Hỏi:
Tôi nghe nói phụ nữ đang mang thai bị cảm mà dùng tân dược có thể gây nguy hại đối với thai nhi. Vậy xin hỏi, khi mang thai chẳng may bị cảm có thể dùng thuốc Nam để chữa hay không? Cách sử dụng cụ thể thế nào?
Phan Thị Mai Hương, Triệu Sơn, Thanh Hóa
Đáp:
Theo quan niệm của Đông y học, khi mang thai khí huyết trong cơ thể người mẹ tập trung vào bên trong để nuôi dưỡng thai nguyên, khiến cho khí huyết ở "vệ biểu" (phần bao bọc bên ngoài, bảo vệ cơ thể) không đầy đủ, nên thiếu vững chắc và dễ bị "tà khí" (tác nhân gây bệnh) xâm phạm, gây nên các chứng bệnh ngoại cảm. Thực tế cho thấy, khi mang thai sức chống bệnh của thai phụ thường bị giảm sút nên dễ bị cảm cúm hơn và khi bị bệnh thì cũng thường nặng hơn phụ nữ bình thường.
Hiện nay, Y học hiện đại đã có vắc-xin phòng cúm. Nếu có điều kiện và cơ thể cho phép (có một số người bị dị ứng với vắc-xin cúm) thì nên tiêm phòng. Tuy hiệu quả của vắc-xin còn chưa được khẳng định 100% nhưng tiêm phòng vẫn là một biện pháp dự phòng cần được ưu tiên.
Biện pháp chữa cúm trong y học hiện đại chủ yếu là tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng bệnh, đồng thời sử dụng một số thuốc chữa trị triệu chứng. Nếu được hướng dẫn đầy đủ của bác sĩ, vẫn có thể chữa khỏi được bệnh và không tổn hại đến thai nhi. Tác hại đối với thai nhi thường chỉ phát sinh khi có bệnh tự ý mua thuốc về uống để chữa các triệu chứng, không đi khám và không uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Tây y và Đông y đều có thuốc để chữa trị cảm cúm khi đang mang thai.
Nếu muốn dùng thuốc Nam, trước hết lưu ý: Phụ nữ mang thai bị cảm tuy cũng có những triệu chứng giống như người bình thường bị cảm, nhưng cách chữa lại không giống như người bình thường.
Tuy có "biểu chứng" nhưng không được sử dụng thuốc phát hãn mạnh (làm ra mồ hôi quá nhiều) để tránh làm hao kiệt tân dịch và gây tổn hại cho thai nhi.
"Biểu chứng" là những chứng trạng ở phần "biểu" (phần bảo vệ bên ngoài cơ thể). Chứng trạng chủ yếu: Phát sốt, sợ lạnh hoặc sợ gió, đau đầu, mình mẩy chân tay nhức mỏi, ho hoặc tắc mũi, ... "Biểu chứng" hay gặp trong các bệnh cảm mạo, cúm và giai đoạn đầu của các bệnh truyền nhiễm cấp tính.
Khi dùng thuốc Nam chữa cảm cúm, cần căn cứ vào chứng trạng biểu hiện cụ thể mà chọn dùng bài thuốc phù hợp, theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:
1. Phong hàn:
- Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, sợ rét, không mồ hôi, đau đầu, mình mẩy chân tay nhức mỏi, mũi tắc, chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho có chút đờm loãng, ngứa họng, nặng tiếng; rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
- Để chữa trị có thể sử dụng những bài thuốc sau:
(1) Thông bạch (hành) 3-5 củ (để cả rễ), đường đỏ 10g, sắc uống ngày 1 thang.
(2) Tô diệp (lá tía tô) 6g, sinh khương (gừng tươi) 5g, rau mùi 5g, sắc uống ngày 1 thang.
(3) Tô diệp 6g, bạch truật 10g, trần bì 3g, cam thảo 3g, sinh khương 3g, thông bạch 3g, sắc uống ngày 1 thang.
2. Phong nhiệt:
- Chứng trạng biểu hiện: Phát sốt, ra mồ hôi, hơi sợ gió lạnh, đau đầu, ngạt mũi, nước mũi đục, họng sưng đau, miệng khô, khát nước, ho đờm vàng đặc; rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng; mạch phù sác.
- Để chữa trị có thể sử dụng những bài thuốc sau:
(1) Cát căn (rễ sắn dây) tươi 30-50g (hoặc 15-20g khô), sắc nước uống ngày 1 thang.
(2) Tang diệp (lá dâu tằm) 10g, kim ngân hoa 6g, bạc hà 6g (cho vào sau), sắc nước uống ngày 1 thang.
(3) Tang diệp 10g, cúc hoa 10g, phòng phong 6g, sinh cam thảo 6g, sắc nước uống ngày 1 thang.
3. Điều dưỡng:
Cùng với việc dùng thuốc theo thể bệnh như trên, để tăng cường sức khỏe và sức chống bệnh cúm, cần đặc biệt chú ý vấn đề ăn uống. Chủ yếu cần chú ý đến một số vấn đề như sau:
(1) Khi bị cảm cúm do thân nhiệt lên cao (sốt) hoặc mồ hôi ra nhiều, dễ làm tổn thương tân dịch (các chất dịch trong cơ thể), nên cần uống nhiều nước hoặc bổ sung dịch thể bằng các món canh, nước luộc rau, nước quả, đậu tương, sữa bò, ...
(2) Khi bị cảm cúm, ăn không ngon miệng, thậm chí lợm giọng buồn nôn, nên cần ăn uống thanh đạm, kỵ các chất béo ngậy, dính nhớt, táo nhiệt. Để bồi bổ, có thể dùng canh trứng, các loại cháo, các loại bột nhão, ...
(3) Khi bệnh mới khỏi lượng thức ăn cần tăng dần dần, từ ít đến nhiều, từ mềm đến cứng, ...
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.