Hỏi:
Tôi nghe một số người nói, quả ổi và lá ổi có thể sử dụng để chữa bệnh
tiểu đường. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, điều đó có căn cứ khoa
học hay không? Và cách sử dụng cụ thể như thế nào?
Trần Nguyên Minh, Xuân Trường, Nam Định
Đáp:
Cây ổi mọc hoang ở nhiều vùng rừng núi và được trồng để lấy quả ăn. Cây
ổi và cây khế, đều là những biểu tượng rất thân thuộc trong vườn nhà ở
khắp các miền quê Việt Nam. Nhưng cây khế thường được trồng ở trước sân
nhà, còn cây ổi thường được trồng ở phía sau nhà, có thể vì mùa xuân
trên cây ổi có nhiều sâu róm.
Cây ổi vốn có xuất xứ từ miền
nhiệt đới ở châu Mỹ, sau được di thực và phổ biến ở khắp các miền nhiệt
đới ở châu Á, cũng như châu Phi. Cây còn có tên là "ủi", "thu quả",
"phiên thạch lựu", "phiên đào thụ", "kê thỉ quả", ... tên khoa học là
Psidium guyjava L., thuộc họ Sim (Myrtaceae).
Quả ổi là loại
trái cây dẫn dã, rẻ tiền nhưng rất giàu dinh dưỡng và chứa nhiều hoạt
chất sinh học. Thông thường người ta chỉ dùng quả ổi chín để ăn, nhưng
cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, quả ổi xanh và các bộ
phận khác của cây ổi như búp non, lá non, vỏ rễ và vỏ thân, đều có thể
sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Kinh nghiệm sử dụng quả ổi làm
thuốc chữa bệnh đã lưu truyền từ rất lâu đời trong dân gian, nhưng mãi
về sau mới được ghi chép trong sách thuốc. Việc sử dụng lá ổi non làm
thuốc cũng được ghi chép tương đối muộn. Vị thuốc lá ổi được ghi chép
đầu tiên trong sách "Tăng đính Lĩnh Nam thái dược lục" với tên "kê thỉ trà", còn có tên là "phiên đào diệp", "ná bạt diệp", "bạt tử tâm diệp".
Theo Đông y, dược tính và tác dụng của quả ổi và các bộ phận khác của cây ổi được xác định như sau:
- Phiên thạch lựu:
Là quả ổi đã thành thục (chín). Có vị ngọt, chát, tính bình, vô độc;
vào 3 kinh Tỳ, Vị và Đại tràng. Có công năng kiện tỳ tiêu tích, chỉ tả
(chống ỉa chảy). Chủ trị các chứng thực tích bão trướng (thức ăn tích
trệ bụng trướng đầy); trẻ nhỏ cam tích; ỉa chảy; bệnh lỵ; thoát giang
(sa trực tràng), băng huyết, ...
- Phiên thạch lựu can: Là quả chưa chín, phơi hay sấy khô. Theo sách "Quảng Đông trung dược" có vị chua, chát, tính ấm; có tác dụng chỉ lỵ tật (chữa bệnh lỵ); uống trong, dùng 6-9g sắc uống.
- Phiên thạch lựu diệp: Là lá ổi non, dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô. Theo sách "Quảng Tây trung dược chí" và "Nam Ninh thị dược vật chí"
có vị cam sáp (chua, chát), tính bình, vô độc. Có tác dụng thu liễm chỉ
tả (cầm ỉa chảy); trị tiết tả (chữa ỉa chảy), cửu lỵ (bệnh lỵ mạn
tính), thấp chẩn (eczema), sang thương xuất huyết (bị thương chảy máu).
Theo "Thường dụng trung thảo dược thủ sách" trị bì phu thấp
chẩn (chữa eczema), tao dương (ngứa), nhiệt phí (rôm sảy do nắng nóng);
uống trong dùng 4-6g khô sắc uống (lá tươi dùng 15-30g); dùng ngoài nấu
nước rửa hoặc giã đắp. Chú ý về nghi kỵ: Người đại tiện táo bón; bệnh lỵ
nhưng chưa giải trừ được tích trệ, thì không nên dùng.
- Phiên thạch lựu bì: Là vỏ thân và vỏ rễ cây ổi. Theo sách "Lĩnh Nam thái dược lục" vỏ thân cây ổi đốt thành than chữa ghẻ lở viêm loét; vỏ rễ sắc với giấm ngậm và chữa đau răng; nấu nước tắm chữa ghẻ cho trẻ.
• Trở lại tác dụng chữa tiểu đường:
- Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, quả ổi và lá ổi đều có tác dụng hạ đường huyết.
- Theo "Từ điển các vị thuốc dưỡng sinh hiện đại" (Hiện đại dưỡng sinh bảo kiện trung dược từ điển):
1.
Cho thỏ uống nước ép trái ổi với liều 25g/kg, thấy huyết áp ở thỏ bình
thường hạ xuống 19%; còn ở thỏ mắc bệnh tiểu đường hạ xuống 25%. Tác
dụng của nước ép trái ổi đạt mức tối cao 4 giờ sau khi uống; sau 24 giờ
thì đường huyết khôi phục lại trạng thái ban đầu.
2.
Các hợp chất flavonoid trong lá ổi có tác dụng hạ đường huyết rõ ràng
đối với chuột bị bệnh đái đường do alloxan (alloxan diabetes). Hiệu suất
hạ đường huyết sau 2 giời là 30%; sau 4 giờ là 46%, sau 6 giờ là 57%.
Hợp chất flavonoid trong lá ổi cũng có tác dụng hạ đường huyết đối với
chuột bình thường. Nguyên lý hạ đường huyết của lá ổi là ngoài tác dụng
nâng cao hiệu suất lợi dụng đường glucose của các tổ chức ngoại vi, còn
có tác dụng trực tiếp xúc tiến sự kết hợp của insulin với thụ thể đặc
hiệu, nâng cao độ mẫn cảm của insulin.
- Trên thực tế,
trong điều kiện gia đình, để hỗ trợ điều trị, người bệnh đái tháo đường
tới mùa ổi chín hàng ngày có thể ăn vài trái ổi chín (50-100g), hoặc
dùng trái ổi chín ép lấy nước uống. Trong các mùa khác, có thể sử dụng
4-8g lá ổi khô hoặc 15-20g lá ổi tươi, sắc nước uống thay trà trong
ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
2 Ý kiến bạn đọcCho hoi cach che bien tra la oi va la oi gia co lam duoc khong ? tai vi chi nghe noi toi dot non va la non khong thay noi toi la gia cua la oi?
Cho hoi la oi gia co xai duoc hay khong ?