Hỏi đáp

Những ai nên uống trà "lá sen và chó đẻ" để giảm béo?

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 10/09/2014 08:50 SA

Hỏi:

Gần đây tôi thấy một số chị em trong công ty thường dùng lá sen và cây chó đẻ răng cưa, sắc nước uống thay trà để giảm béo. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, uống thường xuyên như vậy có hại gì không???

Nguyễn Minh Phương, Hà Nội

Đáp:

lá sen, sen, hoa sen, ngó sen, cây sen

Sen

Loại trà thuốc giảm béo mà bạn quan tâm, gồm 2 thành phần là lá sen và cây chó đẻ răng cưa.

Để trả lời câu hỏi của bạn, trước hết "Thuốc vườn nhà" xin cần đề cập đến tính năng và tác dụng của các thành phần trong loại trà thuốc đó.

1. Lá sen:

    Theo Đông y: Có vị đắng chát, (khổ sáp) tính bình; quy kinh và 3 kinh Tâm, Can và Tỳ. Có tác dụng thanh thử lợi thấp (chống nắng, tiêu nước), thăng phát thanh dương, chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị thử thấp tiết tả (ỉa chảy do nắng nóng ẩm thấp), huyễn vậng (hoa mắt chóng mặt), phù thũng, đau đầu, thổ huyết, nục huyết (chảy máu mũi), băng lậu, tiện huyết, sản hậu huyết vậng, ...

    Như vậy, lá sen là loại thuốc "công tà" (thuốc tấn công bệnh tà để chữa bệnh), không phải là một loại thuốc bổ. Vì vậy, về vấn đề nghi kỵ, sách thuốc Đông y thường cảnh báo: "Hư giả cấm dụng", nghĩ là người cơ thể suy nhược không sử dụng.

2. Cây chó đẻ răng cưa:

    Thường gọi là "diệp hạ châu", "nhật khai dạ bế", "âm dương thảo", "dạ hợp trân châu", "diệp hòe thái", "lão nha châu", ... tên khoa học là Phyllanthus urinaria L. (Phyllanthus cantoniensis Hornem.), thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

    Trong sách Đông dược, diệp hạ châu được xếp trong loại thuốc "lợi thủy thẩm thấp" (tăng cường đào thải thủy dịch để trừ thấp tà).

    Theo Đông y: Diệp hạ châu có vị đắng, ngọt, tính mát; quy kinh vào 2 kinh Can và Phế. Có tác dụng lợi thấp thoái hoàng, thanh nhiệt giải độc, minh mục, tiêu tích. Chủ trị thấp nhiệt hoàng đản (vàng da do thấp nhiệt), tả lỵ (ỉa lỏng, kiết lỵ), lâm chứng (đái nhỏ giọt đau buốt, ...), mắt đỏ sưng đau, tiểu nhi cam tích, ...

    Về vấn đề nghi kỵ: Đông y cho rằng, diệp hạ châu là thuốc đắng mát, người "dương hư thể nhược" sử dụng cần thận trọng. "Dương hư thể nhược" chỉ loại thể chất đã suy yếu, phần dương khí đã bị hư tổn.

Như vậy: Trà "lá sen và chó đẻ răng cưa" là loại trà thuốc có tác dụng "lợi thủy" và "thanh trừ thấp nhiệt"; có thể sử dụng để chữa trị các chứng bệnh do "thủy ẩm" và "thấp nhiệt" gây nên.

Trở lại vấn đề chữa béo phì.

Trong Đông y: Béo phì được xếp vào loại "bản hư tiêu thực". "Bản hư" có nghĩa là "gốc hư", cơ thể đã suy yếu; "tiêu thực" có nghĩa là triệu chứng, biểu hiện bệnh lý thể hiện rõ ràng ra bên ngoài ("tiêu" = ngọn, bề ngoài).

Nói cách khác, bản chất bệnh là chức năng của cơ thể, chủ yếu là chức năng hấp thụ, tiêu hóa thức ăn, đã suy yếu. Dẫn tới tình trạng các chất cặn bã (đàm ẩm, sản vật bệnh lý), tích đọng lại trong cơ thể, mà sinh ra béo phì.

Như vậy, để chữa béo phì, vấn đề cốt lõi là hoàn thiện, phục hồi chức năng sinh lý của cơ thể. Khi hoạt động sinh lý diễn ra bình thường, chức năng của ngũ tạng lục phủ đã kiện toàn, thì "đàm ẩm" (sản vật bệnh lý) sẽ được đào thảo ra ngoài một cách bình thường, không còn tích đọng lại bên trong cơ thể, gây nên béo phì.

Để dùng thuốc chữa béo phì có hiệu quả, cần tuân theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị". Theo đó, bệnh béo phì được phân chia thành nhiều loại hình (thể bệnh).

Trà "lá sen và chó đẻ răng cưa" chỉ thích hợp với thể bệnh "thấp nhiệt tích đọng" - một thể hay gặp ở những người thường ăn nhiều cao lương mỹ vị, thức ăn béo ngọt, uống nhiều rượu, ... Với những biểu hiện chủ yếu như thân hình to béo, người nặng nề đuối sức, có thể kèm theo đầu choáng mắt hoa, ngực đầy tức ngột ngạt khó chịu; phụ nữ bế kinh hoặc không thụ thai được, rêu lưỡi nhớt hoặc vàng nhớt, mạch huyền hoạt (căng, trơn).

Dùng trà "lá sen và chó đẻ răng cưa" với những thể bệnh khác, không những không có kết quả, mà ngược lại "lợi bất cập hại".

Hiện tại, trên thị trường có bán (sách báo cũng giới thiệu) nhiều loại trà thuốc giảm béo, người bệnh cần căn cứ vào đặc điểm thể chất và bệnh trạng cụ thể, mà chọn dùng loại trà thích hợp.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]