Sau khi chẩn bệnh, căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, thầy thuốc thường kê đơn thuốc, dặn dò cách sử dụng, cách kiêng khem khi uống thuốc.
Cách kê đơn dùng thuốc căn cứ vào tình hình cụ thể của bệnh, được Đông y gọi là biện chứng luận trị - nghĩa là căn cứ vào chứng trạng của bệnh nhân mà biện luận cách chữa trị. Biện chứng luận trị khác với lề lối làm việc của những người chỉ biết tác dụng của bài thuốc, vị thuốc rồi dùng chung cho tất cả mọi người. Coi như vậy thì luận chứng biện trị không phải là một biện pháp chữa bệnh độc đáo gì của Đông y, chỉ có cách nói khác nhau. Người thầy thuốc Tây y biết chú ý tới từng trường hợp cụ thể mà thay đổi thuốc cho thích hợp thì cũng đã làm công việc biện chứng luận trị. Ta không nên thần bí hóa một việc đơn giản.
Nội dung đơn thuốc có thể là những bài thuốc gia truyền kinh nghiệm, cũng có thể là những bài thuốc sẵn có như bài lục vị, bài tứ quân, tứ vật, .v.v. Có khi gia giảm thêm vị này, bớt vị khác (thường gọi là gia: thêm; giảm: bớt), có khi người ta lại dựa vào toa thuốc căn bản theo kinh nghiệm của quân dân y Nam Bộ kháng chiến, mà thêm bớt cho thích hợp với từng bệnh cụ thể, mặt khác người thầy thuốc cũng có thể chỉ dựa hoàn toàn vào vào các triệu chứng tật bệnh chẩn đoán được mà kê một bài thuốc theo sáng kiến hay kinh nghiệm của mình.
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với thầy thuốc Tây y, muốn dùng thuốc Đông y, ta nên áp dụng rộng rãi việc kê những đơn thuốc chỉ căn cứ vào những triệu chứng hay căn nguyên bệnh mà mình đã chẩn đoán được bằng phương pháp Tây y, rồi dựa vào tính vị công năng của từng vị thuốc Đông y mà thay đổi cho thích hợp. Có làm được như vậy, chúng ta mới chủ động lựa chọn những vị thuốc có sẵn trong nước, tránh những vị thuốc hiện nay ta còn phải nhập, đắt tiền hoặc không có sẵn ở địa phương mình.
Kinh nghiệm kháng chiến Nam Bộ sử dụng chủ yếu thuốc Nam, kinh nghiệm của các thầy thuốc Nam ở miền Bắc, trước Cách mạng, trong kháng chiến và từ hòa bình lập lại cho ta biết rằng chỉ bằng thuốc Nam ta có thể giải quyết một số lớn bệnh thông thường, có khi cả một số bệnh hiểm nghèo đã dùng thuốc Tây, thuốc Bắc không khỏi, mà rồi cuối cùng chỉ một hay vài vị thuốc Nam vừa đơn giản, rẻ tiền, thích hợp với hoàn cảnh của chúng ta, là đã có hiệu nghiệm.
Để việc kê đơn thuốc Đông y được tốt, chúng ta cần tránh một số nhận định mà chúng tôi cho là chưa hoàn toàn đúng:
1. Đơn thuốc Đông y phải có nhiều vị?
Những người này thường thấy trong đơn thuốc Đông y có tới 20-30 vị, có khi tới 40-50 vị hay hơn nữa. Điều nhận xét đó có phần đúng. Nói chung, một số lương y hay kê những đơn thuốc nhiều vị thuốc, nhưng ta không nên vì vậy mà quan niệm rằng đơn thuốc Đông y nhất thiết phải có nhiều vị.
Nhìn qua lịch sử Đông y và dựa vào một số bài thuốc kinh nghiệm đã nổi tiếng, ta thấy có rất nhiều bài có tác dụng rõ rệt mà cũng chỉ gồm 4 hay 5 vị, như bài tứ quân bổ khí có 4 vị là sâm (đảng sâm hay nhân sâm), linh (phục linh), truật (bạch truật), thảo (cam thảo); bài tứ vật bổ huyết cũng chỉ có 4 vị là quy (đương quy), khung (xuyên khung), thục (thục địa), thược (bạch thược hay xích thược); bài tiểu thừa khí nổi tiếng chữa đầy bụng, táo bón, nóng sốt từng cơn, cũng chỉ có 3 vị là đại hoàng, hậu phác và chỉ thực.
Có những bài thuốc chỉ có 2 vị, như bài lục nhất (lục là 6, nhất là 1, vì trong bài thuốc có 6 phần hoạt thạch và 1 phần cam thảo) chữa cảm sốt, người nóng, miệng khô, tiểu tiện đỏ; bài thủy lục nhị tiên thang gồm 2 vị là kim anh và khiếm thực. Lại có nhiều bài chỉ gồm có 1 vị như cao ban long, agiao, cao quy bản, .v.v.
Trương Trọng Cảnh - một danh y thời xưa của Trung Quốc, có uy tín tới mức các cụ lang coi như là một Thánh sư trong Đông y, khi kê đơn thuốc thường dùng chỉ 4 hay 5 vị, đặc biết lắm mới thấy dùng tới 6 hay 8 vị, rất ít khi dùng hơn.
Coi vậy ta thấy khi kê đơn thuốc Đông y, nhất thiết không bắt buộc phải kê nhiều vị, ta có thể dùng 1 vị, 2 vị hay 3 hoặc 4 vị, nhưng điều chủ yếu là phải cân nhắc thật cẩn thận.
2. Liều lượng các vị thuốc Đông y nên như thế nào?
Một số người cho rằng dùng thuốc Đông y phải dùng liều lượng cao từ hàng lạng (40g) trở lên, có những thang thuốc phải dùng một cái ấm khá lớn mới có thể sắc được.
Sự thực không cần thiết như vậy. Nếu vị thuốc còn tươi thì có thể phải dùng liệu lượng nhiều chừng 30-50g trở lên; nhưng sau khi đã phơi khô, hoặc khi dùng phối hợp với nhiều vị thuốc khác, ta chỉ cần liều lượng trung bình của mỗi vị từ 4-12g (1-3 đồng cân). Khi phối hợp nhiều vị với nhau, ta có thể giảm liều xuống 1/3 hay 1/2.
Một số vị thuốc mạnh như xạ hương, ngưu hoàng, thềm tô (nhựa cóc) cần dùng với liều lượng rất thấp để tránh ngộ độc.
Khi mới kê đơn, ta chưa nhớ liều lượng, nên mỗi khi dùng cần xem lại tài liệu, một khi đã quen rồi thì ta không cần tra cứu nữa.
3. Vấn đề kiêng khem khi uống thuốc Đông y
Hiện nay, trong khi uống thuốc Đông y, một số lương y bắt bệnh nhân kiên nhiều món ăn quá, như rau muống, đậu xanh, thịt gà, cá chép, các món ăn tanh như tôm cá, đôi khi lại không cho phối hợp với các vị thuốc Tây. Cách đòi hỏi đó đã gây một ấn tượng không tốt đối với thuốc Đông y, mà thực tế không có cơ sở chính xác.
Phải nhận thấy rằng khi mắc một số bệnh, hay khi uống một số vị thuốc, bệnh nhân cần tránh ăn một số thức ăn, hay cần tránh uống cùng một lúc với một số vị thuốc có tác dụng ngược lại với vị thuốc đang uống, hay có thể gây với những vị thuốc đang uống một số phản ứng làm cho thuốc trở thành độc hay nguy hiểm.
Điều này có cơ sở khoa học và đã được chứng minh, trong Tây y có quy định.
Qua kinh nghiệm thực tế lâm sàng, ông cha ta cũng đã phát hiện thấy khi uống một số vị thuốc Đông y hay khi mắc một số bệnh thì cần tránh một số vị thuốc nhất định; điều này có ghi trong các sách; ví dụ trong sách cổ có ghi những người Âm hư nhiệt (?) không dùng được vị ngải cứu; những người hư nhược không tích trệ không dùng vị nga truật; phàm những người nào Tỳ Vị hư hàn mà không có nhiệt độc không nên dùng vị hoa kim ngân, .v.v.
Nhiều vị thuốc sau khi ghi tác dụng còn ghi vị thuốc đó ghét vị thuốc nào khác (tương ố), hay sợ vị thuốc nào khác (tương úy) hoặc có tác dụng ngược lại với vị thuốc nào khác (tương phản); một số vị thuốc lại có tác dụng tiêu diệt sức phản ứng trúng độc của một vị thuốc khác, như vị phòng phong trừ độc tính của vị phê sương (tương sát).
Mặc dầu một số danh từ một số bệnh ghi trong sách cổ rất khó xác định, nhưng trong khi cho dùng thuốc Đông y, ta nên theo dõi xem trường hợp nào cần tránh vị thuốc nào, để nếu cần thiết thì viết lại theo quan niệm bệnh mới; đối với sự tương kỵ hay tương úy, tương ố giữa một số vị thuốc cũng vậy ta nên theo dõi để rồi quy định lại.
Chúng ta dùng thuốc Đông y nên có ý thức vừa dùng vừa rút kinh nghiệm. Đối với việc kiêng khem cũng nên như vậy. Những trường hợp đã đúng và chính xác rồi thì ta nên theo và nghiên cứu thêm để nắm nguyên nhân vì sao phải kiêng khem, nhưng cũng có nhiều trường hợp cần kiểm tra lại vì do người nọ truyền người kia, tam sao thất bản làm cho việc kiêng khem có màu sắc thần bí, không bảo đảm chính xác.
Trên cơ sở đó ta thấy vừa dùng thuốc Tây vừa dùng thuốc Đông không mất tác dụng của loại thuốc nào, miễn là những vị thuốc dùng cùng một lúc không có vị nào có tác dụng ngược lại nhau hay phá hủy tác dụng của nhau.
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.