Hỏi:
Từ mấy tháng nay, ở lòng bàn tay phải cháu, bỗng nhiên có một số mụn nước nhỏ, mọc chìm sâu ở dưới mặt da và rất ngứa. Cháu đã ra hiệu thuốc mua thuốc mỡ và cồn thuốc theo đơn của bác sĩ về bôi, nhưng không thấy đỡ. Hiện nay, mụn đã lan thành mảng trên lòng bàn tay, làm da nổi cộm lên. Trong khi đó lớp da phía trên những mụn cũ thì bong ra, để lộ lớp da màu đỏ ở phía dưới, nhìn rất kinh. Cháu rất mong "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" chỉ dẫn cho cách dùng thảo dược để chữa.
Nguyễn Thu Giang, Đống Đa, Hà Nội
Đáp:
Theo như những mô tả trong thư, nhiều khả năng bạn bị mắc chứng bệnh, mà dân gian gọi là "tổ đỉa". Bệnh này tuy ít nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy rất khó chịu và ảnh hưởng ít nhiều đến thẩm mỹ.
Biểu hiện chủ yếu của bệnh tổ đỉa là, ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; ở rìa, mặt sau đốt cuối ngón tay hoặc ở mặt trên, rìa và mặt dưới các ngón chân, ... xuất hiện những mụn nước nho nhỏ, đường kính cỡ 1-2mm hoặc to hơn, ăn sâu vào trong thượng bì - làm cho da sần lên. Sau một thời gian, mụn nước xẹp xuống và khô đét, chung quanh những mụn đã khỏi lại xuất hiện những mụn nước mới, cứ thế lan rộng dần.
Mụn nước có thể nằm rải rác hoặc kết thành chùm, đám. Khi mụn mọc tập trung thành đám, thì da ở phía trên sần lên, sờ thấy cộm. Khi mụn khô và bong vẩy, sẽ để lộ ra lớp da ở phía dưới màu hồng, bóng. Vị trí da bị bong, có hình cung hoặc hình tròn, có viền vẩy chung quanh, ... tựa như "tổ đỉa", nên dân gian mới gọi đó là "bệnh tổ đỉa".
Bệnh "tổ đỉa" tương ứng với các chứng "Nga trưởng phong" và "Thấp cước khí" trong Đông y: Bệnh phát ra ở bàn tay gọi là "Nga trưởng phong", ở bàn chân gọi là "Thấp cước khí".
Theo Đông y: Nguyên nhân do "phong tà", "nhiệt tà" và "thấp tà" kết hợp với nhau gây nên. Bệnh ở tay chủ yếu do "phong tà", ở chân chủ yếu do "thấp tà". Nếu bệnh kéo dài, sinh bội nhiễm, thì do "thấp" và "nhiệt" kết hợp với nhau gây nên.
Bệnh của bạn phát ra ở bàn tay, nên chủ yếu cần sử dụng những loại thuốc có tác dụng dưỡng huyết và trừ phong như sau:
(1) Thuốc uống: Dùng ké đầu ngựa 16g, cỏ nhọ nồi 16g, kinh giới 12g, huyết dụ 12g, ích mẫu 16g, vỏ núc nác 16g, thổ phục linh 16g, cam thảo 6g (tất cả các vị thuốc trên có thể mua ở hầu hết các hàng lá tại các chợ ở Hà Nội); các vị thuốc sắc với 1500ml nước, đun cạn còn 800-1000ml, chia ra uống thay nước trong ngày, uống liên tục 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3 ngày lại tiếp tục 1 liệu trình khác, cứ như vậy tới khi bệnh giảm.
Lưu ý: Ngừng uống thuốc trong thời gian hành kinh.
(2) Thuốc xông: Dùng lá ngải cứu một nắm to, cho vào nồi, đổ ngập nước, lấy miếng vải thô buộc trùm lên miệng nồi, đun nhỏ lửa cho sôi, rồi đặt bàn tay bị tổ đỉa lên trên xông; mỗi ngày xông 2 lần, mỗi lần 10-15 phút. Một số trường hợp chỉ cần xông thường xuyên như vậy là khỏi bệnh.
(3) Thuốc uống củng cố: Hoàng kỳ 16g, sinh địa 14g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, bạch thược 12g, kinh giới 16g, tang chi (cành dâu tằm) 12g, cam thảo 6g (các vị thuốc nói trên có thể mua ở các cửa hàng Đông - Nam dược); sắc với 1000ml, đun cạn còn 600ml, chia ra 3 lần uống trong ngày vào lúc đói bụng.
Sau khi bệnh thuyên giảm, uống liên tục 10 thang, để củng cố hiệu lực, tránh bệnh tái phát.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.