Hỏi:
Tôi được người thân truyền lại một đơn thuốc chữa chứng mãn dục ở nam giới rất hay. Nhưng trong đơn có vị thuốc tên là "tiên mao", tôi đến hiệu thuốc Đông dược mua, người ta nói phải gửi mua từ Trung Quốc nên giá rất đắt. Xin hỏi "Thuốc vườn nhà", vị thuốc "tiên mao" này có mọc ở Việt Nam không? Hoặc có thể thay thế bằng vị nào khác?
Lê Hồng, Quận 3, T.P Hồ Chí Minh
Đáp:
"Tiên mao" là tên gọi thông dụng trong các đơn thuốc Đông y của rễ củ
sâm cau. Sâm cau còn có tên là "ngải cau", "sâm Bà La Môn", "độc mao
căn", "tiên mao căn", "địa tông căn", "độc cước tiên mao", "tiên mao
sâm", tên khoa học là Curculigo orchioides Gaertn., họ Thủy tiên
(Amaryllidaceae).
Sâm cau là cây phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt
đới và cận nhiệt đới Châu Á. Tại Trung Quốc, cây này chỉ phân bố ở một
số tỉnh phía Nam, chủ yếu ở Vân Nam và Quý Châu, ngoài ra còn có ở Quảng
Đông, Quảng Tây. Còn ở nước ta, cây mọc phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc.
Thường gặp ở những đồi cỏ ven rừng núi. Vùng đồi núi Lang Bian cũng có
gặp.
Sâm cau là loại cỏ, cao khoảng 40cm hay hơn, thân ngầm
hình trụ dài (thường gọi là củ). Lá hình mác hẹp, hai đầu nhọn, dài
15-40cm, rộng 12-35mm, cuống dài 10cm, trông gần giống lá cau (nên có
tên là sâm cau). Hoa màu vàng, mọc thành từng cụm, không cuống, trên một
trục ngắn, nằm trong bẹ lá. Quả nang, thuôn dài 12-15mm, bên trong có
1-4 hạt phình ở đầu, phía dưới có một phần phụ hình liềm. Để sử dụng làm
thuốc, tốt nhất nên thu hái vào các mùa thu, đông; đào củ về, bỏ rễ
con, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, dùng dần làm thuốc.
Theo Đông y:
Sâm cau có vị cay, tính ấm, có độc; vào 3 kinh Thận, Can và Tỳ. Có tác
dụng làm ấm thận (ôn thận), mạnh gân cốt (tráng cân cốt), trừ hàn thấp.
Chủ trị liệt dương, tinh lạnh, tiểu tiện không cầm được, băng lậu, ngực
bụng lạnh đau, ung nhọt, tràng nhạc. Tại Ấn Độ, sâm cau được dùng làm
thuốc bổ, ngoài ra còn dùng để chữa ho, trĩ, vàng da, đi ỉa lỏng, đau
bụng, lậu; dùng ngoài giã nát đắp lên ung nhọt, ghẻ lở loét.
Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy:
Sâm cau có tác dụng tăng cường sức miễn dịch, nâng cao khả năng thích
nghi của cơ thể trong điều kiện thiếu ô-xy; trấn tĩnh trung khu thần
kinh; có tác dụng như hormone sinh dục nam (thí nghiệm tiêm cồn thuốc
sâm cau cho chuột cống đã bị cắt 2 tinh hoàn, với liều 10g/kg, thấy
trọng lượng của túi tinh tăng lên rõ ràng); còn có tác dụng chống đột
biến và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Cách dùng và liều dùng:
- Mỗi ngày dùng 3-10g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
- Khi dùng để chữa chứng đau nhức do hàn thấp thì dùng sống (không sao tẩm).
- Khi dùng để chữa liệt dương do thận hư, tiểu tiện nhiều lần hoặc són
tiểu, thì tẩm rượu sao, để tăng cường tác dụng bổ dương.
Chú ý, kiêng kỵ:
- Sâm cau là vị thuốc có độc.
- Để làm giảm độ độc, trước khi dùng cần ngâm nước vo gạo hoặc nước lã,
thay nước nhiều lần cho tới khi nước trong thì vớt ra, phơi hoặc sấy
khô. Trong dân gian còn sử dụng biện pháp "cửu chưng cửu sái" - nghĩa là
hấp và phơi 9 lần để khử chất độc, sau đó đem vùi trong đường cát để
bảo quản.
• Có thể thay thế sâm cau bằng một vị thuốc khác?
- Sâm cau là loại thuốc bổ dương. Được xếp trong cùng một nhóm thuốc
với những vị thuốc quen thuộc, như "dâm dương hoắc", "ba kích thiên",
"đỗ trọng", "hạch đào nhân" (hạt óc chó), "bổ cốt chi" (hạt đậu miêu),
"tắc kè", ...
- Nói chung, về nguyên tắc, trên lâm sàng,
các vị thuốc trong cùng nhóm có thể dùng thay thế lẫn nhau. Tuy nhiên,
khi sử dụng cần có sự thăm khám và tư vấn của thầy thuốc chuyên khoa
Đông y.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.