Hỏi đáp

Thực phẩm với chứng rậm lông ở phụ nữ

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 22/11/2011 07:10 SA

Hỏi:

Da cháu rất nhiều lông, lông mọc dài và đen, ở chân ở tay và cả ria mép nữa. Cháu rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" cho biết, có thứ thảo dược nào có thể triệt lông vĩnh viễn mà không gây tổn hại tới sức khỏe hay không?

Đinh Thúy Ngân, Tp. Lạng Sơn & một số bạn đọc khác

Đáp:

đậu tương, đậu nành

Lông mọc quá rậm là hiện tượng có thể gặp ở cả nam giới và nữ giới, y học gọi chung là "chứng bệnh rậm lông" (hypertrichiasis). Khi hiện tượng này xuất hiện ở nữ giới, người ta còn sử dụng một tên gọi riêng là "chứng rậm lông ở phụ nữ" (hirsutism).

Rậm lông là chứng bệnh nói chung lành tính nhưng lại rất "tai hại" đối với vẻ đẹp của phụ nữ.

Trước hết, ta hãy tìm hiểu về các nguyên nhân:

    1. Có thể liên quan đến một số bệnh: Ví dụ như "u nang buồng trứng", "buồng trứng đa nang", "u tuyến thượng thận", "tăng sản tuyến thượng thận", ... có thể dẫn tới hiện tượng tăng tiết "nội tiết tố sinh dục nam" trong cơ thể phụ nữ khiến lông mọc rậm.

    2. Do thuốc: Một số loại thuốc nội tiết như corticoid (prednisolon, k-cort, dexametharon, ...), durabolin, ... nếu như sử dụng không thích đáng, dễ gây nên hiện tượng rậm lông ở phụ nữ.

    3. Do di truyền: Một số gien có tác dụng kích thích mọc lông được truyền từ cha hoặc mẹ rậm lông sang cho con gái, rậm lông do di truyền khó chữa khỏi hẳn.

    4. Mất cân bằng nội tiết: Qúa trình phân tiết nội tiết tố (hormone) ở buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên, tuyến giáp bị mất cân bằng cũng có thể dẫn đến hiện tượng râm lông.

Dù do bất kỳ nguyên nhân nào trong số nói trên, rậm lông vẫn liên quan mật thiết tới lượng "nội tiết tố sinh dục nam" (androgen) bên trong cơ thể. Hàm lượng androgen càng cao lông mọc càng rậm, hàm lượng càng thấp càng có ít lông. Testosterone là loại nội tiết tố sinh dục nam chủ yếu được sản xuất trong tinh hoàn ở nam giới. Trong cơ thể phụ nữ, một lượng nhỏ loại nội tiết tố này được sản xuất ở buồng trứng và vỏ tuyến thượng thận.

Như vậy, tuy gọi là "nội tiết tố sinh dục nam" nhưng testosterone cũng hiện diện cả ở trong cơ thể phụ nữ, chỉ có điều là hàm lượng thấp hơn. Ở phụ nữ hàm lượng bình quân chỉ bằng 1/15 ở nam giới, khi hàm lượng này vượt qúa tiêu chuẩn sẽ dẫn tới hiện tượng rậm lông.

Từ việc phân tích nguyên nhân có thể thấy, khắc phục hiện tượng rậm lông ở nữ giới trên phương diện trị liệu y học không phải đơn giản. Vì vậy, đa số những phụ nữ bị mắc chứng rậm lông vẫn thường phải áp dụng những "giải pháp tình thế" như bôi thuốc rụng lông, dùng tia laser hoặc I.P.L (Interse Pulsed Light), ... 

Kinh nghiệm lâm sàng của Đông y cho thấy, phụ nữ rậm lông thường bị mất cân bằng âm dương, chủ yếu có những biểu hiện thuộc chứng trạng "âm hư dương thịnh". Tại một bệnh viện ở Trung Quốc, các thầy thuốc đã thử nghiệm sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng "bổ âm, dưỡng huyết", để chữa trị chứng rậm lông ở phụ nữ, đạt kết qủa tốt. Tuy nhiên, việc này cần tiến hành trong điều kiện được thăm khám và chẩn trị toàn diện trong thời gian dài.

"Mỹ phẩm từ thiên nhiên" không thể hướng dẫn bạn một loại dược thảo cụ thể nào có thể chữa trị chứng rậm lông một cách nhanh chóng. Trước mắt, chỉ có thể đưa ra một số ý kiến có liên quan đến chuyện ăn uống để bạn tham khảo:

    (1) Cần chú ý ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng vitamin E cao. Vì vitamin E có tác dụng xúc tiến sự tăng trọng và cơ năng của buồng trứng làm tăng số lượng noãn bào và tế bào hoàng thể.

    Noãn bào là nơi chủ yếu sản sinh ra các "nội tiết tố sinh dục nữ" (estrogen). Khi lượng tiết tố này đạt tới tỷ lệ cần thiết sẽ có thể ngăn cản hiện tượng rậm lông.

    Các thức ăn có hàm lượng vitamin E cao là vừng, dầu vừng, rau diếp, bí ngô, mầm giá, rau cải trắng, lá hẹ, thịt vịt, trứng gà, ... Điều cần lưu ý là, vitamin E tan trong dầu và mỡ, nếu các thức ăn được chế biến cùng với dầu mỡ thì hiệu suất hấp thụ vitamin E sẽ cao hơn.

    (2) Cần ăn đầy đủ các thức ăn có chứa các loại vitamin nhóm B. Vì vitamin nhóm B là thành phần không thể thiếu để tạo ra các nội tiết tố sinh dục nữ.

    Vitamin B1, B6 có nhiều trong cám gạo, vì vậy không nên ăn gạo đã xay xát qúa kỹ. Vitamin B2 có nhiều trong gan, thận, tim, trứng, sữa. Vitamin B6 có nhiều trong ngũ cốc, thịt nạc, ...

    (3) Nên sử dụng các món ăn chế từ đậu tương như đậu phụ, sữa đậu nành, ... Vì đậu tương chứa một số hợp chất thiên nhiên có hoạt tính sinh học giống như nội tiết tố nữ, người ta gọi chúng là phytoestrogen.

Kết quả nghiên cứu đã chứng thực: các hợp chất nói trên thực sự ảnh hưởng tốt đến hình thể, làn da và cơ quan sinh dục ở phụ nữ.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]