏi.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.