Hỏi đáp

Táo mèo chữa bách bệnh?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/03/2012 09:34 CH

Hỏi:

Khi đi du lịch ở Sa-Pa, tôi thấy dân địa phương thường đem rượu táo mèo và một số chế phẩm khác từ quả táo mèo tới bán cho khách du lịch. Theo như lời giới thiệu, táo mèo là loại trái cây đặc sản của Sa-pa, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe và có thể phòng trị được mọi thứ bệnh. Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết, trên thực tế quả táo mèo có tác dụng gì? Có phải ai cũng dùng được không?

Một số bạn đọc ở Hà Nội

Đáp:

Táo mèo thực ra không phải là thứ đặc sản của Sa-Pa, vì cây còn mọc hoang và được trồng ở một số tỉnh biên giới phía Bắc khác (có độ cao trên 1000m so với mặt biển) như Lai Châu, Yên Bái, Sơn La, ...

Cây táo mèo, tiếng địa phương gọi là "chi tô di" (dân tộc Mèo), tên khoa học là Docynia india (Mall.) Dec., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).

Là loại cây nhỡ, cao 5-6m, cây non cành có gai. Lá đa dạng, ở cây non lá mọc so le, xẻ 3-5 thùy, mép có răng cưa không đều, khi cây trưởng thành lá có hình bầu dục, dài 6-10cm, rộng 2-4 cm, mép nguyên hoặc hơi khía răng. Hoa họp từ 1-3 bông, cánh hoa màu trắng, 30-50 nhị. Quả hình cầu thuôn, đường kính 3-4cm, khi chín màu vàng lục, có vị chua hơi chát. Mùa hoa tháng 3, mùa quả tháng 9-10.

Trái táo mèo được khai thác để sử dụng tại chỗ và xuất sang Trung Quốc, để sử dụng làm thuốc với tên "sơn tra" (thường bị gọi nhầm là "sơn trà", "trà" có dấu huyền, có lẽ do trùng với tên Bán đảo Sơn Trà gần thành phố Đà Nẵng???).

Vị thuốc "táo mèo" hay "sơn tra", là quả chín, thái ngang hay bổ dọc, phơi hoặc sấy khô.

Tại Việt Nam và một số tỉnh phía Nam Trung Quốc, táo mèo được sử dụng với tính năng giống như vị thuốc "sơn tra" trong Đông y. Nhiều thầy thuốc Đông y cho rằng, trong các đơn thuốc có vị "sơn tra", dùng "táo mèo" thay thế, vẫn đạt kết quả trị liệu tốt. Tuy nhiên, đó là cách sử dụng có tính kinh nghiệm, cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu một cách toàn diện.

Xét về mặt thực vật, "táo mèo" và "sơn tra" tuy đều là những cây cùng thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae), nhưng khác "chi": "Táo mèo" thuộc chi Docynia, còn "sơn tra" thuộc chi Crataegus.

Rất có thể, "sơn tra" có một số tính năng mà "táo mèo" không có, ngược lại "táo mèo" cũng có thể có một số tác dụng mà "sơn tra" không có.

Tóm lại, tính năng và tác dụng chữa bệnh của "táo mèo" và "sơn tra" khác biệt ra sao, cần tiếp tục tiến hành nghiên cứu.

Để tham khảo, xin nói về tác dụng của vị "sơn tra":

sơn tra, quả sơn tra, táo mèo, quả táo mèo

Sơn tra được sử dụng trong cả Đông y và Tây y. Tuy nhiên Đông y và Tây y sử dụng sơn tra với những mục đích, cách thức khác nhau: Tây y coi sơn tra là một vị thuốc có tác dụng chủ yếu trên hệ tuần hoàn (tim và mạch máu) và giảm đau, an thần. Đông y lại coi sơn tra là một vị thuốc có tác dụng chủ yếu trên hệ tiêu hóa.

Trong Tây y, sơn tra được sử dụng dưới dạng cao lỏng (ngày uống 3-4 lần trước bữa ăn, mỗi lần 20-30 giọt) hoặc cồn thuốc (ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 20-30 giọt), để chữa các bệnh về tim mạch, cao huyết áp và giảm đau. Trong Đông y, sơn tra thường được sử dụng dưới dạng thuốc sắc và thuốc bột.

Theo Đông y truyền thống: Sơn tra có vị chua ngọt, tính hơi ấm, vào 3 kinh Tỳ, Vị và Can. Có tác dụng tiêu thức ăn tích trệ, tán ứ huyết, sát trùng. Thời xưa, sơn tra được coi là vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa thiết yếu, nhất là tiêu hóa các loại thịt.

Danh y Lý Thời Trân đã nói: Trộn vài trái sơn tra vào thịt gà già, dai và cứng, thịt sẽ dễ nát, từ đó có thể thấy rõ tác dụng tiêu "nhục tích" (thịt tích trệ) của trái sơn tra.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, sơn tra còn có một số tác dụng sau:

    - Tăng cường miễn dịch: Kết quả thực nghiệm cho thấy, sơn tra có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch rõ ràng, đối với miễn dịch thể dịch và miễn dịch tế bào;

    - Chống ô-xy hóa: Dịch chiết sơn tra, từ nồng độ 0,07/ml-0,55%/ml, đều có tác dụng thanh trừ các gốc tự do, ức chế phản ứng ô-xy hóa chất béo; tác dụng thanh trừ gốc tự do phụ thuộc rõ ràng vào liều sử dụng;

    - Đối với hệ tim mạch: Có tác dụng làm giãn mạch máu, hạ huyết áp, hạ cholesterol và làm mạnh tim;

    - Kháng khuẩn: Sơn tra có tác dụng ức chế mạnh đối với nhiều loại trực khuẩn và tụ cầu gây bệnh;

    - Ngoài ra còn có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư và làm co tử cung.

Một số bài thuốc có sử dụng sơn tra - táo mèo:

    (1) Chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy tức, đau: Dùng sơn tra (hoặc táo mèo) 30g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (2) Tăng cường tiêu hóa, chữa toàn thân đau mỏi: Dùng sơn tra 200g, rửa sạch, bỏ hạt, ngâm với 300ml rượu trắng, ngày lắc bình một lần; sau 1 tuần có thể sử dụng; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15ml; sau khi uống hết rượu, trái sơn tra còn lại có thể trộn với đường kính ăn.

    (3) Chữa viêm ruột, đại tiện xuất huyết: Sơn tra để nguyên cả hạt, đốt thành than, nghiền thành bột mịn; ngày dùng 3 lần, mỗi lần 6g, hoà với nước cơm uống.

    (4) Chữa gan nhiễm mỡ: Mỗi ngày ăn 5-7 trái sơn tra; hoặc dùng 10-15 trái sơn tra sắc nước uống trong ngày.

    (5) Cao huyết áp, cao mỡ máu: Sơn tra 15g, lá sen 15g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (6) Chữa béo phì: Sơn tra 10g, râu ngô 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

    (7) Chữa phụ nữ đẻ xong đau dạ con: Dùng sơn tra 100g, sao qua; sắc sơn tra lấy nước, hòa thêm chút đường, chia ra uống dần trong ngày.

    (8) Chữa ung thư đại tràng: Sơn tra 10g, tam thất 2g, gạo tẻ 100g, nấu cháo, hòa thêm mật ong, chia ra ăn trong ngày.

    (9) Chữa ung thư bàng quang: Dùng hạt sơn tra, hạt vải, hạt trám - mỗi thứ 100g, thiêu tồn tính, nghiền mịn; trước mỗi bữa ăn uống 10g, chiêu thuốc bằng nước sắc hồi hương.

Như vậy, táo mèo - sơn tra, đúng là một vị thuốc có tác dụng chữa trị nhiều bệnh.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của Đông y cổ truyền: Những người cơ thể gầy còm, có chức năng tiêu hóa suy yếu nặng, không nên dùng độc vị sơn tra (cần phối hợp với những vị thuốc bổ); ngoài ra, ăn nhiều sơn tra có thể làm hao khí và tổn hại răng.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]