Hỏi:
Da tôi thường có nhiều mồ hôi, nhất là mùa hè, nhiều khi ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và công việc. Rất mong "Thuốc vườn nhà" giới thiệu giúp một số bài thuốc rẻ tiền, dễ kiếm từ cây cỏ quanh nhà để áp dụng thử.
Lê Trung, Nam Định
Đáp:
Như ta biết, da góp phần cùng với phổi thực hiện chức năng bài tiết, đưa các chất "phế thải" ra khỏi cơ thể; các tuyến mồ hôi trên da làm nhiệm vụ bài tiết và điều hòa thân nhiệt. Để ổn định thân nhiệt ở 37 độ C, khi trời nóng thì da tăng tiết, còn khi trời lạnh thì giảm tiết mồ hôi.
Mồ hôi tiết ra quá nhiều, hay quá ít đều là những hiện tượng có tính bệnh lý, Đông y gọi đó là "hãn chứng". Theo Đông y, nguyên nhân dẫn đến "hãn chứng" chủ yếu do "Âm hư" hoặc là "Dương hư".
Biểu hiện "Âm hư": Mồ hôi vã ra chủ yếu khi nằm ngủ (đạo hãn). Sắc mặt thường bừng đỏ từng hồi (nhất là hai gò má); chất lưỡi đỏ ít rêu; họng khô rát hoặc ho khan ít đờm; lòng bàn chân bàn tay và trước ngực thường hâm hấp nóng, hay sốt nhẹ về chiều.
Biểu hiện "Dương hư": Mồ hôi tiết ra chủ yếu về ban ngày, lúc thức, nhưng đôi khi cả khi nằm ngủ. Kèm theo các triệu chứng như sắc diện không tươi hoặc trắng nhợt, lưỡi trắng nhợt; hơi gắng sức suy nghĩ hoặc vận động thể lực một chút đã mệt mỏi, hoặc thở hổn hển, bồn chồn, trống ngực, ...
Người "Dương hư" còn chịu lạnh kém và có 2 đặc điểm nổi bật là: Đầu ngón chân thường hơi lạnh và chỉ vận động một chút là mồ hôi vã ra đầm đìa.
Để phòng trị, về phương diện ăn uống, đối với người "Dương hư" cần tránh ăn những món ăn cay nóng - kích thích tiết mồ hôi và các món sống lạnh - tổn hại "Dương khí". Đối với người "Âm hư" cần tránh ăn quá nhiều các món xào rán béo ngậy - để tránh "hỏa" tích tụ ở bên trong, khiến bệnh thêm nặng.
Đồng thời, tùy theo điều kiện và triệu chứng cụ thể, có thể lựa chọn sử dụng một số bài thuốc đơn giản từ cây nhà lá vườn dưới đây:
(1) Nước sắc lá dâu non: Dùng lá dâu non một nắm con (khoảng 20g), sắc lấy nước, uống thay nước trong ngày. Hoặc cũng có thể thái nhỏ lá dâu, nấu với thức ăn làm món canh ăn trong bữa cơm.
Tác dụng: Chữa "mồ hôi trộm" do "Âm hư".
(2) Bột lá dâu ngải cứu vỏ hầu: Dùng lá dâu bánh tẻ 300g, ngải cứu 200g, mẫu lệ 150g ("mẫu lệ" là vỏ con hầu, có thể tự kiếm hoặc mua ở cửa hàng Đông dược); lá dâu, ngải cứu phơi trong bóng râm cho khô, tán thành bột mịn; mẫu lệ đem nung chín tán bột, rây mịn, trộn đều với 2 thứ trên; dùng chuối tây chín bổ tư, phơi se, giã nhuyễn, trộn đều với các thứ bột thuốc làm thành viên to bằng hạt nhãn; mỗi lần 5-7 viên, ngày uống 3 lần, liên tục 10-15 ngày (1 liệu trình).
Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.
(3) Canh lươn: Lươn 150-200g; dùng nước nóng rửa lươn cho hết nhớt, mổ bụng bỏ nội tạng, thái nhỏ, rán với chút dầu ăn hoặc mỡ cho vàng thẫm; thêm nước vào nấu canh ăn, mỗi ngày 1 lần, liên tục 3 ngày.
Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do "Âm hư".
(4) Cháo lươn: Thịt lươn 50-60, gạo tẻ nhiều ít tùy theo sức ăn; nấu thành cháo chia ra ăn (buổi sáng và buổi tối) trước khi đi ngủ.
Tác dụng: Chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu sau khi bị bệnh.
(5) Thịt trai hầm với hẹ: Dùng thịt trai (hoặc thịt hến, thịt hầu) 30g, rau hẹ 60g; thịt trai ngâm nước ấm một lúc, cho hẹ đã cắt ngắn vào, hầm chín, ăn trong các bữa cơm.
Tác dụng: "Tư Âm tráng Dương", dùng chữa mồ hôi trộm do cơ thể suy yếu.
(6) Dạ dày hầm gạo nếp: Dùng dạ dày dê (hoặc dạ dày lợn) 1 cái, gạo nếp 60g, táo tầu 15 quả (bỏ hạt); dạ dày làm sạch, gạo nếp ngâm nước một lúc cho mềm, cùng với táo nhồi vào dạ dày dê, dùng dây buộc kín lại, cho vào nồi gốm nấu cách thủy cho chín nhừ; thái nhỏ chia ra ăn trong các bữa cơm.
Tác dụng: Bổ khí huyết, tăng cường tiêu hóa, chữa mồ hôi quá nhiều do "Dương hư" cũng như "Âm hư".
(7) Nước sắc hạt sen rễ lúa nếp: Dùng rễ lúa nếp 30g, hạt sen 30g; rễ lúa nếp rửa sạch, hạt sen bóc bỏ vỏ lụa và tim sen; sắc nhỏ lửa cho đến khi hạt sen chín nhừ; ăn hạt sen và uống nước thuốc.
Tác dụng: Chữa mồ hôi ra quá nhiều do cơ thể chưa hồi phục sau khi bị bệnh.
(8) Nước sắc táo tầu rễ lúa nếp: Dùng rễ lúa nếp 30-60g, táo tầu 6-7 quả; sắc nước uống trong ngày.
Tác dụng: Chữa mồ hôi quá nhiều do "Dương hư" cũng như "Âm hư".
(9) Hắc đậu viên nhục đại táo thang: Dùng đậu đen 30g, long nhãn 10, táo tầu 30g; tất cả rửa sạch, cho vào nồi đất, sắc nhỏ lửa khoảng 1 tiếng, chia 2 lần uống trong ngày, liên tục 15 ngày.
Tác dụng: Chữa ra nhiều mồ hôi do cơ thể suy yếu.
(10) Thuốc đắp trên rốn: Ra cửa hàng Đông dược (bán thuốc Bắc, thuốc Nam) mua khoảng nửa cân "ngũ bội tử"; mang về loại bỏ tạp chất, cho vào cối giã thật nhỏ hoặc dùng máy xay cà phê nghiền thành bột mịn, sau đó cất vào lọ nút kín dùng dần; hàng ngày, lấy khoảng 1 thìa bột thuốc, trộn với nước trắng hoặc mật ong thành 1 thứ bột mềm, đắp kín rốn rồi dùng băng dính cố định lại; mỗi ngày thay thuốc một lần.
"Ngũ bội tử" là vị thuốc khai thác từ "cây muối", một loài cây nhỡ, rất phổ biến ở các miền đồi núi nước ta. Ở miền suôi và thành phố, có thể mua ngũ bội tử với giá rất rẻ, tại hầu hết các cửa hàng Đông dược.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.