Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 4)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 01/02/2015 09:42 SA

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Một số điểm cần chú ý khi sử dụng thuốc Nam

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 1)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 2)

>> Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: Cơ sở lý luận về tìm thuốc và tác dụng của thuốc theo Đông y (Kỳ 3)

những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi

K. Vận dụng Thuyết Ngũ hành trong việc xét tính chất thuốc và dùng thuốc

Thuyết Ngũ hành là một học thuyết triết học bao trùm mọi mặt vận động của vật chất trong vũ trụ. Y dược học cổ đã vận dụng học thuyết đó vào cơ thể và tính chất của thuốc.

Căn cứ vào hình thái tính chất của từng bộ phận trong cơ thể, của từng vị thuốc, người xưa đã quy nạp các vị thuốc vào từng hành một, rồi vận dụng những tính chất đó trong việc điều trị và tìm thuốc.

Ví dụ hành Mộc là cây cỏ, thì màu xanh, vậy màu xanh thuộc hành Mộc; những cây tươi tốt vào mùa Xuân vậy mùa Xuân cũng thuộc hành Mộc; trong mùa Xuân nếu có quả thường chưa chín thì có Vị chua, vậy Vị chua cũng thuộc hành Mộc; nói đến cơ thể con người thì trong mùa Xuân con người ta thích hoạt động, mà theo quan niệm Đông y, sự hoạt động của con người do Gan chi phối vậy Gan (Can) thuộc Mộc.

Cứ như vậy mà suy ra, người ta đã quy tất cả các bộ phận trong cơ thể và tất các những vị thuốc đã biết vào 5 hành đó. Đối với những vị thuốc chua quy nạp, có thể dựa vào mùi vị màu sắc mà suy ra.

Coi bảng hệ thống quy loại Ngũ hành của một số hiện tượng sau:

Ngũ hành

Mộc

Hỏa

Thổ

Kim

Thủy

Phương hướng

Đông

Nam

Giữa

Tây

Bắc

Mùa

Xuân

Hạ

Cuối Hạ

Thu

Đông

Khí

Gió

Nóng

Ẩm thấp

Khô ráo

Lạnh

Ngũ tạng

Gan (Can)

Tim (Tâm)

Tỳ

Phế

Thận

Lục phủ

Đởm

(Mật)

Tiểu trường

(Ruột non)

Đại trường

(Ruột già)

Vị

(Dạ dày)

Bàng quang

(Bong bóng)

Ngũ khiếu

Mắt

Lưỡi

Miệng

Mũi

Tai

Cơ thể

Gân

Mạch

Thịt

Da, lông

Xương

Màu sắc

Xanh

Đỏ

Vàng

Trắng

Đen

Mùi vị

Chua

Đắng

Ngọt

Cay

Mặn

Trong bảng này chúng tôi chỉ trích giới thiệu một số hiện tượng và tính chất chính đã được quy nạp vào các hành. Trong các tài liệu cũ người ta quy nạp cả tiếng cười, tiếng khóc hay tình cảm như mừng lo, giận giữ vào Ngũ hành.

Trên cơ sở tính chất đã quy nạp, người ta vận dụng vào việc tìm thuốc, chế thuốc chữa bệnh như sau:

Tìm thuốc:

    Căn cứ vào mùi vị, người ta cho vị thuốc này có tác dụng trên bộ phân này hay bộ phận khác của cơ thể.

    Ví dụ một vị có vị Ngọt, màu Vàng thì sẽ tác dụng vào Tỳ Vị vì Tỳ Vị thuộc Thổ, màu Vàng vị Ngọt thuộc Thổ; một vị thuốc có vị Cay, màu Trắng thì sẽ tác dụng lên Phổi (Phế) vì Phổi thuộc hành Kim, màu Trắng, vị Cay cũng thuộc hành Kim .v.v.

Chế thuốc:

    Trong việc chế thuốc, người ta cũng vận dụng Ngũ hành.

    Ví dụ muốn cho một vị thuốc tác dụng vào Thận, người ta thường chế thuốc với đậu đen vì màu Đen thuộc hành Thủy mà Thận lại thuộc hành Thủy. Hoặc nếu phải tẩm thì cần tẩm nước muối vì muối có vị Mặn, mà Mặn thuộc hành Thủy là hành của Thận. Nếu muốn vị thuốc tác dụng lên Gan và Mật thì cần phải tẩm thuốc với giấm vì giấm có vị Chua mà Chua thuộc Mộc là hành của Gan và Mật. Muốn vị thuốc tác dụng vào Tỳ Vị thì cần tẩm với mật, vì Ngọt thuộc hành Thổ mà Thổ là hành của Tỳ Vị; cũng dựa theo lý luận đó mà người ta tẩm thuốc với đất vách màu Vàng để thuốc tốt với Tỳ Vị vì màu Vàng cũng thuộc hành Thổ.

Trong việc điều trị người ta cũng vận dụng như vậy. Ví dụ chảy máu thổ huyết. Huyết màu Đỏ, thuộc hành Hỏa; muốn chống với hành Hỏa phải dùng hành Thủy; hành Thủy thì thuộc màu Đen, vậy muốn chữa thổ huyết hay chảy máu, thuốc gì cũng phải đốt hay sao đen cho cháy đi. Như vậy là dùng tính chất khác nhau, chống nhau mà chữa bệnh. Muốn bồi bổ thì cũng phải dựa trên Ngũ hành, ví dụ muốn bổ cho có thịt thì dùng thuốc có vị Ngọt; chữa bệnh Phổi dùng vị thuốc có vị Cay như tinh dầu.

Nhưng cũng cần chú ý luật là thái quá có hại. Dùng Chua quá, hay ăn Chua quá thì sẽ hại Gan .v.v.

Chúng tôi cho rằng trong lúc khoa học chưa tiến bộ, Thuyết Âm Dương Ngũ hành cũng đã giúp cho ông cha ta những nguyên tắc chung trong việc tìm thuốc, chế thuốc cũng như trong việc điều trị. Do những lý luận ấy, tình cờ ông cha ta đã tìm ra những tác dụng giữa các vị thuốc với nhau buộc ta cần suy nghĩ để tìm được nguyên nhân theo khoa học hiện đại, mà duy trì hay thay đổi đi.

Ví dụ như do các nấu "hà thủ ô" nhiều lần với đậu đen mà uống không chát nữa; "sinh địa" nấu đi nấu lại nhiều lần sẽ cho "thục địa".

Tuy nhiên chúng ta cũng cần tránh suy luận lung tung làm cho việc tìm thuốc, chế thuốc thêm phức tạp một cách vô ích, có khi làm giảm hay làm mất tác dụng của thuốc.

L. Tính chất của thuốc trình bày theo tác dụng trên các đường kinh lạc

Trong các sách cổ, ngoài việc trình bày tính chất của thuốc theo Âm Dương, Hàn Nhiệt, Ngũ hành, nhiều khi còn giới thiệu tính chất của thuốc trên các đường Kinh lạc.

Ví dụ:

    Vị "mạn kinh tử" khí thanh, vị bạc, phù mà thăng Dương, vào các kinh Túc thái dương (Dàng quang kinh), Túc quyết âm (Can kinh), và Túc dương minh (Vị kinh) chủ chữa hàn nhiệt ẩn náu ở khoảng gân xương .v.v.

    "Thạch xương bồ" là thuốc vào kinh Thủ thiếu âm (Tâm kinh) và Túc thiếu âm (Thận kinh), người nào tâm trí bất túc nên dùng nó (Lý Thời Trân) .v.v.

Vậy ta nên hiểu qua một ít về Kinh lạc áp dụng trong tính chất của thuốc. Kinh lạc trước tiên là cơ sở lý luận của phép châm cứu. Nhưng lý luận về Kinh lạc lại liên quan chặt chẽ với Thuyết Âm Dương Ngũ hành cho nên cũng lại liên hệ chặt chẽ với những quan niệm về cơ thể và về thuốc giới thiệu ở các mục trên.

Chúng tôi thấy cần thiết giới thiệu phần Kinh lạc liên quan đến tác dụng của thuốc để chúng ta có thể hiểu được các tài liệu cổ.

Ta biết rằng trong châm cứu, người xưa quan niệm các cơ quan trong cở thể của ta được chi phối bởi 14 đường kinh mạch chính.

14 đường kinh mạch đó gồm 6 đường ở tay, 6 đường ở chân và 2 đường kinh mạch ở giữa người. Tất cả phân phối như sau:

kinh lạc, kinh mạch, 14 đường kinh mạch

    Ở tay có:

    1. Kinh Thủ thái dương còn gọi là Tiểu trường gồm 19 huyệt.

    2. Kinh Thủ quyết âm còn gọi là Tâm bào lạc gồm 9 huyệt.

    3. Kinh Thủ dương minh còn gọi là Đại trường gồm 20 huyệt.

    4. Kinh Thủ thiếu dương còn gọi là Tam tiêu kinh gồm 23 huyệt.

    5. Kinh Thủ thiếu âm còn gọi là Tâm kinh gồm 9 huyệt.

    6. Kinh Thủ thái âm còn gọi là Phế kinh gồm 11 huyệt.

    Ở chân có:

    7. Kinh Túc thái dương còn gọi là Bàng quang kinh gồm 67 huyệt.

    8. Kinh Túc quyết âm còn gọi là Can kinh gồm 14 huyệt.

    9. Kinh Túc dương minh còn gọi là Vị kinh gồm 45 huyệt.

    10. Kinh Túc thiếu dương còn gọi là Đảm kinh gồm 43 huyệt.

    11. Kinh Túc thiếu âm còn gọi là Thận kinh gồm 27 huyệt.

    12. Kinh Túc thái âm còn gọi là Tỳ kinh gồm 21 huyệt.

    Ở giữa người gồm hai đường kinh mạch là:

    13. Đốc mạch kinh ở lưng gồm 28 huyệt.

    14. Nhâm mạch kinh ở phía bụng gồm 24 huyệt.

Coi tên kinh mạch, chúng ta thấy mỗi kinh mạch lại chi phối một cơ quan trong cơ thể, mỗi cơ quan đó lại thuộc một Ngũ hành.

Ví dụ:

    Kinh Túc quyết âm hay Can kinh và kinh Túc thiếu dương hay Đảm kinh thuộc hành Mộc vì Can và Đảm thuộc hành Mộc; Mộc lại gồm những vị thuốc có màu Xanh, vị Chua. Vậy những vị thuốc có màu Xanh vị chua thường hay vào kinh Túc quyết âmTúc thiếu dương.

    Kinh Thủ thiếu âm hay Tâm kinh và kinh Thủ thái dương hay Tiểu trường kinh đều thuộc Hỏa vì Tâm và Tiểu trường thuộc hành Hỏa; những vị thuốc sắc Đỏ vị Đắng thường vào kinh Thủ thiếu âm và kinh Thủ thái dương.

Trên cơ sở lý luận đó ta có thể thấy:

    - Những vị thuốc màu Vàng, vị Ngọt thuộc Thổ sẽ vào kinh Túc thái âm (Tỳ kinh) và Túc dương minh (Vị kinh).

    - Những vị thuốc màu Trắng, vị Cay thuộc Kim sẽ đi vào các kinh Thủ thái âm (Phế) và Thủ dương minh (Đại tràng).

    - Những vị thuốc màu Đen, vị Mặn thuộc Thủy, vào các kinh Túc thiếu âm (Thận) và Túc thái dương (Bàng quang).

Chúng ta có thể tóm tắt sự phối hợp giữa Màu sắc, Mùi vị và Tạng phủ với Kinh lạc theo sơ đồ sau đây:

phối hợp màu sắc mùi vị tạng phủ với kinh lạc


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]