Hỏi đáp

Nước lá tràm có tác dụng gì?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 12/09/2012 12:50 SA

Hỏi:

Thời gian đi công tác ở Quảng Trị, tôi thấy một số người thường sắc lá tràm uống thay nước. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, uống như vậy có tác dụng gì?

Trần Hoàng, Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Đáp:

cây tràm, chè cay, chè đồng, Melaleuca leucadendron L., cây khuynh diệp

Cây tràm còn có tên là "chè cay", "chè đồng", ... tên khoa học là Melaleuca leucadendron L., thuộc họ Sim (Myrtaceae).

Cây tràm phát triển tự nhiên có thể cao tới 4-5m, nhưng bị cắt xén thường xuyên (để làm dược liệu) nên biến thành những cây bụi, cao chừng 40-50cm. Trên thân cây to lớp vỏ bong ra thành từng mảng to dài. Lá mọc so le, cuống màu xanh vàng nhạt, phiến lá hình mác, trên có những gân chạy dọc theo gân chính, lúc đầu mỏng và mềm, về sau thành dày, cứng và dòn; thường dài 4-8cm, rộng 10-20mm. Hoa nhỏ màu trắng vàng nhạt, không cuống, mọc thành bông ở đầu cành, nhưng sau từ đầu bông hoa, cành lại mọc dài thêm và mang lá thành ra bông hoa nằm giữa cành lá trông rất đặc biệt. Quả nang rất cứng, 3 ngăn, hình tròn, đường kính 13mm, cụt ở đỉnh, đài cứng tồn tại ôm sâu vào quả. Hạt hình trứng, dài chừng 1mm.

Theo sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của cố Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi: Trước đây tràm hầu như không được khai thác. Thường nhân dân chỉ hái lá và cành non về phơi khô nấu nước uống thay chè hay uống để giúp sự tiêu hóa. Tới khoảng năm 1990, cây tràm vùng Quảng Bình, Quảng Trị mới được khai thác để cất tinh dầu bán rộng rãi trên thị trường với tên "dầu khuynh diệp" (đúng ra là tinh dầu) vì khuynh là nghiêng, diệp là lá, cây tràm có lá mọc nghiêng không giống những lá cây khác, từ đó cây này thêm tên là cây khuynh diệp. Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954) những cây tràm vùng Bắc Thái cũng được khai thác để cất tinh dầu dùng trong bộ đội.

Như vậy, lá và cành tràm non sắc uống có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa. Vì lá thường được nhân dân một số vùng nấu uống thay chè, cây lại mọc hoang ngoài đồng, cho nên có tên "chè đồng", vị nước uống hơi cay cho nên còn có tên "chè cay".

Lưu ý: Tên tràm và khuynh diệp hiện nay thường được dùng lẫn lộn, để chỉ một số cây cho tinh dầu có mùi và công dụng gần giống nhau, hoạt chất căn bản cũng như nhau, nhưng tỷ lệ hoạt chất có khác nhau, do đó cần chú ý để tránh nhầm lẫn.

Tác dụng chủ yếu của cây tràm, có thể tóm tắt như sau:

    (1) Dân gian tại một số địa phương thường dùng lá và cành non mang lá, để pha hay hãm hoặc sắc, với nồng độ 20g lá trong 1 lít nước để uống thay nước giúp sự tiêu hóa, chữa ho hoặc để xông.

    (2) Có thể dùng dưới dạng ngâm rượu với tỷ lệ 1/5 với tên cồn khuynh diệp cùng một công dụng như trên với liều 2-5g cồn một ngày.

    (3) Phổ biến nhất là tinh dầu, thường dùng nguyên chất để xoa bóp chữa đau nhức, tê thấp, ho, cảm. Mặc dù tỷ lệ xineol trong tinh dầu tràm thấp hơn trong tinh dầu bạch đàn nhưng người ta cho rằng tính chất sát trùng của tinh dầu tràm lại mạnh hơn tinh dầu bạch đàn. Người lớn và trẻ con đều có thể dùng tinh dầu nguyên chất để xoa bóp.

    (4) Dung dịch tinh dầu tràm 5-10% hay 20% trong dầu còn được dùng với tên gomenol (buile goménolée) để nhỏ mũi chống cúm, ngạt mũi.

    (5) Còn dùng tinh dầu pha vào nước, với nồng độ 2/1000 để rửa các vết thương rất tốt.

Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]