Hỏi đáp

Tác dụng làm thuốc của thịt nhím, lông nhím, dạ dày nhím

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 11/12/2013 09:15 CH

Hỏi:

(1) Có anh bộ đội cho tôi 1 chiếc dạ dày con nhím và nói là để làm thuốc chữa đau bụng. Vậy có đúng dạ dày nhím làm thuốc đau bụng không?

(2) Gần nhà tôi có một gia đình lập trang trại nuôi nhím và họ nói dùng nhím chữa được rất nhiều bệnh. Trên thực tế, nhím có thể dùng làm thuốc chữa những bệnh gì?

Đề nghị "Thuốc vườn nhà" thông tin cho biết.

Độc giả: Song Toàn, Phú Thọ và Văn Chính, Thái Nguyên

Đáp:

con nhím, con dím, cao trư, hào trư, sơn trư, nguyên du, hằng trư, loan trư, Hystrix hodgsoni, họ Nhím (Hystricidae)

"Con nhím" ở một số địa phương gọi là "con dím"; tên khoa học của nhím là Hystrix hodgsoni, thuộc họ Nhím (Hystricidae); trong sách thuốc Đông y, nhím có tên là "hào trư"; một số sách thuốc Đông y còn sử dụng một số tên khác (dị danh).

Thí dụ, sách "Tân tu bản thảo" (còn gọi là "Đường bản thảo", do Lý Tích và Tô Kính biên soạn dưới sự hỗ trợ của chính phủ, năm Hiển Khánh thứ tư thời Đường (659 DL)) gọi là "cao trư". Sách "Thực liệu bản thảo", cũng thời Đường, của Mạnh Sằn (621-713) gọi là "hào trư". Sách "Bản thảo đồ kinh" của Tô Tụng (1020-1101), nhà Thiên văn học, Dược học nổi tiếng thời Tống, cũng gọi là "hào trư" (tên này về sau trở thành tên chính thức của con nhím trong sách Đông dược). Trong quyển 51, bộ thú, sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân (1518-1593), ngoài những tên gọi kể trên, còn tập hợp một số tên khác, mà thư tịch thời trước đã sử dụng, như "sơn trư", "nguyên du", "hằng trư", "loan trư", ...

Ngoài con nhím nói trên, Đông y Trung Quốc còn sử dụng 2 loài nhím khác, nhỏ hơn, cùng thuộc họ Mao thích (Erinaceidae):

    - Thứ nhất là "Thích vị" (Erinaceus europaeus L.), thân chỉ dài khoảng 22cm, nhìn qua giống như con chuột, nhưng thân phủ gai nhọn, nên sách "Bản thảo cương mục" của Lý Thời Trân còn gọi là "vị thử" (nghĩa là "nhím chuột").

    - Con thứ hai là "Đoản thích vị" (Hemiechianus dauricus Sundevail), có lông gai ngắn hơn nhưng tai to hơn, nên còn gọi là "đại nhĩ vị" (nhím tai to).

Bộ phận dùng làm thuốc thông dụng nhất của 2 loài nhím trên là da, được ghi chép sớm nhất trong sách "Thần Nông bản thảo kinh", cách nay hơn 2000 năm, với tên "vị bì". Óc (vị não), thịt (vị nhục), mỡ (vị chi), tim (vị tâm), gan (vị can) và mật (vị đảm) của 2 loài nhím trên cũng được sử dụng làm thuốc. 2 loài nhím nói trên chỉ ưa khí hậu lạnh, chưa di thực vào Việt Nam, nên chỉ giới thiệu qua, để Quý độc giả tham khảo.

Xin trở lại với tác dụng làm thuốc của con nhím ("hào trư"), sống hoang dã và được nuôi trong một số trang trại ở nước ta:

1. Thịt nhím (hào trư nhục):

    - Theo sách "Bản thảo cương mục", thịt nhím có vị ngọt, tính rất lạnh, có độc (cam, đại hàn, hữu độc). Theo sách "Bản thảo đồ kinh", thịt nhím (hào trư nhục) có tác dụng thông lợi đại tràng. Còn theo sách "Lục Xuyên bản thảo", thịt nhím có tác dụng chữa đại tiện khó khăn.

    - Cách dùng, liều dùng: Ngày dùng từ 30-60g, sắc uống hoặc nấu chín ăn.

    - Chú ý, kiêng kỵ: Theo "Bản thảo đồ kinh", thịt nhím béo ngọt, không nên ăn quá nhiều, vì có thể sinh bệnh, khiến cơ thể suy yếu gầy mòn (lãnh nhân hư luy). Theo "Thực liệu bản thảo", chỉ nên sử dụng thịt nhím chữa các chứng trướng do "nhiệt tà", "phong tà" và "thủy tà" gây nên, mà không thể sử dụng để chữa chứng trướng do "hàn tà".

    - Như vậy, thịt nhím chỉ nên dùng làm thuốc chữa bệnh - theo phương pháp "Thực liệu" của Đông y học, dưới sự tư vấn của Lương y. Không nên dùng chế món "thịt thú rừng" trong các quán ăn, vì ngon miệng ăn nhiều có thể sinh bệnh.

2. Lông nhím (hào trư mao thích):

    - Theo "Lục Xuyên bản thảo": Lông nhím có tác dụng hành khí. Có thể dùng chữa "tâm khí thống" (dùng 1-3 cái lông nhím, thiêu tồn tính (rang to lửa hoặc đốt, cho đến khi mặt thuốc cháy đen như than, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), nghiền mịn, dùng nước đun sôi để chiêu thuốc).

    - Chú thích: "Tâm khí thống" là tên bệnh trong Đông y, chỉ tình trạng đau vùng tim và thượng vị do "khí trệ"; "khí trệ" còn gọi là "khí uất" hay "khí kết", chỉ hiện tượng sự vận hành của khí (khí cơ) ở một tạng, một phủ, một đường kinh, hoặc ở một bộ phận nào đó của cơ thể bị trở trệ, vận hành không thông sướng.

3. Dạ dày nhím (hào trư đỗ):

    Cách sử dụng dạ dày nhím để chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian và Đông y ở Trung Quốc và ở nước ta không hoàn toàn giống nhau. Xin giới thiệu cụ thể để tiện tham khảo:

    (1) Kinh nghiệm Đông y Trung Quốc (Trung y):

        Về tính năng, theo sách "Bản thảo cương mục", dạ dày nhím có tính lạnh, không độc (hàn, vô độc). Về tác dụng, theo "Đường bản thảo", dùng chữa hoàng đản (vàng da); theo "Thực liệu bản thảo", chữa các chứng trướng do nhiệt tà, phong tà và thủy tà (Lý nhiệt phong thủy trướng); theo "Bản thảo cương mục", thiêu, nghiền mịn, uống với rượu, chữa thủy thũng, cước khí, bôn đồn; theo "Trung dược đại từ điển", có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp; dùng chữa hoàng đản (vàng da), thủy thũng (phù), cước khí, bôn đồn.

        Chú thích:

            - "Cước khí" là tên bệnh trong Đông y, chỉ tình trạng bệnh lý với các triệu chứng chân tê, phù, đau, ... ứng với bệnh tê phù do thiếu vitamin B1 trong Tây y (beriberi).

            - "Bôn đồn", cũng là bệnh danh Đông y, chỉ tình trạng vùng bụng co thắt dữ dội, khí tích ở bụng dưới xông ngược lên, thẳng tới yết hầu, vùng ngực khó chịu, chóng mặt, hoa mắt, hồi hộp, phiền táo không yên; có khi nóng rét qua lại và nôn ra mủ; sau khi bớt cơn lại tỉnh táo như thường. Vì ngực, bụng có cảm giác như bị lợn con húc vào (lợn con thúc vú lợn mẹ) nên chứng bệnh này mới có tên là "bôn đồn" ("bôn" = lao tới, húc vào; "đồn" = lợn con).

        Hiện nay, tại các tỉnh ở vùng Giang Nam (Trung Quốc) cũng có nhiều cơ sở nuôi nhím. Những tác dụng chữa bệnh của nhím do các cơ sở đó đưa lên các trang web, gần như đều trích dẫn từ những cuốn sách thuốc cổ, mà "Thuốc vườn nhà" đã giới thiệu ở trên.

        "Thuốc vườn nhà" chỉ đọc được một kinh nghiệm mới: Dùng dạ dày nhím, hầm với "thạch tiên đào" ăn, có tác dụng chữa đau dạ dày rất tốt (không thấy nói rõ liều lượng và cách chế biến cụ thể). Cây "thạch tiên đào" (石仙?桃?) có mọc ở các vùng núi cao nước ta, thường gọi là Lan Tục đoạn Trung Quốc; tên khoa học là Pholidota chinensis Lind., thuộc họ Lan (Orchidaceae).

    (2) Kinh nghiệm dân gian và Đông y Việt Nam:

        Trong Đông y và dân gian ở nước ta, dạ dày nhím chủ yếu được sử dụng chữa đau dạ dày. Thường sử dụng theo những cách sau đây:

            - Trong sách "Cây thuốc Việt Nam" của Lương y Lê Trần Đức (thầy thuốc ưu tú), có ghi lại kinh nghiệm như sau: Dạ dày nhím phơi khô, xẻ ra thấy thức ăn chưa tiêu, gồm phần lớn là các loại cỏ như cỏ chỉ màu vàng và một số hạt hoa màu. Dân gian dùng toàn bộ cả dạ dày và thức ăn chứa ở trong, tán nhỏ, uống với nước cơm, mỗi ngày 10g vào lúc đói. Dùng chữa bệnh đau dạ dày các thể. Uống hết 1 cái thì khỏi đau. Bệnh đau kinh niên, uống 2-3 cái đều kết quả.

            - Tại một số địa phương, người ta dùng bột dạ dày nhím và bột nghệ đen - 2 thứ lượng bằng nhau; trộn với mật ong, uống ngày 2 lần (sáng trước bữa điểm tâm và buổi chiều trước khi ăn), mỗi lần 1 thìa cà phê.

Phân tích 3 đơn thuốc dùng dạ dày nhím chữa đau dạ dày (2 ở Việt Nam và 1 ở Trung Quốc) có thể thấy:

    - Ngoài dạ dày nhím (phần vỏ bọc bên ngoài), trong đơn thuốc thứ nhất thêm cả một số loại cỏ và ngũ cốc, đơn thứ hai có thêm nghệ đen và mật ong, còn đơn thứ ba theo kinh nghiệm của Trung Quốc có thêm thạch tiên đào. Như vậy, dạ dày nhím tuy là một thành phần rất quan trọng, ắt phải có, nhưng tác dụng chữa đau dạ dày của những đơn thuốc trên, có thể còn do tác dụng hiệp đồng giữa dạ dày nhím với các vị thuốc khác tạo nên.

    - Do đó, nếu muốn sử dụng dạ dày nhím chữa đau dạ dày, cũng như các chứng đau bụng khác, tốt nhất nên sử dụng những con nhím sống hoang dã. Nếu như sử dụng dạ dày của con nhím nuôi trong trang trại, thì cần phối hợp thêm với một số vị thuốc khác nữa. Và nên có sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]