Hỏi:
Tôi đi tập thể dục ở công viên nghe một số người nói, cây thanh táo thường trồng làm cảnh ở nhiều vườn hoa và công viên, chữa khớp xương đau nhức rất hay. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu thêm về đặc điểm và tác dụng của loài cây này.
Doãn Ngọc Thoan, Hà Nội
Đáp:
Thanh táo là loại cây mọc hoang ở rừng núi và được trồng làm cảnh, thường trồng thành hàng như những hàng rào xanh, ở rất nhiều vườn hoa khắp các tỉnh nước ta. Tại các thành phố, có thể trồng vào chậu cảnh trong sân nhà để dùng làm thuốc. Cây rất dễ trồng, có thể trồng bằng cách giâm cành, chỉ cần cắt một đoạn cành bánh tẻ (khoảng 20-30cm), đem cắm hoặc vùi xuống đất, hàng ngày tưới nước giữ ẩm, sau một thời gian cây sẽ đâm chồi và phát triển dần.
Cây còn có tên là "thuốc trặc", "tù huýt" (miền Nam), "bơ chẩm phòn" (dân tộc Thái), "sleng sào" (Tày), "búng mâu mía" (Dao). Sách thuốc Trung Quốc thường gọi là "bác cốt đan", "tiếp cốt đan", "tiểu hoàn hồn", "tiểu bác cốt", ... tên khoa học là Gendarussa vulgaris Nees. (Justicia gendarussa L.), thuộc họ Ô rô (Acanthaceae).
Thanh táo là một loại cây nhỏ, cao chừng 1,5m, cành có màu tím sẫm hay xanh lục, nhẵn, giữa chỗ lá mọc đối có một dòng lông. Lá mọc đối, mang cuống ngắn, phiến lá hình mác thuôn, dài 4-14cm, rộng 1-2cm, mép nguyên. Lá thường bị loài nấm Puccinia thwaitesii ăn hại. Mặt lá nhẵn có gân xanh hay màu tím tùy theo cây. Hoa màu trắng hay hơi điểm hồng, có những đốm tía, mọc thành bông ở đầu cành hay kẽ lá phía ngọn. Quả nang dài 12mm, trong chứa 4 hạt. Mùa hoa quả vào mùa hạ.
Để làm thuốc, người ta dùng vỏ thân hay vỏ rễ, rễ hoặc lá; có thể dùng tươi hoặc khô. Có thể thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào các tháng 7-8. Rễ thanh táo thời trước thường được một số lương y ở nước ta dùng với tên "tần giao" hay "tần cửu" để thay thế cho "tần cửu" (Gentiana macrophylla Pall., thuộc họ Long đởm - Gentianaceae) một vị thuốc kinh điển, chuyên trị đau nhức xương khớp do phong thấp, của Đông y.
Theo Đông y: Thanh táo có vị cay, tính ấm. Có tác dụng khứ ư sinh tân (tiêu trừ ứ tích, sinh tân dịch), tiêu thũng chỉ thống (tiêu sưng thũng, giảm đau), tục cân tiếp cốt (nối gân liền xương). Dùng chữa đòn ngã tổn thương, bong gân, sái chân sái tay, viêm xương khớp do phong thấp.
Sách "Lĩnh Nam bản thảo" của Lãn Ông có ghi: Lá cây thanh táo (tràng sinh) dùng đắp chữa mắt đau, thương tích, tiêu sưng và chữa các bệnh về huyết ở phụ nữ.
Dân gian thường dùng rễ và vỏ cây thanh táo, ngâm rượu uống; hoặc dùng rễ và cành 20-30g sắc uống, để chữa xương khớp đau nhức, chân tay tê dại.
Dùng ngoài: Dùng lá hay cành cây thanh táo, giã đắp vào các vết sưng; hoặc sắc nước, đắp vào chỗ sưng đau khi nước còn nóng, để chữa đau xương khớp do phong thấp.
Dùng trong: Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc cao hoặc ngâm rượu.
Thanh táo còn có tác dụng lợi đại tiện, chữa da vàng (hoàng đảm), ho sốt. Tại Ấn Độ, người ta còn dùng lá, cành cho vào quần áo cho khỏi nhậy.
Một số bài thuốc có sử dụng thanh táo:
(1) Chữa bị ngã, bị đánh chấn thương, phong thấp khớp xương sưng tấy: Dùng thanh táo tươi 30-50g (khô 15-10g); sắc nước uống trong ngày (Thường dụng Trung thảo dược thủ sách).
(2) Chữa gãy xương, vô danh thũng độc (các loại mụn nhọt độc sưng đau): Dùng thanh táo tươi giã nát, hoặc thanh táo khô nghiền nhỏ, trộn với rượu, giấm; đắp vào chỗ bị thương (Thường dụng Trung thảo dược thủ sách).
(3) Chữa phong thấp chân tay tê dại: Dùng vỏ thanh táo, dây chìu, rễ sưng (hoàng lực), rễ mền tên (độc lực) - mỗi vị 20g; cốt khí, thiên niên kiện - mỗi thứ 10g; sắc uống (Cây thuốc Việt Nam).
(4) Chữa vết thương nhiễm độc máu rỉ ra không dứt, mụn nhọt thối loét khó liền miệng:
Dùng lá thanh táo, lá mỏ quạ - 2 thứ bằng nhau; dùng nước muối rửa
sạch, giã nát, đắp rịt vào chỗ vết thương; ngày thay thuốc 1 lần. Đồng
thời dùng kim ngân, bạch chỉ nam, bồ công anh - mỗi vị 15-20g; sắc nước
uống thay trà; hàng ngày ăn thêm rau muống thì khoảng 1 tuần sẽ có kết
quả (Cây thuốc Việt Nam).
(5) Chữa ho sốt, mồ hôi trộm:
Dùng rễ thanh táo, miết giáp, địa cốt bì, sài bồ - mỗi vị 10g; đương
quy, tri mẫu - mỗi vị 5g; thanh cao, ô mai - mỗi vị 4g; nước 600ml, sắc
còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
(6) Chữa sản hậu máu xấu đưa lên, choáng váng, mắt mờ: Dùng thanh táo, mần tưới, cỏ mần trầu - mỗi thứ một nắm (20-30g); sắc uống trong ngày (Nam dược thần hiệu).
(7) Chữa sa đì (tinh hoàn sưng đau, một hòn sa xuống): Dùng rễ thanh táo, rễ sưng, rễ bấn trắng, rễ vậy đỏ - mỗi thứ một nắm (20-30g); sắc uống trong ngày (Nam dược thần hiệu).
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.