Tập sách "Thuốc Nam thường dùng"
Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đỗ Tất Lợi
Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, vấn đề bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe cho cán bộ và nhân dân trước tình hình mới đã trở nên vô cùng quan trọng. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ 06/12/1966 đến 19/02/1967, công tác y tế được Đảng và Chính Phủ ta đặc biệt chú ý và liên tiếp đưa ra 3 chỉ thị có tính chất căn bản:
Chỉ thị 210 ngày 06/12/1966 của Phủ Thủ Tướng về việc khai thác và phát triển cây làm thuốc và động vật làm thuốc, lần đầu tiên đặt cây thuốc như cây công nghiệp cao cấp có tính chính sách khuyến khích thích đáng.
Chỉ thị 140 ngày 11/01/1967 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc bảo vệ và bồi dưỡng sức khỏe của cán bộ và nhân dân trước tình hình mới. Để bảo đảm cơ sở vật chất cho công tác phòng bệnh và chữa bệnh trong tình hình mới, bản chỉ thị nêu rõ: "… Tăng cường công tác nghiên cứu và sử dụng thuốc Nam, tích cực điều tra sưu tầm khai thác và trồng thuốc ở các cơ sở y tế, hợp tác xã và các nông trường lâm trường".
Ngày 19/02/1967 Thủ Tướng Phủ lại ra chỉ thị số 21 về việc tăng cường công tác nghiên cứu Đông y và kết hợp Đông y với Tây y.
Trước nhiệm vụ mới, nhu cầu về tài liệu tham khảo hướng dẫn sử dụng cây thuốc vị thuốc Việt Nam trở nên cấp thiết. Theo đề nghị của Bộ Y tế, bộ sách "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" do Nhà xuất bản Khoa học in từ năm 1962-1965 đã được sửa chữa, bổ sung và đã bắt đầu cho in lại.
Nhưng vì hoàn cảnh, in lại một bộ sách dầy, đầy đủ như vậy không thể nhanh nhiều và kịp thời như chúng ta mong muốn.
Để đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tài liệu thuốc Nam, theo yêu cầu của Nhà xuất bản Khoa học, chúng tôi đã trích và tóm tắt lại một số cây thuốc và vị thuốc cần trước, thành một tập nhỏ mỏng để có thể in ngay phục vụ kịp thời.
Để làm công việc này, chúng tôi đã căn cứ vào danh mục 63 cây quan trọng và 16 cây thuốc thông thường phổ biến mà Bộ Y tế đã đề ra để các cơ sở y tế các cấp cố gắng phấn đấu ghi vào kế hoạch trồng phát triển để tự túc trước tiên. Ngoài ra chúng tôi có bổ sung thêm một số cây thông thường dễ kiếm, dùng không hại gì, để có thể sử dụng rộng rãi. Tổng cộng là 110 cây tất cả. Trong số những cây này, chúng tôi hết sức tránh những cây độc, dùng nguy hiểm, nhưng vì một số cây cần phát triển có trong danh mục của Bộ Y tế nên chúng tôi vẫn giới thiệu. Đối với những cây này, chúng tôi có ghi chú cẩn thận, để các bạn thận trọng khi phát triển và sử dụng.
Khi giới thiệu mỗi cây, về nội dung căn bản chúng tôi vẫn tuân theo thứ tự trong bộ "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", nghĩa là mỗi cây gồm có tên cây, các tên gọi khác, tên khoa học, đặc điểm của cây, cách thu hái chế biến, thành phần hóa học, tác dụng dược lý, công dụng liều dùng và một vài đơn thuốc có vị thuốc, để rút kinh nghiệm sử dụng kê đơn. Tuy nhiên vì mục đích của cuốn sách cho nên nhiều phần được cô gọn, nhiều khi chỉ ghi lại phần kết luận. Mặc dầu yêu cầu của tập sách này là phổ cập, chúng tôi vẫn giữ tên khoa học vì nó giúp ta thống nhất được tên cây.
Riêng phần công dụng, đối với những vị thuốc đã được dùng từ xưa, lại có ghi trong văn bản, chúng tôi ghi gần như nguyên văn những danh từ cổ để các bạn tiện tham khảo đối chiếu, vì có nhiều bệnh, nhiều tác dụng chúng ta chưa hiểu hết ý tứ người xưa, dùng danh từ mới e rằng quá vội.
Cách sắp xếp các vị thuốc vẫn lấy tác dụng chữa bệnh làm cơ sở để tiện cho việc sử dụng trong điều trị. Tuy nhiên mỗi vị thuốc có nhiều tác dụng cho nên sau đó vẫn còn phải có bảng tra cứu theo các loại bệnh nữa.
Chúng ta biết rằng, một bệnh có thể chữa khỏi bằng nhiều bài thuốc cây thuốc khác nhau. Biết nhiều cây có thể chữa mỗi loại bệnh, sẽ giúp ta tùy cơ ứng biến, tùy địa phương ta ở, tùy mùa có bệnh mà chọn được cây thuốc này hay vị thuốc khác để chữa kịp thời theo đúng phương châm thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ.
Cho nên chúng tôi nghĩ dù sao tập sách nhỏ này cũng không thể thay thế được toàn bộ "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", vì số cây giới thiệu có hạn và cũng vì mục đích đề ra cho cuốn sách.
Tuy nhiên trước nhu cầu về tài liệu, chúng tôi mong rằng tập sách này cũng sẽ đáp ứng được một phần nào đòi hỏi tham khảo của các bạn. Và chúng tôi chân thành mong chờ những ý kiến đóng góp của các bạn.
ĐỖ TẤT LỢI
Mục lục
Thuốc chữa bệnh phụ nữ 1. Ích mẫu 2. Hương phụ 3. Ngải cứu 4. Bạch đồng nữ 5. Bọ mảy 6. Củ gai 7. Diếp cá 8. Gỗ vang 9. Bông 10. Rau ngót 11. Nhội 12. Đan sâm Thuốc chữa mụn nhọt mẩn ngứa ghẻ lở 13. Kim ngân 14. Sài đất 15. Bồ công anh 16. Ké đầu ngựa 17. Trầu không 18. Mỏ quạ 19. Thanh táo 20. Ớt 21. Ba chạc 22. Máu chó 23. Rết Thuốc chữa bệnh giun sán 24. Quả giun 25. Bách bộ 26. Hạt keo 27. Dầu giun 28. Bí ngô 29. Chua ngút 30. Lựu 31. Cau Thuốc cảm sốt, cả cúm 32. Bạc hà 33. Kinh giới 34. Tía tô 35. Hương nhu 36. Tre 37. Hành 38. Đại bi 39. Cúc hoa 40. Sả 41. Sắn dây 42. Rau má 43. Dây ký ninh 44. Xuyên khung 45. Bạch chỉ 46. Cỏ mần trầu 47. Qua lâu Thuốc thông tiểu lợi mật 48. Trạch tả 49. Actisô 50. Dành dành 51. Bồ bồ 52. Mã đề 53. Cỏ tranh 54. Râu ngô 55. Bấc đèn |
Thuốc bồi dưỡng, kích thích 56. Đảng sâm 57. Sâm bố chính 58. Tam thất 59. Hà thủ ô đỏ 60. Sinh địa 61. Hoàng tinh 62. Ý dĩ 63. Củ mài 64. Đinh lăng 65. Ngũ gia bì 66. Tục toan 67. Gấc 68. Kim anh 69. Óc chó 70. Đậu ván trắng 71. Huyền sâm 72. Quế 73. Cam thảo nam 74. Mã tiền 75. Tỏi lào 76. Hươu nai 77. Mật ong Thuốc chữa bệnh tim mạch 78. Hòe 79. Ba gạc 80. Ba kích 81. Sừng dê Thuốc chữa bệnh ở bộ máy tiêu hóa 82. Dạ cẩm 83. Muồng trâu 84. Chỉ thực - Chỉ xác 85. Địa liền 86. Ô dược 87. Sa nhân 88. Mộc hoa trắng 89. Mơ tam thể 90. Rau sam Thuốc an thần gây ngủ 91. Sen 92. Lá vông 93. Lạc tiên Thuốc chữa bệnh ở bộ máy hô hấp 94. Thuốc phiện 95. Mơ 96. Húng chanh 97. Thiên môn 98. Lôbêli 99. Bách hợp 100. Rẻ quạt 101. Tràm Thuốc chữa đau nhức tê thấp - xoa bóp 102. Long não 103. Chổi 104. Huyết giác 105. Hy thiêm 106. Ngưu tất 107. Ô đầu - phụ tử Thuốc trừ côn trùng, sâu bọ, ruồi muỗi 108. Mần tưới 109. Cổ giải 110. Dây mật |
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.