Hỏi:
Tôi có mua 1kg nhục thung dung về để bồi bổ. Theo như những người bán hàng nói, thuốc này có tác dụng tăng cường sinh lý rất mạnh đối với đàn ông, vì đó là thứ nấm mọc ra từ những giọt tinh của con ngựa bạch, rớt xuống đất trong lúc giao phối. Khi quan sát kỹ, tôi thấy nhục thung dung giống như cành cây, trên mặt có phủ lớp vẩy mỏng, sần sùi, tựa như vẩy cá, không giống như một thứ nấm, nên rất băn khoăn... Rất mong "Thuốc vườn nhà" cho biết thêm những thông tin về lai lịch và tác dụng của vị thuốc này.
Nguyễn Minh, Hà Nội
Đáp:
Nhục thung dung là vị thuốc đã được sử dụng trong Đông y từ 2000 năm trước và đã được đưa vào trong sách "Thần Nông bản thảo kinh" - Bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y học.
Nhục thung dung không phải là một loại nấm, mà là một loại cây thảo (thảo bản) mọc ký sinh trên thân cây khác. Thường thấy mọc ở vùng sa mạc Nội Mông, một số tỉnh khác ở phía Bắc Trung Quốc, vùng Si-bia-ria và Viễn Đông nước Nga.
Thân cây chủ không có chất "lục diệp tố", nên không thể tự mình tạo ra chất dinh dưỡng, phải sống nhờ vào cây ký sinh. Rễ của cây ký sinh mọc rất khỏe, xuyên sâu vào lòng đất, có thể hút được nước từ dưới tầng đất sâu, nên có khả năng chịu nắng hạn và bão tuyết rất khỏe. Hệ rễ của cây chủ bám chặt vào hệ rễ của cây ký sinh, để hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Vị thuốc nhục thung dung chính là thân cây chủ kèm theo những lá vẩy của cây ký sinh.
Trên thực tế, nhục thung dung được khai thác từ 3 loài cây cùng họ Nhục thung dung (Orobranchaceae):
- Thông dụng nhất là cây "Nhục thung dung" - có tên khoa học Cistanche salsa (C. A. Mey.) G. Bek.;
- Thứ đến là các cây "Thung dung" - có tên khoa học là Cistanche deserticola Y. G. Ma;
- Và cây "Mễ nhục thung dung" - có tên khoa học Cistanche ambigua G. Beck (Bge).
Vị thuốc nhục thung dung ở nước ta hoàn toàn phải nhập khẩu.
Vào mùa xuân, nhục thung dung đâm thủng đất, mọc nhô lên trên, nhìn giống như một cái chày với đầu hơi nhọn, bên ngoài phủ lớp lá vẩy vàng lóng lánh, cây thường cao khoảng từ 15-30cm, có khi tới hơn 1m. Vào các tháng 5-6, cây ra hoa dày đặc. Hoa mọc ra từ chóp (phần ngọn), màu vàng nhạt, hình chuông, xẻ 5 cánh, cánh hoa màu xanh hoặc tím nhạt; tới các tháng 6-7 kết quả, nhỏ li ti, màu xám.
Tại những nơi có cây, người ta thu hoạch vào hai mùa Xuân và Thu:
- Loại thu hoạch vào mùa Xuân, gọi là "điềm thung dung" (thung dung ngọt), có chất lượng tốt nhất, cây chưa phân nhánh, chất thịt mềm, chứa nhiều hoạt chất.
- Nếu thu hoạch vào mùa Thu, thì dược liệu gọi là "hàm thung dung" (thung dung mặn), do cây chứa nhiều nước, rất khó làm khô, thường phải cho vào hũ với muối, bảo quản từ 1-3 năm, cây mới khô hết nước. Khi dùng, thì lấy ra, rửa sạch muối, phơi hay sấy khô. Do bảo quản lâu trong muối, lượng hoạt chất bị mất nhiều, nên loại thu hoạch vào mùa Thu có chất lượng kém hơn.
Theo Đông y: Nhục thung dung có vị ngọt, mặn, tính ấm; vào 2 kinh Thận và Đại tràng; có tác dụng bổ thận, ích tinh, nhuận táo, hoạt tràng. Chủ trị nam giới dương nuy (liệt dương), nữ giới không có khả năng thụ thai, đới hạ (nhiều khí hư), băng lậu, lưng gối lạnh đau, cơ bắp không có sức, huyết khô tiện bí (táo bón do huyết khô).
Sách "Nhật Hoa Tử bản thảo" viết: Nhục thung dung trị nam tử tuyệt dương bất hưng, nữ tử tuyệt âm bất sản, nhuận ngũ tạng, trường cơ nhục, ...
Như vậy có thể thấy, nhục thung dung là vị thuốc có ích lợi đối với cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, theo y thư cổ: Những người thận dương vượng, đại tiện lỏng, dương vật dễ cương lại bị di mộng tinh, thì không dùng được.
Một số cách sử dụng nhục thung dung tương đối đơn giản:
(1) Chữa suy nhược thần kinh: Nhục thung dung 10g, sơn thù du 5g, thạch xương bồ 4g, phục linh 6g, thỏ ty tử 8g; nước 600ml, sắc còn 200ml; chia làm 3 lần uống trong ngày, hâm nóng thuốc khi uống.
(2) Chữa nam giới vô sinh: Nhục thung dung (thái nhỏ) 30g, nhân sâm (thái nhỏ) 15g, thục địa hoàng 15g, hải mã 10g, lộc nhung (thái nhỏ) 10g, rượu trắng 1 lít; ngâm ít nhất 1 tháng, sau đó mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 15-20ml; khi bị cảm phát sốt kiêng dùng.
(3) Chữa nữ giới vô sinh, tình dục lạnh nhạt:
- Nhục thung dung 50g, ích mẫu thảo 30g, đương quy 30g, xuyên khung 30g, xích thược 25g, tiên linh tỳ 50g, rượu trắng 2 lít; ngâm ít nhất trong 1 tháng; mỗi lần dùng 15-20ml, hòa với mật ong uống; ngày uống 2 lần.
- Nhục thung dung 25g, thỏ ty tử 15g, sơn dược 30g, thịt dê nạc 500g, gạo tẻ 50-100g, mắm muối gia vị lượng thích hợp; thịt dê thái nhỏ, các vị thuốc cho vào túi vải buộc kín, cùng với gạo nấu cháo; thêm gia vị, chia ra ăn trong ngày.
(4) Chữa di tinh: Nhục thung dung (thái nhỏ) 30g, thỏ ty tử 10g, xương sống dê 500g, gạo tẻ 50-10g, nấu cháo ăn trong ngày.
(5) Chữa tảo tiết (xuất tinh sớm): Nhục thung dung 100g, tỏa dương 100g, long cốt 50g, tang phiêu tiêu 50g, phục linh 25g, rượu trắng 3 lít; ngâm ít nhất 15 ngày, thỉnh thoảng lắc bình; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 20-30ml.
(6) Chữa dương nuy (liệt dương):
- Nhục thung dung 30g, dâm dương hoắc 50g, rượu trắng nửa lít; ngâm ít nhất 1 tuần, hàng ngày lắc bình; mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 15-20ml.
- Nhục thung dung 25g, gạo tẻ 50-100g; thêm nước, cho vào nồi gốm, nấu to lửa cho sôi, sau nấu nhỏ lửa cho đến khi cháo chín nhừ, thêm gia vị, chia ra ăn 2 lần (sáng sớm và buổi tối). Người âm hư hoặc bí đại tiện do thực nhiệt kiêng dùng.
(7) Chữa tiểu tiện nhiều lần: Nhục thung dung 500g, thục địa 200g, sơn dược 200g, thỏ ty tử 200g, ngũ vị tử 50g; tấy cả sấy khô, tán thành bột mịn, trộn với mật làm viên to cỡ hạt đỗ; ngày uống 2 lần (sáng và chiều), mỗi lần 5g, chiêu thuốc bằng nước muối loãng.
(8) Chữa đại tiện táo bón: Nhục thung dung 15g, thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) 10g, mật ong lượng thích hợp; nhục thung dung, thảo quyết minh tán thô; sắc nước hoặc hãm nước sôi uống thay nước trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.