Hỏi:
Hiện nay, trong hầu hết các loại "trà dưỡng sinh" thường có cam thảo, nhưng một số loại thuốc thông dụng khác bán trên thị trường lại không thấy có. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết rõ hơn về tác dụng của cam thảo, khi nào nên dùng, khi nào không nên, và uống nhiều cam thảo có tác hại gì không?
Nguyễn Văn Hảo, Mỹ Đức, cùng nhiều độc giả khác
Đáp:
Các kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, cam thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ, tăng trọng lượng và sức dẻo dai của cơ thể, giảm cholesterol, phòng ngừa xơ vữa động mạch, giải độc, bảo vệ gan, giảm đau, chống vi rút, chống viêm, ức chế sự phát triển tế bào ung thư, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, ...
Cam thảo là vị thuốc được Đại danh y Trung Quốc Lý Thời Trân tôn vinh là "quốc lão" - nghĩa là vị thuốc có công lao rất lớn.
Theo Đông y: Cam thảo có vị ngọt, tính bình, không độc. Có tác dụng bổ trung ích khí (xúc tiến tiêu hóa), hóa đàm chỉ khái (tan đờm chống ho), hoãn cấp chỉ thống (giảm đau, giảm co thắt), thanh nhiệt giải độc, điều hòa các vị thuốc.
Tính năng của cam thảo biến đổi tùy theo cách sao chế:
- Nướng lên thì tính ấm; dùng chữa Tỳ Vị hư nhược, kém ăn, bụng đau tiêu chảy, người phát sốt do mệt mỏi, ho do yếu phổi (phế nuy khái thấu), trống ngực, ...
- Dùng sống thì tính hơi mát, có tác dụng thanh nhiệt tả hỏa; dùng chữa yết hầu sưng đau, viêm loét đường tiêu hóa, ung nhọt lở loét, giải độc thuốc và thực phẩm, ...
Cam thảo được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc Đông y, do có tác dụng điều hòa các vị thuốc, kéo dài thời gian tác dụng và làm giảm bớt độ độc của các vị thuốc khác. Cam thảo dùng cùng với thuốc ấm thì bớt nóng, dùng với thuốc mát sẽ bớt lạnh; "bổ" không đột ngột, "tả" không quá mãnh liệt.
Khi muốn cho thuốc có tác dụng nhanh, mạnh, đánh trúng ngay ổ bệnh, ... thì không được cho thêm cam thảo vào thang thuốc. Thí dụ trong các bài thuốc mạnh, dùng để cấp cứu, hoặc khi bệnh đang phát tác mạnh, như "Sâm phụ thang", "Đại thừa khí thang", "Thập táo thang", ... không có cam thảo.
Khi muốn làm giảm bớt sự mãnh liệt và kéo dài tác dụng của thuốc, cần cho thêm cam thảo. Thí dụ, trong các bài thuốc như "Tứ nghịch thang", "Điều vị thừa khí thang", ... lại có thêm cam thảo, để tống "tà độc" đi dần dần, đỡ làm "chính khí" bị tổn thương.
Tóm lại, tác dụng của cam thảo tựa như "cái nắp" úp ở trên bếp lò, khiến cho sức nóng của ngọn lửa đỡ mãnh liệt nhưng lại duy trì được lâu hơn.
Kiêng kỵ:
- Cam thảo có độ độc rất thấp, nhưng dùng lâu có thể sinh phù thũng và tăng huyết áp.
- Cam thảo cũng có thể gây đầy bụng, nên những người bụng trướng đầy do thấp trệ không nên dùng.
- Sách "Bản thảo kinh tập chú" viết: Cam thảo "phản" đại kích, nguyên hoa, cam toại, hải tảo, không được dùng chung.
Liều lượng: Thông thường dùng 3-6g; dùng làm chủ dược (vị thuốc chính trong thang thuốc) 10-30g.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.