Hỏi:
Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết đường trắng, đường đỏ và đường phèn có khác gì nhau? Người bị bệnh tiểu đường có được dùng đường phèn hay không? Tác dụng chữa bệnh của đường?
Lê Chi, TP Hải Phòng & một số độc giả khác
Đáp:
Đường phèn
Đông y từ xưa đã dùng đường trắng, đường đỏ và đường phèn để làm thuốc.
1. Đường trắng:
- Còn gọi là "đường kính", "bạch đường", "bạch sa đường", "đường sương", ...
- Thành phần chủ yếu là chất đường (chiếm tới 98%); ngoài ra còn có một lượng nhỏ Na-tri (Na), Ka-li (K), Ma-giê (Mg), Kẽm (Zn), ... một số loại vitamin và nguyên tố vi lượng.
- Theo Đông y: Đường trắng có vị ngọt, tính bình. Có tác dụng nhuận phế, sinh tân dịch. Thường dùng chữa ho khan, miệng khát, kém ăn, đau vùng dạ dày.
2. Đường phèn:
- Còn gọi là "băng đường", đường phèn thực chất là đường trắng nấu chảy, đông kết lại cứng như đá, nên có tên là "băng đường".
- Thành phần của đường phèn giống như đường kính trắng, vì vậy đối với người bị bệnh tiểu đường, cũng có những chống chỉ định giống như đường trắng.
- Theo Đông y: Đường phèn có vị ngọt, tính mát. Có tác dụng chống ho, làm tan đờm dãi (chỉ khái thấu, hóa đàm diên).
3. Đường đỏ:
- Còn gọi là "hồng đường", "xích sa đường", "hắc đường", "tử sa đường", "phiến hoàng đường", ... Đường đỏ và đường trắng đều được chế biến từ cùng một nguyên liệu như mía, củ cải đường... nhưng là loại đường mới chế biến thô. Do chưa được tinh chế như đường trắng, nên trong đường đỏ chứa nhiều tạp chất hơn. Vì vậy, trong đường đỏ có nhiều hoạt chất sinh học hơn đường trắng.
- Thành phần cơ bản của đường đỏ giống đường trắng. Hàm lượng đường saccharose trong đường đỏ thấp hơn đường trắng và đường phèn, nhưng lượng đường glucose lại lớn gấp nhiều lần. Ngoài ra, hàm lượng Sắt (Fe), Can-xi (Ca), Man-gan (Mn), Kẽm (Zn), Caroten, Vitamin B2, ... trong đường đỏ cũng cao hơn trong đường trắng và đường phèn.
- Theo Đông y: Đường đỏ có vị ngọt, tính ấm. Có tác dụng chống lạnh, hoạt huyết hành ứ, giảm đau, điều hòa chức năng tiêu hóa, chống nôn mửa,...
Như vậy có thể thấy, tính năng và tác dụng của đường trắng, đường đỏ và đường phèn có nhiều điểm giống nhau, nhưng không thể đồng nhất. Đặc biệt là về mặt hàn nhiệt, đường đỏ tính ấm, đường trắng tính bình, còn đường phèn tính mát. Vì vậy khi sử dụng để chữa bệnh cũng cần lưu ý.
Để thấy rõ hơn, xin giới thiệu một số bài thuốc chữa bệnh cụ thể có dùng đến đường:
(1) Chữa cấm khẩu lỵ (bị bệnh lỵ, không ăn uống được hoặc ăn vào nôn ra ngay): Dùng đường phèn (hoặc đường kính trắng) 25g, ô mai 1 trái; sắc lấy nước đặc, uống liên tục trong ngày.
(2) Chữa viêm gan mạn tính: Dùng đường trắng 1 thìa con, dầu vừng 1 thìa con, trộn đều, uống sau bữa ăn, ngày uống 3 lần, liên tục 30 ngày (1 liệu trình).
(3) Chữa cao huyết áp: Dùng đường phèn, giấm gạo - mỗi thứ 500g; gâm đường phèn trong giấm cho đến khi tan đều, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 chén con.
(4) Chữa ho khan, ho ra máu, ăn uống giảm sút: Dùng đường phèn 50g, hoàng tinh 30g; hoàng tinh rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi nấu cùng với đường phèn cho đến khi hoàng tinh chín nhừ; mỗi ngày uống 2 lần, ăn hoàng tinh và uống nước thuốc.
(5) Chữa phụ nữ thiếu máu, kinh nguyệt rối loạn: Dùng đường đỏ 60g, trứng gà 2 quả; cùng nấu chín, ăn liên tục nhiều ngày sau khi sạch kinh.
(6) Chữa phụ nữ bế kinh: Dùng đường đỏ 60g, đại táo 60g, sinh khương (gừng tươi) 15g; sắc nước uống thay trà trong ngày; uống liên tục đến khi thấy có kinh thì ngừng.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.