Hỏi:
Cách đây khoảng 1 năm, tôi thấy xuất hiện nhiều cục nhỏ nằm rải rác khắp cơ thể. Xuống bệnh viện K, khám & xét nghiệm được chẩn đoán là u mỡ. Về nhà tôi được một bác sĩ khuyên ăn bột củ tam thất để hạn chế khối u phát triển. Tôi đã sử dụng được 6 tháng; mỗi ngày 2 thìa cà phê bột củ tam thất xanh, chứ không phải đen; độ to của khối u đã giảm được 60%, những u bằng đầu ngón tay, nay chỉ còn bằng hạt ngô. Nhưng tôi không biết tính năng cụ thể của tam thất và uống kéo dài có ảnh hưởng gì không? Rất mong "Thuốc vườn nhà" chỉ dẫn cho biết.
Trần Thị Mai, Cao Phong, Hòa Bình
Đáp:
Tam thất còn có tên là "sâm tam thất", "kim bất hoán", ... tên khoa học là Panax pseudo-ginseng Wall. (Panax repens Maxim.), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Vị thuốc "Tam thất" (Radix psendo-ginseng) là rễ phơi khô của cây tam thất. Tên kim bất hoán (vàng không đổi được) có nghĩa là vị thuốc rất quý, vàng không thể đổi.
Tên "tam thất" có nhiều cách giải thích: Trong sách "Bản thảo cương mục" ghi vì cây có 3 lá ở bên trái, 4 lá ở bên phải do đó có tên tam thất. Nhưng có người lại nói tam = ba, có ý nói: Từ lúc gieo đến lúc ra hoa phải 3 năm. Thất = bảy, ý nói từ lúc gieo đến khi thu hoạch rễ bán được phải mất 7 năm. Có người lại nói vì lá tam thất có từ 3 đến 7 lá chét. Còn gọi là "sâm tam thất" vì tam thất cùng một họ thực vật với vị nhân sâm.
Tam thất là một loại Đông dược quý hiếm, lại có tên là "sâm tam thất" nên nhiều người thường tưởng rằng đó là thuốc bổ. Thực ra trong Đông y truyền thống, tam thất được xếp vào loại thuốc "chỉ huyết" (thuốc cầm máu).
Thuốc chỉ huyết của Đông y chia ra 4 nhóm: "Lương huyết chỉ huyết" (làm mát máu để cầm máu), "Hóa ứ chỉ huyết", "Thu liễm chỉ huyết" (thu nhỏ, làm se, để cầm máu) và "Ôn kinh chỉ huyết" (làm ấm kinh mạch để cầm máu). Tam thất được xếp trong nhóm "Hóa ứ chỉ huyết" - nghĩa là tiêu trừ ứ trệ để cầm máu; chủ trị các chứng xuất huyết do khí huyết bị ứ trệ gây nên.
Theo Đông y truyền thống: Tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, vào 2 kinh Can và Vị. Có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thũng, ... Chủ trị thổ huyết, chảy máu cam, lỵ ra máu, đẻ xong máu hôi không sạch, ung thũng, đòn ngã tổn thương, ...
Sách "Bản thảo tân biên" viết: Tam thất là vị thuốc cầm máu thần kỳ; đối với tất cả các chứng xuất huyết chỉ cần dùng một vị tam thất là đã kiến hiệu, ...
Trên lâm sàng, hiện nay tam thất thường được sử dụng để chữa bệnh thiếu máu, các chứng xuất huyết, như ho ra máu, xuất huyết đáy mắt, xuất huyết não, các bệnh huyết mạch như bệnh mạch vành tim, tăng lipid máu, cao huyết áp, thiên đầu thống (đau nửa đầu), ...
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, tam thất có nhiều tác dụng:
(1) Cầm máu, rút ngắn thời gian đông máu;
(2) Xúc tiến quá trình tạo máu;
(3) Hạ huyết áp;
(4) Điều hòa nhịp tim;
(5) Chống xơ mỡ động mạch;
(6) Tăng lưu lượng máu trong não, chống thiếu máu não;
(7) Tăng cường chức năng miễn dịch, chống viêm;
(8) Bảo vệ gan;
(9) Tiêu trừ khối u và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; nên được sử dụng để phòng trị ung thư;
(10) Chống lão suy;
(11) Điều hòa đường huyết, nhờ tác dụng điều chỉnh hai chiều đối với đường huyết;
(12) Ngoài ra còn có tác dụng xúc tiến hấp thụ chất mỡ, thúc đẩy sự hợp thành protein đạm và acid amin trong cơ thể, ...
Trở lại vấn đề sử dụng tam thất chữa u mỡ. Như trên đã nói, tam thất có tác dụng "hóa ứ", tức tiêu trừ trạng thái ứ trệ, nên hiện tại thường được sử dụng để chữa trị các loại u bướu. Vì theo Đông y, các khối u đều là do khí huyết bị ứ trệ gây nên. Hiện tại trên lâm sàng, tam thất thường được sử dụng để chữa trị nhiều loại u bướu, cả u lành và u ác tính (ung thư).
Bạn sử dụng tam thất có kết quả tốt, nhưng băn khoăn dùng dài ngày có tác hại gì không. Điều này tùy thuộc vào phản ứng cụ thể của cơ thể bạn. Nếu không thấy biểu hiện dị thường thì có thể tiếp tục sử dụng cho đến khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, tốt nhất nên định kỳ đến bệnh viện khám và làm những xét nghiệm cần thiết theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Còn có một vấn đề nữa cần làm sáng tỏ. Bạn viết dùng bột "củ tam thất xanh, chứ không phải đen", cũng không nói rõ "xanh lam" hay "xanh lục", ... khiến chúng tôi rất thắc mắc. Vì trên thực tế không có củ tam thất màu xanh.
Củ tam thất sau khi đào về, người ta rửa sạch bùn đất, cắt bỏ rễ con, đem phơi nắng cho hơi héo, đem lăn, vò cho mềm, lại phơi nắng và vò hoặc lăn; làm như vậy 3-5 lần thì củ khô hẳn, lúc này vỏ ngoài có màu be còn lõi có màu vàng nhạt. Nếu cho vào túi gai lắc đi lặc lại nhiều lần, thì củ sẽ có màu đen và nhẵn bóng.
Hay bạn đã sử dụng một loại củ khác? Trên thực tế, ngoài vị "tam thất chính hiệu" kể trên, dân gian còn thường dùng rễ củ của một số cây khác với tên "tam thất". Thông dụng nhất là 2 loại sau:
- Thứ nhất là cây có tên khoa học là Gynura segetum (Lour.) Merr. hoặc Gynura pinnatifida, thuộc họ Cúc Asteraceae (Composirae), trồng ở đồng bằng cũng được. Đó là một loại cỏ sống lâu năm, cao chừng 6-90cm. Rễ và lá đều mềm, có nhiều đám đốm tím. Lá to có những thùy to cắt sâu; thùy hình mác, mép có răng cưa. Mùa thu ra cụm hoa hình đầu. Hoa hình ống màu vàng. Lá và rễ, cũng dùng làm thuốc cầm máu như vị tam thất. Có khi dùng chữa rắn cắn.
- Thứ hai là một cây họ Gừng (Zingiberaceae), loài Stablianthus thorelli Gagnep., có thân rễ nhỏ, cũng được bán với tên tam thất.
Vậy trên thực tế bạn đã sử dụng loại "tam thất" nào? Mong bạn hồi âm và nói rõ, để chúng tôi tìm hiểu và phổ biến cho các bạn đọc khác cùng tham khảo.
Nhân tiện xin đề nghị: Bạn đọc muốn hỏi về tác dụng của một vị thuốc nào đó, thì nên mô tả tỉ mỉ những đặc điểm, cũng như ghi thêm những tên gọi khác, của vị thuốc đó.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
3 Ý kiến bạn đọcCủ tam thất trị hết u mỡ không ạ và mua ở tiệm thuốc có không ạ
Tôi bị u mỡ ở trán. Xin hỏi tam thất xanh mua ở đâu ?
Xin hỏi bố tôi bị khối u mở cách uống tam thất như thế nào thì hợp lý