Hỏi:
Tôi
nghe nói, đỗ quyên cũng là một vị thuốc. Vì vậy, đề nghị "Thuốc vườn
nhà" cho biết: Đỗ quyên có thể chữa được những bệnh gì và cách thức sử
dụng cụ thể ra sao? Xin chân thành cảm ơn.
Lê Văn Mại, Hà Nội
Đáp:
Đỗ quyên còn có tên là "quyên hoa", "ánh sơn hồng", "mãn sơn hồng", ...
tên khoa học là Rhododendron simsii Planch, thộc họ Đỗ quyên
(Ericaceae). Đỗ quyên vốn là cây mọc hoang ở vùng núi cao. Theo kết quả
điều tra sơ bộ, ở nước ta có tới 15 loại đỗ quyên khác nhau. Những năm
gần đây, cùng với mức sống được nâng cao, tại các thành phố nhiều người
thích trồng đỗ quyên để thưởng ngoạn những ngày đầu xuân.
Đỗ
quyên là loại cây nhỡ, cành có vỏ xám đen, nhẵn. Lá đơn mọc cách, thường
tụ hợp ở ngọn cành; phiến lá hình bầu dục, dày, dai, mặt trên xanh
bóng, mặt dưới hơi nâu và hơi có lông, lá tựa như lá nhót tây nhưng nhỏ
hơn. Hoa to, không đều, xếp thành ngù ở ngọn, màu đỏ đẹp, thường nở vào
dịp Tết Nguyên Đán.
Đỗ quyên có nhiều loài có thể sử dụng làm
thuốc. Tuy nhiên, cũng có một số loài có độc, ví dụ như đỗ quyên hoa
vàng (hoàng hoa đỗ quyên) có độc tính rất cao, nếu sử dụng không thận
trọng, có thể bị trúng độc và phát sinh sự cố đáng tiếc. Vì vậy, nếu
muốn dùng làm thuốc, để bảo đảm an toàn, trong điều kiện gia đình chỉ
nên sử dụng loại đỗ quyên có hoa màu đỏ (như mô tả ở trên).
Theo Đông y:
Hoa và lá đỗ quyên có vị ngọt, chua, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt
giải độc, chỉ khái hóa đàm, chống ngứa. Rễ đỗ quyên có vị chua, chát,
có độc; có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, hóa ứ và chỉ huyết (cầm
máu).
Xin giới thiệu một số đơn thuốc có sử dụng đỗ quyên:
(1) Chữa viêm phế quản mạn tính:
Dùng hoa hoặc lá đỗ quyên đỏ 60g, đem ngâm trong 500ml rượu trắng; sau 7
ngày có thể sử dụng; mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-15ml (2-3 thìa
cà phê).
(2) Chữa dị ứng, mẩn tịt: Dùng lá đỗ quyên tươi, nấu nước tắm.
(3) Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Dùng rễ đỗ quyên 10g, sắc nước uống trong ngày.
(4) Chữa phong thấp, chân tê yếu: Dùng rễ đỗ quyên đỏ, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử, uy linh tiên - mỗi vị 12-20g; sắc nước uống trong ngày.
(5) Chữa mũi chảy máu: Dùng hoa hoặc lá đỗ quyên tươi 15-30g tươi, sắc nước uống.
(6) Chữa đinh nhọt sưng đau:
Dùng đọt hoặc lá đỗ quyên non, giã nát đắp. Có thể phối hợp với lá trắc
bách diệp tươi (2 thứ lá lượng bằng nhau), giã nhuyễn, hòa thêm lòng
trắng trứng gà hoặc mật ong, đắp vào chỗ bị bệnh, tác dụng càng tốt.
(7) Chữa nấm tóc: Dùng hoa đỗ quyên 60g, hoa trẩu 30g; hai thứ đem phơi khô, tán bột, trộn với dầu trẩu bôi lên vùng bị bệnh.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.