Hỏi:
Cháu xin được phép hỏi vài điều thắc mắc... Dì cháu hay bị nhói ngực trái, có khi thấy dì ôm ngực kêu đau quá, có lúc bị choáng, đang ngồi mà đầu thấy chao đảo. Bác sĩ khám bảo thiếu máu cơ tim, kê cho 3 loại thuốc tân dược, bảo phải uống thuốc thường xuyên, không được ngừng... Cháu xin hỏi, uống thuốc hoài có hại không? Uống thuốc nam có hết không? Và nên uống thuốc gì? Dì cháu còn bị bệnh mất ngủ và viêm đại tràng.
Nguyễn Trọng Hữu, Nhơn Trạch, Đồng Nai
Đáp:
Bạn hỏi một lúc quá nhiều câu hỏi, do vậy "Thuốc vườn nhà" xin phép được giải đáp dần dần. Trong phạm vi bàu viết này, "Thuốc vườn nhà" xin giải đáp trước về căn bệnh thiếu máu cơ tim, vì một số bạn đọc khác cũng có câu hỏi tương tự.
Thiếu máu cơ tim là một bệnh tim mạch thường gặp, ở người cao tuổi và những người cơ thể suy nhược. Chứng trạng điển hình của bệnh là: Bỗng nhiên đau thắt ở ngực trái, ở vùng trước tim và sau xương ức; đau thường lan lên cổ, hàm, vai, cánh tay trái; đau có thể xuyên ra sau lưng hoặc từ lưng xuyên ra vùng tim. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, nhất là những lúc phải gắng sức, khi bị nhiễm lạnh, ăn uống quá no say, tình cảm kích động mạnh. Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể xuất hiện bất chợt vào thời điểm bất kỳ trong ngày. Thông thường, cơn đau chỉ kéo dài 1-5 phút, nghỉ ngơi một lát hoặc uống thuốc là lại bình thường. Trường hợp bệnh nặng, có thể đau kịch liệt, cơn đau kéo dài, mặt trắng bệch, môi tím tái, vã mồ hôi lạnh, chân tay tê dại, thậm chí đột tử.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới đau thắt ngực là do nhu cầu về máu của cơ tim vượt quá lượng máu được cung cấp từ động mạch vành và thường do động mạch vành bị xơ vữa. Thành mạch vành bị xơ vữa, lòng mạch bị hẹp lại, khiến lưu lượng máu trong mạch giảm, không đủ đáp ứng nhu cầu của cơ tim.
- Khi mảng xơ vữa trong thành mạch vành có bờ không đều, nham nhở hoặc có vết nứt, thì tiểu cầu dễ bị kết tụ, tạo thành cục huyết khối, giải phóng các chất gây co mạch, khiến lòng động mạch bị hẹp lại và thường dẫn đến cơn đau kéo dài, xuất hiện dày hơn, nhất là khi cần phải gắng sức.
- Trường hợp mảng xơ vữa trong lòng mạch phân bố đều, đồng tâm, bề mặt tương đối nhẵn, thì cơn đau xuất hiện ít hơn, nếu hạn chế gắng sức và tránh những kích động về mặt tinh thần, bệnh có thể ổn định hàng tháng, có khi hàng năm.
Thiếu máu cơ tim tuy có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm. Nhưng nếu thực hiện những biện pháp dự phòng hữu hiệu, thì bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi, hoặc chí ít cũng có thể chung sống bình yên với bệnh.
Đông y không có bệnh danh "thiếu máu cơ tim", nhưng chứng trạng và phương pháp chữa trị bệnh này đã được đề cập trong phạm vi các chứng "hung thống" (đau vùng ngực), "chân tâm thống" (đau tim thực sự) và "quyết tâm thống" (hôn quyết do đau tim).
Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới bệnh chủ yếu do chức năng của các tạng Tâm, Tỳ, Can và Thận bị suy yếu, Âm Dương khí huyết không đầy đủ, khiến cho tâm mạch bị nghẽn tắc mà gây nên bệnh. Ngoài ra, trường hợp thời tiết trở lạnh đột ngột, bị nhiễm lạnh, ăn quá no, tinh thần bị kích thích quá mạnh hoặc làm việc quá mệt nhọc, cũng thường khiến cho tâm mạch bị nghẽn tắc mà gây nên bệnh.
Thiếu máu cơ tim là một bệnh phức tạp, muốn dùng thuốc Nam để chữa trị, tốt nhất bạn nên tìm đến phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc chẩn bệnh và hướng dẫn dùng thuốc một cách cụ thể.
Trước mắt bạn có thể cho dì bạn sử dụng thử một số loại cháo thuốc như sau:
(1) Cháo sơn tra:
- Sơn tra 30g khô hoặc 60g tươi, gạo tẻ 60g, đường kính 10g; nấu cháo ăn.
- Tác dụng: Kiện tỳ tiêu thực, hóa ứ thông mạch. Có thể sử dụng chữa thiếu máu cơ tim, kèm theo kém ăn, đầy bụng, đại tiện lỏng nhão, người uể oải.
(2) Cháo hà thủ ô:
Hà thủ ô đỏ
- Hà thủ ô chế 30-60g, gạo tẻ 60g, hồng táo 3-5 trái, đường đỏ lượng thích hợp; nấu cháo ăn.
- Tác dụng: Bổ khí huyết, ích can thận. Chữa thiếu máu cơ tim, kèm theo những biểu hiện như hoa mắt, choáng mặt, đau đầu, lòng bàn chân bàn tay và giữa ngực hâm hấp nóng, sốt nhẹ về chiều, đại tiện táo bón.
(3) Cháo củ kiệu:
- Củ kiệu 20g, gừng tươi 9g, củ riềng 15g, gạo tẻ 60g; sắc các vị thuốc lấy nước, sau cho gạo vào nấu cháo ăn.
- Tác dụng: Thông dương, tán hàn, chỉ thống (chống đau). Dùng chữa thiếu máu cơ tim kèm theo cảm giác ngực tức đầy, trống ngực, hồi hộp, thở yếu, sợ lạnh, chân tay lạnh.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọccủ kiệu nấu cháo ăn hằng ngày có thể giúp người thiếu máu ổn định lại được không nấu ăn hằng ngày hay ăn như thế nào?