Hỏi đáp Mỹ phẩm từ thiên nhiên

Củ từ, nấm hương - Thân hình thon thả

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 19/11/2011 08:17 CH

Hỏi:

Nhân đọc cuốn sách "Thuật hồi xuân cho nam nữ" của Song Hòa biên soạn, thấy có nói về tác dụng tiêu mỡ và làm đẹp của "củ từ" và "nấm hương". Vậy "củ từ" có phải là "khoai từ" hay còn loại nào nữa? "Nấm hương" là loại nấm nào? Người ta nói: ngoài chợ người ta nhặt những "nấm đông cô" nhỏ rồi nói là nấm hương, chứ thật ra không có nấm hương. Đề nghị "Mỹ phẩm từ thiên nhiên" giải đáp giúp hai vấn đề trên.

Hiếu Hòa, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh

Đáp:

nấm hương

1. Củ từ:

    - Chính là "khoai từ", loài cây có ở khắp các vùng nông thôn, dùng nấu các món ăn, thay thế lương thực, và dùng làm thuốc. Củ từ còn có tên là "thổ vu", "cam thự", "thổ noãn", người dân tộc Thái gọi là "mak ẻn", người Tày gọi là "mak dườn"; tên khoa học là Dioscorea eseulenta (Lour.) Burk.

    - Củ từ chứa nhiều chất dinh dưỡng và hoạt chất sinh học quý. Do hàm lượng chất béo (protid) trong củ từ rất thấp, chỉ khoảng 1-2%, nên dùng thay thế một phần lương thực trong bữa ăn, có thể làm giảm nguy cơ bị béo phì. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, củ từ có chứa một loại chất tương tự estrogen (hóc-môn sinh dục nữ) - có tác dụng giữ cho da mịn màng và làm chậm quá trình lão suy. Ngoài ra, còn chứa một lượng lớn các chất collagen, mucin, polysaccharide, ... có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, xúc tiến bài tiết cholesterol, chống xơ vữa động mạch, duy trì độ linh hoạt của khớp xương, ...

    - Theo Đông y: Củ từ có vị ngọt, tính bình, không độc; có tác dụng làm mạnh tỳ vị, bổ thận, tăng thể lực; sử dụng làm thuốc tiêu độc, tiêu ứ huyết, chữa ho khan, khô cổ họng; nấu nước uống chữa tê thấp, mài lấy bột đắp trĩ sưng đau, ...

    - Tác dụng của củ từ tương đối hòa hoãn, phải sử dụng một thời gian dài mới thấy rõ tác dụng.

    - Liều dùng hàng ngày khoảng từ 50-150g. Theo tài liệu cổ, những người mắc chứng đầy bụng do thấp trệ (thấp thịnh khí mãn giả) không nên dùng.

2. Nấm hương:

    - Còn có tên là "nấm đồng cỏ", "hương cô", ... tên khoa học là Lentunus edodes (Berk) Sing. Nấm hương mọc tự nhiên trên thân cây gỗ mục, ở các  khu rừng thuộc các tỉnh phía Bắc nước ta. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc miền núi còn gây trồng nấm hương trong điều kiện tự nhiên, ở những khu rừng thoáng gió và ẩm ướt.

    - Nấm hương có hình dạng như cái ô (gồm mũ nấm và cuống nấm). Cuống nấm hình trụ nhưng hơi dẹt, phía trên hơi rộng, có có phủ lớp vẩy dạng lông. Mũ nấm hình bán cầu dẹt, đường kính từ 3-10cm; màu nâu đen và phủ mụn trắng khi còn non, sau đó có màu nâu vàng, rồi chuyển sang màu vàng mật ong, nấm càng già thì màu càng nhạt. Khi khô, nấm có mùi thơm nên gọi là "nấm hương".

    - Những năm gần đây, trên thị trường có bán một loại nấm gọi là "Đông cô", nói rằng xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, ... Nấm "đông cô" và "nấm hương" thực chất là một loài (có tên khoa học giống nhau). Tại các tỉnh vùng biển ở Trung Quốc, người ta gọi "nấm hương" là "Dung - gu", nên sang đến nước ta gọi là "Đông - cô".

    - Hiện tại ở một số nước, nấm hương (đông - cô) thường được trồng trong các trang trại. Nấm đông - cô bán trên thị trường, có lẽ đều được trồng trong điều kiện nhân tạo, nên hình dạng và mùi vị có thể không hoàn toàn giống loài nấm mọc hoang trong rừng. Tuy nhiên, đối với người tiêu dùng bình thường, theo chúng tôi nghĩ, có thể chấp nhận được, miễn là đừng mua phải hàng "rởm". Đại thể, những điều bạn biết về tác dụng nấm hương, thì với nấm đông - cô cũng như vậy.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]