>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc Nam
A. Nguồn gốc phát hiện ra thuốc
Việc dùng thuốc trong nhân dân ta đã có từ lâu đời. Từ thời nguyên thủy, tổ tiên chúng ta trong lúc tìm kiếm thức ăn, có khi ăn phải chất độc phát sinh nôn mửa hoặc ỉa lỏng, hoặc hôn mê có khi chết người, do đó dần dần có nhận thức phân biệt được vị nào ăn được, vị nào có độc.
Kinh nghiệm dần dần tích lũy, không những giúp cho loài người biết lợi dụng tính chất của cây cỏ để làm thức ăn mà còn biết dùng làm thuốc chữa bệnh, hay dùng những vị có chất độc để chế tên thuốc độc dùng trong săn bắn hay trong lúc tự bảo vệ chống ngoại xâm. Lịch sử nước ta cho biết ngay từ khi lập nước nhân dân ta đã biết chế và sử dụng tên độc làm cho bọn xâm lăng khiếp sợ.
Như vậy việc phát minh ra thuốc đã có từ thượng cổ, trong quá trình đấu trang với thiên nhiên, tìm tòi thức ăn mà có được. Nguồn gốc tìm ra thức ăn, thuốc và cây có chất độc chỉ là một. Về sau dần dần mới biết tổng kết và đặt ra lý luận.
Hiện nay, đi sâu vào tìm hiểu những kinh nghiệm chữa bệnh trong nhân dân Việt Nam, chúng ta có thể dễ dàng phân biệt hai loại người làm thuốc. Một loại chỉ có kinh nghiệm chữa bệnh, không biết hay ít biết lý luận, kinh nghiệm cứ cha truyền con nối mà tồn tại, mà phát huy, loại người này chiếm chủ yếu tại các vùng dân tộc ít người. Loại người thứ hai biết dùng thuốc nhưng thêm phần lý luận, loại này chiếm chủ yếu ở thành thị và những người có cơ sở lý luận cho rằng vua Thần Nông (1) là người phát minh ra thuốc.
Theo truyền thuyết, một ngày vua Thần Nông nếm 100 cây cỏ để tìm thuốc, có khi một ngày ngộ độc 70 lần, rồi soạn ra sách thuốc đầu tiên gọi là "Thần Nông bản thảo". Trong bộ này có ghi chép tất cả 365 vị thuốc và là một bộ sách thuốc cổ nhất của Đông y (chừng 4000 năm nay).
Nhưng theo các nhà nghiên cứu khoa học hiện nay, vua Thần Nông nói ở đây không phải là một người, mà là kinh nghiệm của nhiều người tích lũy lại, ghi chép thành sách, rồi để truyền bá dễ gây tin tưởng, tác giả bộ sách đã đặt ra truyền thuyết về vua Thần Nông nếm cỏ cây tìm thuốc, thời gian viết cũng không phải xa như vậy, chỉ vào khoảng thế kỷ thứ hai.
Qua thực tiễn, chúng ta thấy không thể có một người nào đúc kết được tất cả những kinh nghiệm dùng thuốc mà chỉ sưu tầm, ghi chép lại cho có hệ thống mà thôi.
(1) Thần Nông: Vị thần nông nghiệp của người Việt cổ trồng lúa nước. Một số học giả văn học dân gian Trung Quốc và Hoa Kỳ đã chứng minh Thần Nông là một vị thần của cư dân phương Nam ngoài nước Trung Hoa cổ đại, là tổ tiên huyền thoại của vua Hùng. Thần Nông sinh ra Đế Minh, Đế Minh sinh ra Kinh Dương Vương, Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân, Lạc Long Quân sinh ra vua Hùng người Việt cổ thờ cúng cùng với Trời và thần Núi ở vị trí hiện nay của Đền Hùng (Từ điển bách khoa nông nghiệp - Hà Nội, 1991).
B. Tên các vị thuốc
Việc đặt tên các vị thuốc và đơn thuốc trong Đông y dựa trên một số nguyên tắc sau đây:
1. Căn cứ vào tính chất của vị thuốc mà đặt tên:
Ví dụ: Vị "phòng phong" do hai chữ "phòng" là phòng ngự, "phong" là gió; vì vị thuốc có tác dụng chữa những bệnh do cảm gió, đau các khớp xương, nhức đầu, chóng mặt, .v.v.
"Ích mẫu": Vị thuốc có ích cho người mẹ, phụ nữ sau khi sinh nở.
"Quyết minh tử": Hạt uống vào sáng mắt.
"Tục đoạn": "Tục" là nối, "đoạn" là đứt gãy; vì vị thuốc có tác dụng nối liền được gân cốt đứt gãy.
2. Căn cứ vào khí vị mà đặt tên:
Ví dụ: "Xạ hương" do chữ "xạ" là loại thú giống loài hươu, "hương" là có mùi thơm.
"Đinh hương": Vị thuốc giống cái đinh mà lại có mùi thơm.
"Hồi hương": Vị thuốc có mùi thơm như hồi.
"Cam thảo": "Cam" là ngọt, "thảo" là cỏ; vì vị thuốc có vị ngọt.
"Tế tân": "Tế" là nhỏ, "tân" là cay; vị thuốc là những rễ nhỏ, có vị cay.
"Khổ sâm": "Khổ" là đắng, "sâm" là sâm; vị thuốc giống sâm có vị đắng.
3. Căn cứ vào hình dạnh mà đặt tên:
"Ô đầu" do "ô" là quạ, "đầu" là đầu; vì vị thuốc trông giống đầu con quạ.
"Cẩu tích": Do chữ "cẩu" là chó, "tích" là lưng; vì vị thuốc trông giống lưng con chó.
"Ngưu tất": "Ngưu" là trâu, "tất" là đầu gối; vì thân có đốt phình ra giống đầu gối con trâu.
"Câu đằng": Có chữ "câu" là lưỡi câu, "đằng" là dây leo; vì vị thuốc là một thứ dây leo có gai cong giống như lưỡi câu.
4. Căn cứ vào màu sắc mà đặt tên:
"Hoàng liên": "Hoàng" là vàng, "liên" là liên tiếp; vì vị thuốc có màu vàng, rễ mọc liên tiếp.
"Hồng hoa": Vì thuốc là một thứ hoa có màu da cam.
"Huyền sâm": "Huyền" là đen; một thứ sâm có màu đen.
"Tử thảo": "Tử" là tím, "thảo" là cỏ; vị thuốc có màu tím.
"Thanh đại": "Thanh" là xanh, "đại" là sắc lông mày; ngày xưa có tục cạo lông mày, vẽ thuốc này vào; vị thuốc chế từ cây chàm nhuộm vải.
5. Căn cứ và cách sống của cây mà đặt tên:
"Hạ khô thảo": Vị thuốc đến mùa Hạ thì khô héo.
"Bán hạ": Vị thuốc có củ hái vào giữa mùa Hạ ("bán" là một nửa).
"Nhẫn đông" (tên khác của vị "kim ngân"): Vì cây này chịu đựng được mùa Đông mà không khô héo ("nhẫn" là chịu đựng).
"Tang ký sinh": "Tang" là cây dâu tằm, "ký sinh" là sống nhờ; vì cây này sống nhờ trên cây dâu tằm.
6. Căn cứ vào bộ phận dùng mà đặt tên:
Nguyên tắc này hay được áp dụng, vì thường người ta hay dùng một bộ phận của cây hay con vật.
"Tang diệp": "Tang" là cây dâu tăm, "diệp" là lá; vì vị thuốc là lá dâu.
"Cúc hoa": Hoa cây cúc.
"Quế chi": Cành cây quế ("chi" là cành).
"Cát căn": "Cát" là sắn, "căn" là rễ; vị thuốc là rễ cây sắn.
"Tô tử": "Tử" là hạt, "tô" là tía tô; vị thuốc là hạt cây tía tô.
"Miết giáp": Mai con ba ba; vì "miết" là con ba ban; "giáp là áo, là mai.
"Hổ cốt": Xương hổ; "cốt" là xương.
7. Căn cứ vào tên người dùng vị thuốc đầu tiên:
"Đỗ trọng": Người đầu tiên dùng vị này tên là Trọng họ Đỗ.
"Hà thủ ô": "Hà" là họ Hà, "thủ" là đầu, "ô" là quạ; có nghĩa là ông lão họ Hà tóc đang bạc dùng thuốc này đầu trở thành đen như đầu quạ.
"Sử quân tử": Chính là "sứ quân tử" vì xưa kia có một vị sứ quân họ Quách chuyên dùng vị thuốc này chữa bệnh trẻ em, do đó đặt tên là hạt của ông sứ quân tử ("tử" là hạt).
8. Căn cứ vào tên ngoại quốc phiên âm ra:
"Actisô" phiên âm tiếng Pháp: Artichaut.
"Man-đà-la-hoa" (một tên khác của vị "cà độc dược") phiên âm tiếng Ấn Độ có nghĩa là cây có màu sặc sỡ.
"Hồ tiêu": Một thứ tiêu mọc ở đất nước Hồ.
"Phiên mộc miết" (tên gọi khác của "mã tiền") vị thuốc giống con ba ba gỗ ở nước Phiên ("mộc" là gỗ, "miết" là ba ba).
9. Theo nơi sản xuất mà đặt tên:
"Ba đậu": Hạt như hạt đậu sản xuất đất Ba Thục.
"Thường sơn": Vị thuốc làn đầu tiên ở núi Thường Sơn (thuộc đất Ba Thục tức Tứ Xuyên, Trung Quốc hiện nay).
"A giao": "A" là huyện Đông A, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc; "giao" là keo; là thứ keo chế từ da con lừa nấu với nước giếng ở huyện Đông A.
Có khi cùng một vị thuốc, nhưng vì nơi sản xuất có tiếng là tốt, người ta thêm tên nơi sản xuất vào như "xuyên hoàng liên" ("hoàng liên" của tỉnh Tứ Xuyên), nhưng nhiều khi tuy cùng một tên thuốc thêm tên địa phương vào tưởng là cùng một loài cây nhưng thực ra lại là hai cây khác nhau, ví dụ "xuyên bối mẫu" và "triết bối mẫu" ("bối mẫu" tỉnh Triết Giang) là hai vị thuốc thuộc hai cây khác nhau; "xuyên bối mẫu" chữa hư lao, ho khan, còn "triết bối mẫu" chữa ho cảm, ho gió.
Lại có khi cùng tên một vị thuốc, nhưng thêm chữ "nam" hay chữ "thổ" vào thì lại là vị thuốc hoàn toàn khác. Ví dụ "nam hoàng liên" có khi là cây "hoàng đằng", hay cây "Thalictrum", vị "cam thảo nam" là cây "Scoparia dulcis" hay cây "Abrus precatorius" trong khi "cam thảo bắc" là cây "Glycyrrhiza uralensis" hay "G. glabra", hay vị "phục linh" là một loại nấm còn "thổ phục linh" là một loại thân rễ của một cây thuộc họ thực vật khác hẳn. Tính chất chữa bệnh có khi giống nhau, có khi lại khác hẳn nhau. Do đó cần thận trọng trong việc xem tên vị thuốc.
C. Tên bài thuốc
Tên bài thuốc cũng dựa vào một số nguyên tắc chung:
1. Có khi căn cứ vào vị thuốc chính kèm theo tác dụng chủ yếu có kèm theo cả dạng thuốc:
Ví dụ: "Hà sa đại tạo hoàn" là bài thuốc có vị "hà sa" (nhau thai nhi) có tác dụng thay tạo hóa đem sức khỏe cho con người.
"Hoắc hương chính khí" trong bài thuốc đó có vị "hoắc hương".
"Tam tài thang" trong đó có 3 tài là "thiên" (môn đông), "địa" (hoàng) và "nhân" (sâm).
2. Căn cứ vào thành phần của đơn thuốc:
Ví dụ: "Lục nhất tấn" đơn thuốc gồm 6 phần hoạt thạch, 1 phần cam thảo ("lục" là sáu, "nhất" là một).
"Thập toàn đại bổ" gồm 10 vị thuốc bổ phối hợp với nhau.
"Lục vị hoàn" hay "lục vị địa hoàng hoàn" gồm 6 vị thuốc phối hợp với nhau.
"Tam sà đởm trần bì" trong đó có 3 loại mật rắn phối hợp với vị "trần bì".
Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.