Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Phương pháp chữa ngứa bằng thuốc Nam

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/10/2014 04:33 CH

Hỏi:

Tôi là cán bộ đã về hưu... Từ hai năm nay, tôi thường hay bị ngứa, nhất là trong mùa lạnh. Tôi viết thư này, mong được "Thuốc vườn nhà" hướng dẫn cho phương pháp sử dụng thuốc Nam để chữa. Xin chân thành cảm ơn.

Trần Tuấn Viên, Hưng Hà, Thái Bình

Đáp:

đương quy

"Ngứa" là một triệu chứng tưởng như rất đơn giản, nhưng nguyên nhân lại rất phức tạp: Các bệnh tiêu hóa, gan, thận, đái tháo đường, thiếu vitamin, ... có thể gây nên ngứa. "Nhiễm độc bên trong cơ thể", như táo bón, dị ứng thuốc, ... có thể sinh ra ngứa. "Nhiễm độc bên ngoài" do ký sinh trùng, dị ứng thuốc ngoài da, dị ứng hóa chất trong sinh hoạt hoặc nghề nghiệp, ... cũng có thể sinh ngứa.

Nguyên nhân phức tạp như vậy, nên đối với những chứng ngứa lâu ngày không khỏi, cần đến bệnh viện xác định rõ nguyên nhân, để điều trị tận gốc.

Theo Đông y: Ngứa có thể do "nội nhân" (nguyên nhân bên trong) hoặc "ngoại nhân" (nguyên nhân từ bên ngoài) gây nên. Nội nhân thường do "thấp nhiệt" (tác nhân gây bệnh) tích đọng trong cơ thể, hoặc do "huyết hư can hỏa" (huyết dịch hư tổn, tạng can quá nóng) gây nên; còn ngoại nhân thường do "phong nhiệt" hoặc "phong hàn", nhân lúc sức khỏe suy yếu, xâm phạm vào cơ thể gây nên.

Để sử dụng thuốc Nam chữa trị, có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng phép chữa, bài thuốc tương ứng, theo phương pháp "Biện chứng luận trị" của Đông y như sau:

• Phong hàn:

    - Biểu hiện: Da khô, bong vẩy, ngứa; hay phát trong mùa Đông, nhất là trong lúc thay quần áo hoặc nặng về đêm; vị trí ngứa thường là phía trong đùi, phía sau căng chân và quanh các khớp xương; chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng; mạch trầm trì (chìm, chậm).

    - Phép chữa: Trừ phong, tán hàn, chống ngứa.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Can khương (gừng khô) 9g, ngải cứu 6g, hồng táo (táo tầu) 10 trái, quế chi 6g; sắc uống thay trà trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

    - Thuốc dùng ngoài: Hoa tiêu 15g, bạch phàn 15g; sắc lấy nước, chờ cho đỡ nóng (nhưng còn ấm), rửa chỗ bị bệnh; ngày 1-2 lần, liên tục 7-10 ngày.

• Phong nhiệt:

    - Biểu hiện: Thỉnh thoảng da phát ngứa, vị trí ngứa không cố định, gặp thời tiết nóng hoặc môi trường nóng ngứa tăng, khi trời mát hoặc ban đêm thì giảm, da chỗ ngứa đỏ ửng hoặc nổi lên những nốt sẩn đỏ; rêu lưỡi mỏng vàng; mạch huyền sác (căng, nhanh); hay gặp nhất ở thanh thiếu niên; cũng có thể phát tác cả trong mùa Đông.

    - Phép chữa: Trừ phong, thanh nhiệt, chống ngứa.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Đương quy 10g, sinh địa 15g, xích thược 15g, xuyên khung 6g, kinh giới 10g, thiền thoái (xác ve sầu) 6g, vỏ núc nác 10g, bồ công anh 15g, cam thảo 6g; sắc nước 3 nước, chia thành 3-4 lần uống trong ngày; liên tục 7-8 ngày.

    - Trà thuốc: Kim ngân hoa 10g, cam thảo 6g, tiên mao căn (rễ cỏ tranh tươi) 30g; sắc nước uống thay trà trong ngày.

• Thấp nhiệt:

    - Biểu hiện: Da ngứa, nửa người phía dưới ngứa nhiều hơn, gặp nóng nặng thêm, sau khi gãi da rỉ nước nhớt, kèm theo miệng đắng, ngực ngột ngạt; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt; mạch hoạt sác (trơn nhanh); hay gặp ở thanh niên, nữ giới thường kèm theo khí hư (đới hạ) ra nhiều.

    - Phép chữa: Thanh nhiệt, hóa thấp, chống ngứa.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Long đảm thảo 6g, sài hồ 6g, chi tử (dành dành) 10g, vỏ núc nác 10g, xa tiền tử 15g (bọc lại), trạch tả 10g, ý dĩ nhân 20g, thổ phục linh 15g, cam thảo 6g; sắc nước uống trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

    - Trà thuốc: Rong biển 20g, đậu xanh (để cả vỏ) 20g, cam thảo 6g; sắc nước uống thay trà trong ngày, liên tục 6-10 ngày.

• Huyết hư can hỏa:

    - Biểu hiện: Ngứa kịch liệt, bệnh kéo dài lâu ngày, khi tình cảm xúc động thường phát ngứa hoặc ngứa nặng thêm. Kèm theo da thô ráp, mất ngủ, ngủ mê nhiều, bồn chồn, trống ngực. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng; mạch tế sác (nhỏ nhanh); hay gặp nhất ở người cao tuổi.

    - Phép chữa: Dưỡng huyết bình can, khư phong nhuận táo.

    - Bài thuốc tiêu biểu: Sinh địa 15g, thạch hộc 12g, mạch môn 15g, ngũ vị tử 6g, sơn thù nhục 10g, đương quy 15g, bạch tật lê 15g, huyền sâm 10g, kỷ tử 10g, ích mẫu thảo 15g, táo nhân (sao đen) 10g; sắc nước uống trong ngày; theo từng đợt 7-8 ngày.

    - Món ăn 1: Mộc nhĩ trắng 30g, đường kính 60g; hấp cách thủy cho chín, chia ra ăn trong ngày.

    - Món ăn 2: Thịt lươn 30g, hồng táo (táo tầu) 15g; nấu canh ăn, liên tục 10-15 ngày.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]