Y gia - Tác phẩm

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Kê đơn thuốc Đông y (Kỳ 2)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 16/03/2015 09:07 SA

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Kê đơn thuốc Đông y (Kỳ 1)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

Nội dung một đơn thuốc Đông y

    Trong một đơn thuốc Đông người ta thường nói phải có đủ thành phần quân, thần, , sứ. Đó cũng chỉ là cách nói của người xưa dưới chế độ phong kiến. Coi triều đình có Vua, có Quan thì đơn thuốc cũng phải vị chính, vị phụ, vị nào chủ yếu, vị nào bổ trợ.

    Quân là vị thuốc chủ yếu để chữa bệnh, nhằm giải quyết triệu chứng chủ yếu cần phải thanh toán. Một vị quân không bắt buộc phải có liều lượng cao hơn các vị thuốc khác trong đơn, vì nếu là vị thuốc có tác dụng mạnh thì chỉ cần liều nhỏ cũng đủ.

    Thần là vị thuốc đóng vai trò giúp đỡ làm cho hiệu lực của vị thuốc chủ yếu mạnh thêm.

    Tá là vị thuốc nhằm hai mục đích, một là ức chế vị quân khi vị quân có độc quá cao hay tác dụng hơi thiên lệch; mục đích thứ hai nhằm giúp vị quân giải quyết một số triệu chứng thứ yếu của tật bệnh, khi bệnh kèm theo một số triệu chứng khác.

    Sứ cũng dùng nhằm hai mục đích, một là để nó dẫn các chất thuốc vào Kinh như dùng vị khương hoạt để dẫn thuốc vào Kinh thái dương, dùng cát căn để đưa thuốc vào Kinh dương minh; tác dụng thứ hai của nó là đóng vai trò thứ yếu, hỗ trợ trong đơn thuốc.

    Ví dụ trong đơn ma hoàng thang của Trương Trọng Cảnh dùng chữa các chứng suyễn mà không ra mồ hôi, nhức đầu, phát sốt, thân thể đau nhức, có những vị thuốc sau đây "ma hoàng là vị quân làm cho ra mồ hôi và giải biểu, quế chi là thần giúp ma hoàng làm cho ra mồ hôi và giải biểu, hạnh nhân là tá giúp ma hoàng hạ cơn suyễn, cam thảo là sứ điều hòa các vị thuốc".

    Tuy đơn phải có đủ quân, thần, tá, sứ nhưng không nhất thiết đơn nào cũng phải có đủ 4 vị, vì có khi 1 vị cũng có thể làm nhiệm vụ cả quân và sứ hoặc cả thần và tá.

    Ví dụ đơn cát cánh cam thảo thang chỉ gồm có 2 vị cát cánh và cam thảo. Cát cánh vừa là quân, thông lợi cuống họng, chữa ho, vừa là sứ để dẫn thuốc đi lên; cam thảo vừa là thần, ngọt nhuận sinh tân dịch, vừa là tá, thanh nhiệt giải độc.

    Đơn thuốc tiểu thừa khí gồm 3 vị là đại hoàng, mang tiêu và cam thảo. Đại hoàng vừa là vị quân, thanh nhiệt, công tỳ, vừa là sứ tự đi vào trường và vị; mang tiêu là vị thần, vị mặn làm mềm chất rắn, nhuận táo; cam thảo là vị tá, hòa hoãn sức tả mạnh của mang tiêu; đại hoàng đồng thời có tác dụng điều vị, nhuận táo.

    Tóm lại vấn đề quân, thần, tá, sứ trong đơn thuốc Đông y cũng cùng một ý nghĩa như khi kê một đơn thuốc Tây là có vị chính, vị phụ. Nắm vững nhiệm vụ của từng vị trong đơn thuốc là ta có thể kê được.

Các dạng thuốc kê trong đơn

    Đơn thuốc Đông y căn bản cũng giống như đơn thuốc Tây y; ngoài dạng thuốc tiêm không có trong Đông y những hình thức khác không khác Tây y nhiều lắm. Ngay như thang thuốc mua về phải sắc làm sao cho ta cảm như đó là một dạng thuốc độc đáo của Đông y cũng đã có trong Tây y với tên chè (thé) hay espèces có tên la tinh là Species, gồm nhiều vị thuốc thảo mộc cắt thái nhỏ để hãm hay sắc uống.

    Hiểu như vậy để chúng ta có thể vững tâm khi kê đơn thuốc Đông y có chăng chỉ có khác nhau do danh từ dùng khác nhau.

    Sau đây là một số dạnh thuốc thường dùng trong Đông y:

    1. Thuốc thang: Là một dạng thuốc gồm nhiều vị thuốc thảo mộc, động vật hay khoáng vật đã chế biến thái nhỏ để sắc hay ngâm rượu uống. Thuốc thang tác dụng nhanh do đó hay dùng trong trường hợp cấp tính.

    Có những thang thuốc phải sắc lâu mới khỏi độc và thuốc mới chữa khỏi bệnh, như đơn thuốc có vị phụ tử nhưng cũng có những thang thuốc chỉ cần đun sôi 15-30 phút là dùng được rồi.

    2. Thuốc viên (hoàn): Thường chế bằng cách tán các vị thuốc thành bột, rồi luyện với nước, hay với mật mía hay mật ong, hoặc nước hồ rồi viên thành viên.

    Thuốc viên thường tan chậm cho nên thường dùng khi cần chữa bệnh mãn tính, nhưng cũng có khi dùng viên để chữa bệnh cấp tính, vì thuốc thơm có tinh dầu nếu dùng sắc sẽ kém tác dụng do đó chế thành viên sẽ tốt hơn. Nếu chế đúng phép, bảo quản tốt, thuốc viên có thể để lâu được, khi bất thường phải dùng đến có ngay, rất tiện.

    3. Thuốc bột (tán): Là các thuốc tán nhỏ. Thuốc bột có thể chỉ gồm 1 vị, nhưng cũng có thể gồm nhiều vị. Thuốc bột dùng uống hay dùng rắc ngoài da. Khi bôi ngoài có thể thêm nước khuấy đều bôi lên hay rắc bột khô lên. Có khi còn dùng thổi vào mũi, vào lỗ tai.

    Dùng thuốc bột uống có thể chiêu thuốc bằng nước thường, nước chè hay nước cơm. Điều bất tiện của thuốc bột thảo mộc là hay mốc mọt.

    4. Thuốc cao: Có 2 loại thuốc cao là loại để uống và loại để dán ngoài. Thuốc cao uống căn bản chế bằng cách sắc các vị thuốc bằng nước rồi cô cho tới đặc hay hơi mềm. Trong cao có thể cho thêm đường hay mật để thêm ngọt dễ uống.

    Thuốc cao dán ngoài thường là một loại xà phòng chì trong đó có hòa tan các vị thuốc và chất nhựa như nhựa thông, một dược, .v.v.

    Cao dán ngoài thường được phết lên vải hay giấy bản để dán lên nơi mụn nhọt.

    Ngoài loại cao dán nhọt, còn loại cao gây nóng thường dùng dán vào những huyệt châm cứu để kích thích thay kim hay thay mồi ngải cứu, ví dụ cao thiếu lâm.

    5. Đơn (đan): Lúc đầu chữ đơn chỉ dành để chỉ những thuốc chế từ kim loại như hồng đơn (chì oxyt); về sau những đơn thuốc chế phức tạp cũng gọi là đơn. Cùng loại với thuốc viên hoàn hay thuốc đĩnh. Có thể nói chữ đơn hiện nay đã mất ý nghĩa ban đầu để chỉ một dạng thuốc mà chữ đơn hiện nay bao gồm cả viên hoàn và viên đĩnh (xem chữ đĩnh).

    6. Thuốc rượu: Đem các vị thuốc ngâm với rượu (35-40 độ) hay cho rượu vào nấu cách thủy cho chất thuốc tan hết vào rượu, sau đó bỏ bã lấy rượu uống hay bôi xoa bên ngoài. Rượu thuốc có tác dụng nhanh, đưa thuốc đi khắp cơ thể, lại dễ để dành không hỏng. Nhưng có một số thuốc không tan vào rượu, không thể dùng dạng thuốc này được.

    7. Thuốc nước cất (lộ): Là một dạng thuốc chế bằng cách cho thuốc vào nước rồi cất lấy chất bay hơi. Mùi vị thơm nhạt dễ uống. Tuy nhiên dạng thuốc này ít được sử dụng.

    8. Thuốc đĩnh: Là một dạng thuốc gồm các vị thuốc tán nhỏ, luyện với một chất nước dính rồi chế thành thỏi như chiếc bút chì ngắn hai đầu tròn có thể nuốt hay mài với nước mà uống hay bôi lên chỗ đau. Có khi không chế thành thỏi mà chế thành bánh. Tên đĩnh là vì dạng thuốc giống như đĩnh bạc, thoi vàng ngày xưa dùng chi tiêu thay tiền.

    9. Thuốc xông: Có hai loại thuốc xông là xông lửa, bỏ các vị thuốc vào lò than lửa, lấy khói xông vào chỗ đau, như dùng hùng hoàng để xông); có khi cho vào nước đun sôi lấy hơi nước mang theo hơi thuốc mà xông vào chỗ bị đau, như khi ta dùng ngũ bội tử nấu xông chữa trĩ.

    10. Tọa dược: Là thuốc viên hay thuốc đĩnh nhưng gói vào lụa để vào âm đạo chữa khí hư bạch đới của phụ nữ.

So sánh cân lạng ta và kilôgam

    - Một yến ta = 10 cân ta = 6,048kg, nếu theo Dược điển Trung Quốc, 1963, thì một yến ta bằng đúng 5kg.

    - Một cân ta (thị cân Trung Quốc) = 16 lạng ta = 0,6048kg hoặc 0,500kg (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

    - Một lạng ta = 10 đồng cân hay 10 tiền = 37,77g hoặc 31,25g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

    - Một phân ta = 10 ly = 0,377g hay 0,3125g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

    - Một lai ta = 0,00377g hay 0,0031g (theo Dược điển Trung Quốc, 1963).

    Hiện nay ta đã quy định dùng theo cân lạng kg .v.v. Tuy nhiên ta cần biết bảng so sánh đối chiếu này để đọc và tham khảo các tài liệu cũ.


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]