Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã được viết và in ra như thế nào? (Kỳ cuối)

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/05/2014 07:24 SA

>> Hải Thượng Y tông tâm lĩnh đã được viết và in ra như thế nào? (Kỳ 1)


Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Y tông tâm lĩnh

海上醫宗心嶺

Hải Thượng Y tông tâm lĩnh

Quyển thứ 28, bản năm 1885, lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam

Hải Thượng Lãn Ông mất đi mà sách vẫn chưa được in. Mãi tới gần một thế kỷ sau, vào năm Ất Hợi niên hiệu Tự Đức (1855) một lương y đem đến cho Vũ Xuân Hiên một quyển sách thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Vũ Xuân Hiên xem thấy hay, nhưng vì thiếu sót, mất mát nhiều, nên bắt đầu đặt vấn đề sưu tầm. Phải trải qua một thời gian khá lâu mới tìm và thu thập được 15 tập và gần 10 năm sau, tức là vào mùa thu Giáp Tý (1864), Vũ Xuân Hiên mới được một người cháu năm đời của Hải Thượng, ở làng Tình Diệm huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đem cho 21 tập bản chính do Hải Thượng để lại.

Sau khi đã tham khảo, đính chính, biên chép lại được bảy tám mươi phần trăm toàn bộ sách, Vũ Xuân Hiên có ý định đưa đi in. Lời thuyết minh về việc sưu tầm pho sách của Hải Thượng được viết vào mùa thu năm Bính Dần niên hiệu Tự Đức (1866) và nhờ Tiến sĩ Lê Cúc Linh, người có nhà riêng bên Hồ Hoàn Kiếm, viết giới thiệu trước khi đưa in.

Như vậy từ khi Vũ Xuân Hiên có ý thức đặt vấn đề sưu tầm lại cho đến khi thu thập được 70-80% toàn bộ sách để đưa in đã trải qua mất mười một năm. Nhưng từ khi đưa đến nơi in cho đến khi sách được in ra lại phải trải qua một thời gian dài nữa.

Vũ Xuân Hiên đưa bộ sách đã thu thập được đến nhà sư Thanh Cao, trụ trì chùa Đồng Nhân, huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh cũ để cho khắc và in. Nhưng mặc dù sư Thanh Cao là người cùng quê với Hải Thượng (2) và cũng là người rất thích thuốc nên rất mong in bộ sách, nhưng vì công việc in kinh phật của chùa bề bộn, tiền và giấy nhân dân quyên góp có hạn, cho nên đã để kéo dài thêm mười một năm nữa.

Cho đến năm Tự Đức thứ ba mươi (1877) có người góp ý là tiền ít thì cứ tiền công khắc đến đâu lại quyên góp thêm đến đấy. Rồi sư Thanh Cao lại thu thập được thêm 4 quyển nữa, là 55 quyển. Do đó năm 1878, sư Thanh Cao đã nhờ một nhà nho đã đỗ Giải nguyên họ Nguyễn làm bài văn quyên tiền (3). Năm 1879 sư Thanh Cao lại mời một số khá đông lương y và nhà nho quanh vùng đính chính lại những chỗ sau sót một lần nữa rồi thuê khắc và cho in. Và đến năm đầu niên hiệu Hàm Nghi (1885) thì bộ sách hoàn thành.

Theo lời giới thiệu của nhà sư Thanh Cao chúng ta biết được rằng lúc này tác phẩm của Hải Thượng Lãn Ông mới thu thập lại được 55 quyển trong số 66 quyển, và tuy thu thập sửa chữa như vậy rồi nhưng trong bản in vẫn còn nhiều chỗ phải bỏ trống để chờ đính chính bổ sung sau.

Như vậy tính từ khi Vũ Xuân Hiên bắt đầu thu thập (1855) đến khi sách được in ra 55 quyển (1885) vừa đúng hết 30 năm, và nếu tính từ lúc sách được biên soạn xong (1770) đến khi được in ra (1885) vừa đúng hết 115 năm.

Hiện nay chúng ta có trong tay hơn 55 quyển, vậy thì những quyển sau này và là những quyển nào được tìm thấy và in ra năm nào thì chúng ta chưa có cơ sở để phán đoán.

Những phần phân tích trên đã cho chúng ta thấy chỉ bằng nghiên cứu những lời ghi trong tác phẩm của Hải Thượng, rồi đối chiếu so sánh, là ta có thể hiểu được phần nào tại sao Hải Thượng đã viết bộ sách, viết từ bao giờ và thời gian sách được thu thập và in ra.

Cũng chính qua tác phẩm mà chúng ta biết được tâm tư và tình cảm của Hải Thượng Lãn Ông, một phần nào cuộc đời và cách suy nghĩ của Hải Thượng. Tác phẩm giúp ta điều kiện tìm hiểu cuộc đời và tâm tư của Hải Thượng Lãn Ông hơn các thầy thuốc khác trước Lãn Ông như Tuệ Tĩnh, tác giả bộ "Nam dược thần hiệu".

Đây cũng là một nét đặc sắc của tác phẩm của Hải Thượng. Khi viết sách Y Dược luôn luôn chú ý cùng với việc trình bày những kiến thức chuyên môn, lồng những suy nghĩ riêng tư của mình. Và có lẽ những suy nghĩ riêng tư ấy, đã đại diện cho những suy nghĩ của phần đông những người cùng nghề cùng cảnh, cho nên trong thời gian Hải Thượng Lãn Ông còn sống, còn dạy học trò thì học trò chẹp lại đầu đủ bất cứ lời nào của ông thầy.

Khi Hải Thượng mất đi, người học trò mất đi, mặc dầu thời gian có hạn, giấy viết cũng có hạn nhưng những người sao chép lại những sách của Hải Thượng vẫn thấy những lời nói lên những suy nghĩ riêng tư ấy là của mình, là một phần không thể thiếu được trong bộ sách nên vẫn chép lại đầy đủ.

Phải chăng đó là lý do làm cho tác phẩm của Hải Thượng tồn tại gần như nguyên vẹn qua gần một thế kỷ sao chép người này qua ta người khác trước khi được Vũ Xuân Hiên, được nhà sư Thanh Cao và nhiều người khác đặt vấn đề thu thập lại, đem khắc in, để phổ biết rộng rãi trong nhân dân, và hiện nay được dịch và in ra cho chúng ta tham khảo áp dụng trong phong trào thừa kế và phát huy vỗn cũ của dân tộc.


Chú thích:

    (2) Quê chính Hải Thượng ở thôn Văn Xã, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương, nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên, về sau Hải Thượng ở quê mẹ, Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh.

    (3) Xưa kia, nhà chùa mỗi khi in kinh phật hay sách thuốc, thường phân bố các nhà sư trong chùa đến từng nhà dân, trình bầy ý nghĩa công việc định làm và xin nhân dân kẻ ít, người nhiều góp tiền, gạo để giúp nhà chùa thực hiện nhiệm vụ.


Theo "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam"

Tác giả: Giáo sư Tiến sĩ khoa học ĐỖ TẤT LỢI


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]