Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Da không tiết mồ hôi sinh bệnh

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/10/2012 02:50 SA

Hỏi:

Cháu năm nay 18 tuổi. Da cháu rất mỏng và thuộc loại nhạy cảm, từ 3 năm nay trên mặt lại mọc rất nhiều mụn trứng cá đầu đỏ, mụn bọc cỡ hạt đậu, rất đau, để lại nhiều vết thâm, ... Nhưng điều quái lạ nhất là, dù trời nóng bao nhiêu, da cháu cũng không tiết mồ hôi. Mùa hè da đỏ bừng, mùa đông da tái nghét. Cháu đã dùng đủ các loại thuốc mà không khỏi. Không biết làm thể nào để mồ hôi có thể tiết ra. Mong được "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" tư vấn giúp cháu.

Lê Thị Thùy L., Đắk-Lắk

Đáp:

tía tô

Da không tiết mồ hôi (đúng ra là giảm tiết mồ hôi quá mức), tuy là chứng bệnh rất "quái lạ", nhưng bạn cũng chớ nên quá lo lắng, vì cả Đông y và Tây y đều có thuốc chữa trị.

Sự tiết xuất mồ hôi có hai chức năng chính, thứ nhất là điều hòa thân nhiệt, thứ hai là đào thải các chất cặn bã cùng chất độc. Da đỏ bừng hoặc tái mét, cũng như mụn trứng cá, mụn bọc trong trường hợp này là hậu quả của giảm tiết mồ hôi. Một khi quá trình điều tiết mồ hôi được hồi phục, thì các chứng bệnh liên quan cũng sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, giảm tiết mồ hôi là chứng bệnh có cơ chế tương đối phức tạp, vì vậy bạn cần đến bệnh viện hoặc phòng khám Đông y, để được các thầy thuốc hướng dẫn cụ thể. Không nên tự dùng thuốc chữa trị một cách cảm tính, hoặc nghe theo lời mách bảo không có cơ sở.

Dưới đây "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" xin cung cấp một số thông tin để bạn tham khảo.

Chứng bệnh không mồ hôi (vô hãn) đã được Đông y đề cập sớm nhất trong thiên "Doanh vệ sinh hội" của sách "Linh khu", từ cách nay hơn 2000 năm. Về sau, cách chữa bệnh này được phân tích và trình bày tỉ mỉ trong các sách "Thương hàn luận" và "Xích thủy huyền chu".

Theo Đông y: Mồ hôi là do "tân dịch" được "dương khí" chưng hóa, theo "hãn khổng" (tuyến mồ hôi) tiết ra mà thành. "Dương khí" trong trường hợp này chỉ năng lượng và chức năng sinh lý, còn "tân dịch" chỉ huyết dịch cùng các loại dịch thể khác bên trong cơ thể. Chứng bệnh vô hãn thường là do "dương khí" không đầy đủ (không đủ sức chưng hóa tân dịch), hoặc do tân dịch không đầy đủ (nguồn nước để biến thành mồ hôi bị cạn kiệt), hoặc do "bệnh tà" (tác nhân gây bệnh) làm rối loạn cơ chế bài tiết mồ hôi gây nên.

Như vậy, để mồ hôi tiết xuất bình thường, cơ thể cần có đủ "dương khí", "tân dịch" và cơ chế điều tiết mồ hôi hoạt động tốt.

Trước mắt, để khắc phục chứng không mồ hôi, ngoài việc ăn uống đủ dinh dưỡng, bạn có thể dùng thử một số bài thuốc có tác dụng bổ sung dương khí, làm tăng tân dịch và xúc tiến bài tiết mồ hôi sau đây:

    (1) Trà tía tô bí đao: Hàng ngày dùng 1 nắm lá tía tô (cỡ 20g), bí đao (để cả vỏ, rửa sạch, thái thành miếng nhỏ cỡ ngón tay) 50g; sắc nước uống thay nước trong ngày. Nếu có thêm củ mạch môn (cây tóc tiên vẫn trồng làm cảnh, đào lấy củ, rửa sạch, bỏ lõi, khoảng 10-15g), cùng sắc uống tác dụng càng tốt.

    (2) Tư âm phát hãn thang: Nhân sâm 8g (hoặc đảng sâm 16g), quế chi 8g, tía tô 8g, đương quy 10g, xuyên khung 6g, bạch thược 10g, thục địa 16g, mạch môn 12g, cam thảo 6g; sắc nước uống mỗi ngày một thang, sắc 2-3 lần, chia ra nhiều lần uống thay nước trong ngày. Bài thuốc dùng nhân sâm, cam thảo để ôn bổ dương khí, quế chi và tía tô để điều hòa quá trình tiết xuất mồ hôi, các vị thuốc còn lại có tác dụng bổ huyết và làm tăng âm dịch. Tất cả các vị thuốc nói trên đều có sẵn ở các cửa hàng Đông Nam dược, thuốc an toàn không tác dụng phụ, vì vậy có thể mua về dùng thử.

Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Ý kiến bạn đọc

1 Ý kiến bạn đọc
Vũ thị vui (10/06/2016 05:22 SA)

Con của cháu khi sinh ra đã không tiết được mồ hôi thì có bài thuốc nào chữa được không ạ?

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]