Hỏi:
Cứ tới mùa hè, mấy đứa cháu nội và bản thân tôi, lại bị rôm mọc đầy cả người, ngứa ngáy rất khó chịu. Tôi nghe người ta nói, dùng những thứ lá mát, như kim ngân, sài đất, ... đun nước tắm có thể chữa khỏi. Tôi đã áp dụng thử, nhưng mỗi lần tắm lá xong, bọn trẻ liền bị dị ứng, da mẩn đỏ và ngứa ngáy quấy khóc ầm ĩ. Vậy xin hỏi, muốn chữa rôm sẩy, cần sử dụng những loại thuốc gì?
Nguyễn Mai, Hà Nội
Đáp:
Rôm là một loại bệnh ngoài da thường gặp trong mùa hè, nhất là vào những ngày nhiệt độ và độ ẩm không khí tăng cao. Những nốt rôm có thể xuất hiện ở mọi vị trí trên cơ thể, nhưng nhiều nhất ở trên trán, cổ, ngực, lưng, khuỷu tay, khoeo chân, bẹn, nếp nhăm trên vú ở phụ nữ, cũng như trên đầu ở trẻ nhỏ.
Khởi đầu da đỏ ửng từng mảng, sau đó xuất hiện những nốt sẩn (khâu chẩn) hoặc mụn nước nhỏ (khâu bào chẩn), cỡ như đầu kim, hạt kê, hạt vừng, ... thành những đám rôm dầy đặc, gây khó chịu, nóng rát, nhấm nhói đau và ngứa, nhiều khi ngứa kịch liệt.
Rôm là một loại bệnh đặc thù của tuyến mồ hôi. Thời tiết nóng, mồ hôi tiết ra nhiều để điều hòa thân nhiệt. Nhưng độ ẩm không khí tăng cao, khiến mồ hôi bốc hơi chậm, bề mặt da liên tục có mồ hôi tẩm ướt, làm cho miệng ống dẫn mồ hôi (hãn quản) bị tắc lại. Mồ hôi bị ứ đọng quá nhiều, khiến cho hãn quản bị nứt hoặc bị vỡ ở một số vị trí nhất định. Từ những chỗ nứt vỡ đó, mồ hôi tràn vào các tổ chức chung quanh, gây nên viêm và tạo thành những nốt rôm.
Tùy theo vị trí hãn quản bị tắc và vị trí mồ hôi tràn ra, cũng như vị trí hãn quản bị hư tổn (nứt, vỡ), trên lâm sàng rôm được chia thành 3 loại:
1. Rôm trắng: Hình thành trong trường hợp vị trí hư tổn và mồ hôi trào ra ở sát mặt da. Là dạng tổn thương không kèm theo viêm. Trên da xuất hiện những mụn nước nhỏ, cỡ đầu kim, thành mỏng, chung quanh không có quầng đỏ, dễ vỡ. Nói chung, thường không gây cảm giác dị thường. Khi rôm lặn, chỉ thấy trên da bong chút vẩy. Loại rôm này hay mọc ở cổ, trên người; thường gặp ở người cơ thể suy yếu, người nóng, nhiều mồ hôi.
2. Rôm đỏ: Là loại hay gặp nhất, bệnh biến xảy ra ở phần sâu hơn của biểu bì. Trên da xuất hiện những nốt sẩn (khâu chẩn) hoặc mụn nước nhỏ (khâu bào chẩn), xung quanh có quầng đỏ. Rôm mọc dầy đặc thành từng mảng, gây nóng rát, nhấm nhói đau và ngứa. Khi trời chuyển mát thì rôm lặn, chỉ thấy có chút vẩy bong ra. Loại rôm này hay mọc ở trên trán, cổ, ngực và lưng, cũng như trên đầu mặt trẻ nhỏ.
3. Rôm mưng mủ: Là tổn thương kèm theo nhiễm trùng. Trên đầu nốt rôm có mụn mủ nhỏ, cỡ bằng đầu kim. Hay xuất hiện ở những vùng da nhiều nếp nhăn và trên đầu trẻ nhỏ.
Bệnh rôm cần chữa trị kịp thời, vì để bệnh phát nặng, ngứa gãi nhiều có thể làm da bị thương tổn, nhiễm trùng, dẫn tới viêm nang lông, mụn mủ hoặc đinh nhọt sưng đau, chữa trị rất phức tạp.
Trong Đông y, bệnh rôm thường được chữa trị theo hai hướng: Dùng thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" và sử dụng một số bài thuốc kinh nghiệm (nghiệm phương). Xin giới thiệu sơ lược để bạn tham khảo.
• Biện chứng luận trị:
1. Thể chính thịnh tà thực: Nghĩa là sức đề khánh đầy đủ (chính khí thịnh) mà tác nhân gây bệnh cũng mạnh (tà thực). Thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc người lớn cơ thể khỏe mạnh, trong những ngày nắng nóng kịch liệt, độ ẩm môi trường tăng cao.
- Biểu hiện: Da đỏ ửng, rôm mọc dầy đặc, nóng rát và ngứa kịch liệt. Thường kèm theo phiền khát, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo kết; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch đập mạnh, nhanh (hồng sác).
- Để chữa trị, có thể sử dụng một số Món ăn - Bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, trừ phong sau:
(1) Bài 1: Đậu xanh để cả vỏ 50g, bí đao (để cả vỏ, rửa sạch, thái nhỏ) 60g; sắc lấy nước, pha thêm chút đường trắng, chia ra uống trong ngày; liên tục 7-10 ngày.
(2) Bài 2: Bí đao (để cả vỏ, rửa sạch, thái nhỏ) 60g, ý dĩ 30g; sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày; liên tục 7-8 ngày.
(3) Bài 3: Kim ngân hoa 10g, nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 10g, hoắc hương 8g, hương nhu 8g, bạc hà 5g (cho vào sau); sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày; liên tục 7-8 ngày.
2. Thể khí huyết lưỡng hư: Nghĩa là khí và huyết đều suy yếu. Hay gặp ở trẻ suy dinh dưỡng hoặc người lớn cơ thể suy nhược, bị thiếu máu, mắc bệnh đái tháo đường.
- Biểu hiện: Do khí huyết hư tổn, chỗ da bị bệnh có màu tối, rôm mọc không nhiều, không nóng và ngứa ngáy kịch liệt. Thường kèm theo: Mặt nhợt nhạt, tinh thần uể oải, thở ngắn, tiếng nói yếu, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng loãng hoặc bình thường; chất lưỡi nhợt, ít rêu; mạch nhỏ yếu (tế nhược).
- Để chữa trị, có thể sử dụng một số Món ăn - Bài thuốc, có tác dụng bổ khí ích huyết, phù chính bài độc dưới đây:
(1) Bài 1: Hoàng kỳ (tẩm mật sao) 15g, tang thầm (quả dâu tằm chín) 15g, cúc hoa 6g; sắc lấy nước, pha thêm đường đỏ, chia ra uống trong ngày; liên tục 7-10 ngày.
(2) Bài 2: Hoàng kỳ (tẩm mật sao) 15g, đương quy 12g, cát căn (củ sắn dây) 12g, cam thảo 6g; sắc lấy nước, chia ra uống trong ngày; liên tục 7-10 ngày.
(3) Bài 3: Thái tử sâm 15g, xuyên khung 9g, thiên hoa phấn 15g, hồng táo (táo tầu) 9g, gạo tẻ 30-50g, đường đỏ lượng thích hợp; sắc thái tử sâm, xuyên khung, thiên hoa phấn lấy nước, cho gạo, hồng táo và đường đỏ vào, nấu cháo; chia ra ăn trong ngày; liên tục 10-15 ngày.
• Nghiệm phương:
(1) Dùng gừng tươi: Gừng có tác dụng sát khuẩn, làm sạch da, đồng thời tăng cường vi tuần hoàn trên da, giúp mồ hôi tiết ra ngoài một cách thông suốt. Chớ ngại là gừng "nóng". Dùng gừng để chữa rôm là một kinh nghiệm đã lưu truyền từ rất lâu đời. Trên thực tế, nhiều người đã áp dụng, có kết quả hết sức khả quan. Có thể sử dụng theo một số phương pháp như sau:
- Gừng tươi (để cả vỏ) rửa sạch, giã nát, dùng bông thấm nước gừng, bôi thấm lên những chỗ da nổi rôm, ngứa ngáy; thông thường, bôi xong vài tiếng thì rôm lặn; mỗi ngày có thể bôi 2-3 lần.
- Lấy một mẩu gừng, cỡ ngón tay, giã nhỏ, sắc với khoảng 2 lít nước; đun sôi, để nước nguội thì tắm; mỗi ngày tắm 1 lần vào buổi sáng. Kinh nghiệm cho thấy, đối với trẻ nhỏ, rôm sảy mọc dày đặc, tắm liên tục 3-4 ngày, đã thấy kết quả. Một số người còn cải tiến như sau: Sau khi tắm nước gừng, lấy một miếng bí đao hoặc dưa chuột, xát lên người từ đầu đến chân, xát đi xát lại 2-3 lần, sau dùng khăn khô lau cho sạch. Tuy nhiên, một số trẻ nhỏ xát như vậy có thể bị dị ứng. Chỉ cần kiên trì tắm nước gừng, là rôm sẽ lặn. Tuy nhiên chớ nên sắc quá đặc. Để tránh trẻ bị dị ứng, lần đầu chỉ nên dùng ít gừng, sau đó sẽ tăng dần liều lượng.
(2) Dùng lá dâu tằm: Hái lá dâu tằm (khoảng 200g), cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi, chờ đến khi nước ấm thì tắm. Tắm xong lău khô, rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Thông thường, tắm liên tục 3-5 ngày là rôm hết mọc.
(3) Dùng lá bọ mẩy:
- Uống trong: Dùng lá bọ mẩy tươi 50g (trẻ nhỏ giảm bớt liều), sắc 2 lần, chia 2 lần uống sáng và chiều tối; liên tục 3-5 ngày.
- Bôi ngoài: Dùng lá bọ mẩy tươi 70-100g, bạc hà 15g; sắc lá bọ mẩy lấy nước đặc, trước khi bắc ra thì cho bạc hà vào, đun sôi lại là được; dùng nước thuốc xát rửa chỗ bị bệnh, ngày 2-3 lần.
Cây bọ mẩy còn có tên là "bọ nẹt", "đại thanh", "đắng cay", "mẩy kỳ cáy", "thanh thảo tâm", "lộ biên thanh", ... tên khoa học là Clerodendron cyrtophyllum Turcz., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).
Bệnh rôm, có vẻ chỉ là một "bệnh vặt", nhưng chữa trị nhiều khi không
đơn giản. Vì cần căn cứ vào triệu chứng cụ thể, cũng như đặc điểm thể
chất, tình hình sức khỏe ở từng người, mà chọn ra biện pháp thích hợp.
Muốn dùng thuốc Nam để chữa trị, tốt nhất bạn nên tìm đến một thầy thuốc
Đông y giàu kinh nghiệm, để được chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc một
cách cụ thể.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.