Hỏi:
Một đồng đội cũ có đến thăm và cho tôi một chậu cây gọi là "cây sâm thảo". Bạn tôi nói rằng đó là một loài "sâm của người nghèo": Vừa có thể dùng làm rau ăn, vừa có thể dùng làm thuốc bổ thay nhân sâm, mà rất dễ trồng. Hiện nay chậu cây đã ra rất nhiều cành và lá, ở đầu cành bắt đầu có những chùm hoa màu tím nhạt. Tôi rất muốn dùng thử, nhưng chưa rõ về tác dụng của nó ra sao. Vì vậy rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ về những tác dụng của "cây sâm thảo" này.
Lê Minh Trí, Sóc Sơn, Hà Nội
Đáp:
Thổ nhân sâm
Cây sâm mà bác hỏi thường gọi là "thổ nhân sâm", còn có tên là "sâm thảo", "thổ cao ly sâm", "ngõa sâm", "thổ hồng sâm", "thủy nhân sâm", ... tên khoa học là Talinul crassifolium Willd., thuộc họ Rau sam (Portulaceaceae).
Ở Trung Quốc, tại các tỉnh như Triết Giang, Giang Tô, An Huy, Quảng Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên, ... người ta thường trồng cây này để làm cảnh và sử dụng thay cho sâm cao ly nên mới có tên là "thổ cao ly sâm".
"Thổ nhân sâm" là loài cây sống dai, thân màu xanh, mọc thẳng, cao 20-60cm, chia nhiều nhánh. Lá mọc so le, hình trứng ngược hoặc hình thìa, phiến lá dày, hơi mẫm, hai mặt đều bóng, cuống rất ngắn.
Vào mùa hạ ở đầu cành xuất hiện cụm hoa hình chùm, với nhiều hoa nhỏ, cánh hoa tím đỏ nhạt, bầu hoa hình cầu. Quả nhỏ, khi chín có màu xám tro, hạt rất nhỏ, đen nhánh hơi dẹt, trên mặt hơi nổi vân.
Thổ nhân sâm có thể trồng trong vườn hoặc trong chậu cảnh, bằng hạt, mẩu rễ hoặc cành. Cây mọc rất khỏe, sau 2-3 tháng đã có thể hái ngọn và lá làm rau ăn, sau một năm có thể thu củ, nếu để lâu năm củ sẽ to hơn. Lá và cành non dùng để nấu với thịt, tôm, ... nấu canh rau, vị thơm mát dễ chịu, gần giống rau mồng tơi.
Theo Đông y: Củ thổ nhân sâm có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng kiện tỳ, nhuận phế, chỉ khái (chống ho), điều kinh. Sử dụng làm thuốc bổ sau khi ốm nặng, chữa ho lâu ngày, sốt cơn, nhiều mô hôi, phụ nữ kinh nguyệt không đều, khí hư bạch đới.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có dùng thổ nhân sâm:
(1) Bổ khí huyết: Dùng thổ nhân sâm 40-80g, sắc nước uống trong ngày. Hoặc dùng thổ nhân sâm 20g, ý dĩ 12g, hoài sơn (sao) 12g, liên nhục 12g, bạch truật (sao) 10g, đương quy 10g, thục địa 12g, đại táo 8g, mạch môn (sao) 10g, ngưu tất 8g, táo nhân (sao đen) 6g; sắc nước uống trong ngày. Có tác dụng chữa khí huyết đều hư (suy yếu), người xanh gầy, thở yếu, hồi hộp, ít ngủ, kém ăn, mệt mỏi.
(2) Chữa mệt mỏi đuối sức: Dùng thổ nhân sâm 15-30g, cá mực 1 con, thêm nước và rượu hầm chín ăn trong ngày.
(3) Chữa ỉa chảy do chức năng tiêu hóa yếu: Dùng thổ nhân sâm 15-30g, đại táo 15g; sắc nước uống thay trà trong ngày.
(4) Chữa ho lâu ngày, ho do lao phổi, hâm hấp sốt về chiều: Dùng thổ nhân sâm, hà thủ ô trắng, thông thảo, mỗi vị 15-20g, hầm với gà làm món ăn bổ dưỡng.
(5) Chữa đạo hãn và tự hãn: Dùng thổ nhân sâm 60g, dạ dày lợn 1 cái, hầm chín ăn.
"Đạo hãn" là chứng ra mồ hôi khi ngủ (mồ hôi trộm); "tự hãn" là mồ hôi ra nhiều khi thức.
(6) Chữa đa niệu (tiểu tiện quá nhiều): Dùng thổ nhân sâm 30-50g, rễ cây kim anh 20g; sắc nước uống trong ngày.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.