Hỏi:
Tôi nghe nói, những năm chiến tranh, cũng như thời bao cấp, cỏ mần trầu
thường được dùng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, những năm gần đây,
không hiểu vì sao không thấy sách báo nói đến tác dụng của loại cỏ này.
Phải chăng cỏ mần trầu có chứa chất độc? Hay là tác dụng chữa bệnh không
đáng kể? Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cung cấp thông tin về cây cỏ này.
Lê Văn Tuấn, Xuân Trường, Nam Định
Đáp:
Cỏ mần trầu mọc hoang ở các bãi cỏ, vệ đường, ... khắp cả nước ta. Còn
mọc ở Campuchia, Lào, Trung Quốc và các nước nhiệt đới và Á nhiệt đới
khác.
Cỏ mần trầu không độc; là vị thuốc tốt, có thể chữa trị
nhiều chứng bệnh. Từ xưa đến nay cỏ mần trầu là một nguồn thức ăn tự
nhiên cho gia súc.
Cỏ mầu trầu còn có tên là "cỏ mần chầu",
"cỏ vườn trầu", "cỏ dáng", "cỏ bắc", "ngưu cân thảo", "thiên kim thảo",
"sam tử thảo", "tất suất thảo", ... tên khoa học là Eleusine indica (L.)
Gaertn. (Cynosurus indica L.), thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae).
Cỏ
mần trầu là loại cỏ sống hằng năm, rễ mọc khỏe, mọc thành cụm. Thân mọc
thẳng, cao chừng 10-60cm, bò dài ở đoạn gốc. Lá mọc cách xa nhau, hình
dải, mềm nhẵn, nhọn đầu, dài 10-30cm, rộng 3-7mm; bẹ lá có lông, ôm lấy
thân cành. Cụm hoa mọc thành bông, gồm 5-7 bông, mọc ở ngọn và có đến 2
bông khác mọc thấp hơn trên cán hoa, trông giống như những ngón tay; mỗi
bông lại mang nhiều hoa nhỏ. Quả thuôn dài, ráp, gần như 3 cạnh, dài
1,5mm, vỏ quả mềm.
Để làm thuốc, người ta nhổ toàn cây, liền
cả rễ; bỏ tạp chất, phơi khô, cắt ngắn. Có thể thu hái quanh năm, nhưng
tốt nhất vào cuối hè đầu thu.
Theo Đông y: Cỏ
mầu trầu có vị ngọt, tính mát; vào các kinh Can, Phế và Vị. Có tác
dụng thanh nhiệt mát máu, chống bốc nóng, dùng chữa cảm nắng, sốt nóng,
máu xông lên đầu, nổi mẩn đỏ, đái sẻn, đái đỏ, ngoại thương xuất huyết.
Theo sách "Thượng Hải thường dụng trung thảo dược":
Cỏ mần trầu còn có tác dụng bổ khí, hoạt huyết, dùng chữa "thoát lực
lao thương" (xem giải thích ở phần dưới), ho lao và phòng ngừa viêm não
B.
Liều dùng: Từ 80-120g sắc uống.
Ở
nước ta, từ xưa dân gian thường sử dụng cỏ mần trầu như một vị thuốc
mát, để chữa sốt, làm cho ra mồ hôi, chữa sốt rét, còn có tác dụng làm
mát gan. Trong suốt 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và thời kỳ bao
cấp, cỏ mần trầu là một thành phần quan trọng trong "Toa căn bản" - thang thuốc cơ bản, có tác dụng điều hòa cơ thể và chữa trị nhiều bệnh thông thường.
"Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số bài thuốc có dùng cỏ mần trầu, để bạn tham khảo:
(1) Chữa sốt cao, hôn mê, gân co rút: Cỏ mần trầu tươi 200g; đổ ngập nước, sắc lấy nước; uống hết trong vòng 12 tiếng.
(2) Chữa huyết áp cao:
- Ngày dùng 60-100g cỏ khô (hoặc 300-500g cỏ tươi); sắc uống thay nước trà. Nhiều người đã sử dụng có kết quả.
- Hoặc có thể sử dụng theo cách: Hái chừng 500g cỏ tươi, giã nát, thêm
chừng một bát nước đun sôi để nguội; vắt lấy nước cốt, lọc qua vải; thêm
ít đường vào cho ngọt dễ uống; ngày có thể uống 2 lần, vào sáng và
chiều.
(3) Chữa bệnh "thoát lực hoàng": Cỏ mần trầu nhổ cả rễ, rửa sạch bùn đất, nhồi vào gà mái chân đen (gà ác mái), hấp chín, bỏ cỏ và ăn thịt gà.
"Thoát
lực hoàng" là tên bệnh trong Đông y, còn gọi là "hoàng bạng", "hoàng
thũng", với triệu chứng chính: Toàn thân da vàng sạm, mặt mũi chân tay
phù thũng, đuối sức và tinh thần mệt mỏi; có khi kèm theo lợm giọng, nôn
ra nước vàng, lông tóc dựng đứng, thích ăn gạo sống, lá chè, đất cát,
...
(4) Chữa hoàng đản: Cỏ mần trầu tươi 100g, sơn chi ma 50g; sắc nước uống.
(5) Chữa kiết lỵ: Dùng cỏ mần trầu tươi 50-100g; sắc nước, thêm đường đỏ vào, uống ngày 2 lần.
(6) Chữa sốt nóng do bị say nắng: Dùng cỏ mần trầu tươi 100g; sắc nước uống trong ngày.
(7) Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu đục (lâm trọc): Dùng cỏ mần trầu tươi 100g, rễ cỏ tranh tươi 20g; sắc nước uống.
(8) Chữa sán khí (sa đì):
- Dùng cỏ mầu trầu, ích mẫu - mỗi thứ 40g; sắc uống (Bách gia trân tàng).
- Hoặc có thể dùng cỏ mần trầu tươi 200g, hạt vải khô 14 hạt; đổ nửa
rượu nửa nước vào sắc trong một giờ; uống vào trước bữa ăn, ngày 2 lần.
(9) Chữa vú sưng đau nóng đỏ:
Dùng cỏ mần trầu 50g, bồ công anh 50g; đổ ngập nước, cho 1 quả trứng gà
vào luộc chín; ăn trứng, uống nước thuốc, còn bã thuốc đắp vào chỗ sưng
đau.
(10) Dự phòng viêm não B: Tại nhiều
địa phương ở Trung Quốc, dân gian thường dùng cỏ mần trầu tươi 50-100g;
sắc nước uống thay trà trong ngày, để phòng ngừa bệnh viêm não B, trong
mùa dịch.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.