Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" giới thiệu cho biết những tác dụng chữa bệnh của "Dây mỡ lợn".
Trần Thị Huệ, Hàm Yên, Tuyên Quang
Đáp:
"Dây mỡ lợn" trong sách thực vật có tên là "đài hái". Cây còn có tên là "dây hái", "then hái", "mướp rừng", "dây sén", "mắc kinh" (Tày), ... tên khoa học là Hodgsonia macrocarpa (Blume) Cogn., thuộc họ Bầu bí.
Đài hái là một loại dây leo, mọc khỏe, thân nhẵn, có thể dài hơn 30m, thường mọc leo trên các cây to trong rừng, phía trên chia thành nhiều cành, mọc sen kẽ nhau. Lá hình tim, phiến chia 3-5 thùy, mặt trên xanh lục, mặt dưới nhạt màu hơn, dai, cứng nhẵn. Tua cuốn to, khỏe và quăn xoắn. Hoa đực mọc thành chùm, dạng ngù. Hoa cái mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả hình cầu, to cỡ trái dừa. Cùi thịt trắng, hạt to hình trứng dẹt và khum.
Hạt sống có vị đắng, dân ở những vùng có cây này mọc thường nướng hạt ăn, hay giã với muối ăn như muối lạc.
Hạt chứa rất nhiều dầu, màu vàng nhạt, không mùi, không vị, gần giống mỡ lợn, do đó cây này thường gọi là "mỡ lợn". Dầu này có thể dùng thay mỡ, hoặc để thắp đèn.
Tác dụng chữa bệnh của đài hái thấy được đề cập trong sách "Nam dược thần hiệu" của Tuệ Tĩnh: Dùng chữa cảm mạo và giải độc. Để chữa cảm sốt thường phối hợp với sắn dây, tía tô, củ gấu, dành dành và tinh tre.
Dầu đài hái sử dụng để chữa lỵ và thông đại tiện: Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần 3-4g. Ngoài ra, còn có thể dùng bôi rôm sảy, lở ngứa, hay vết bỏng, giúp da chóng lành.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc ít người thường dùng hạt đài hái tán bột rắc vào tai khi bị con vắt hoặc những côn trùng nhỏ chui vào lỗ tai.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.