Hỏi:
Chúng em được nghe nói, có vị thuốc là "thạch nam", có chỗ đề là "thạch lam" có thể ngâm rượu uống để nâng cao sức mạnh cho nam, nữ ... Qua tìm hiểu, chúng em cũng không biết cây này thực chất là cây gì? Ở Việt Nam có hay không, hay là chỉ ở Trung Quốc mới có? Mong "Thuốc vườn nhà" cho chúng em được biết rõ và các bài thuốc sử dụng cây thuốc này; kiêng kỵ điều gì, tác dụng ra sao?
Một số CBCNV, Phú Xá - Thái Nguyên
Đáp:
Thạch nam
Thư của các bạn gửi tới đã lâu, nhưng mãi tới nay, "Thuốc vườn nhà" mới thu thập được một số thông tin cần thiết và cũng chỉ có thể đưa ra giải đáp sơ bộ.
Trong Đông y, đúng là có vị thuốc tên là "thạch nam", còn tên là "thạch lam", có lẽ là do phát âm không chính xác mà thành.
Vị thuốc có tên "thạch nam" gồm nhiều loài, cùng thuộc một Chi thực vật (chi Photinia), thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Trước mắt "Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu 3 loài "thạch nam" hay gặp nhất:
- Thứ nhất là "thạch nam la mộc", còn gọi là "đại diệp thanh", "dự davidsonia"; tên khoa học là Photinia davidsonia Rehd. et Wils., thuộc họ Hoa hồng. Loài này phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, ở Việt Nam cây này gặp trong rừng ở độ cao 400m của tỉnh Nghệ An. Bộ phận dùng làm thuốc là lá; có tác dụng thanh nhiệt giải độc; thường sử dụng để chữa trị mụn nhọt, lở ngứa sưng đau.
- Thứ hai là loài cây mà sách "Từ điển cây thuốc Việt Nam" của TS Võ Văn Chi đặt tên là "thạch nam Trung Quốc", tên khoa học là Photinia beauverdiana Schneid., thuộc họ Hoa hồng. Là loài phân bố chủ yếu ở miền Trung và miền Nam Trung Quốc, ở nước ta cây này chỉ gặp trong rừng ở độ cao từ 100-1700m, tại Sapa (Lào Cai). Bộ phận dùng làm thuốc là lá và quả. Lá có tác dụng tiêu viêm, dùng chữa vết thương do đòn ngã, dao chém, ... Quả có tác dụng hưng phấn, dùng chữa trường hợp làm lụng quá mệt nhọc, sức khỏe suy giảm.
- Thứ ba là loài thạch nam hay được trồng trong các đình viện ở Trung Quốc. Tác dụng làm thuốc của cây này được ghi chép sớm nhất và đầy đủ nhất. Cây còn có tên là "phong dược", "thạch nam diệp", "thạch nham diệp", ... tên khoa học là Photinia serrulata Lindl; thuộc họ Hoa hồng. Bộ phận dùng làm thuốc là lá, quả và rễ.
Theo sách "Trung dược đại từ điển": Lá có vị đắng, cay, tính bình. Có tác dụng khu phong, thông lạc, ích thận. Dùng chữa phong thấp đau nhức, vai lưng đau mỏi, thận hư chân yếu, thiên đầu thống, phong chẩn, gân cốt đau nhức, dương nuy (liệt dương), di tinh.
Theo sách "Hiện đại thực dụng trung dược": Lá dùng chữa dương nuy (liệt dương), hoạt tinh (dễ xuất tinh); nữ giới chức năng sinh dục suy giảm không thụ thai, kinh nguyệt không điều hòa.
Liều dùng: Sắc nước uống từ 4-9g, hoặc ngâm rượu uống; cũng có thể dùng dạng hoàn, tán (thuốc viên, thuốc bột).
Nghi kỵ: Người âm hư hỏa vượng kỵ dùng.
Như vậy, cây thạch nam này, đúng là có tác dụng "nâng cao sức mạnh cho nam, nữ ..." như các bạn đã đề cập.
Tuy nhiên, đây là một vị thuốc có độc. Sách "Biệt lục" thời xưa và sách "Trung Hoa bản thảo" thời nay đều viết "lá thạch nam có độc".
Ngoài ra, tại Nhật người ta còn sử dụng một loại thạch nam khác, họ Đỗ Quyên, có độ độc lớn gấp 2-3 lần loài thạch nam nói trên.
Như vậy, khi sử dụng cần có sự theo dõi, giám sát của thầy thuốc Đông y chuyên nghiệp.
Ngoài ra, trên thực tế, còn có nhiều loại thuốc và biện pháp khác, cũng có tác dụng "nâng cao sức mạnh cho nam, nữ ...". Vì vậy, tốt nhất, không nên sử dụng vị thuốc chữa biết rõ tính năng cũng như lai lịch.
Lương y HƯ ĐAN
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcCan mua la thach lam