Hỏi đáp Thuốc vườn nhà

Món ăn - Bài thuốc chữa chứng huyết áp thấp

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 06/11/2011 08:18 SA

Hỏi:

Báo chí thường viết về những vị thuốc thảo mộc chữa huyết áp cao, nhưng hầu như không thấy nói về những vị thuốc chữa huyết áp thấp. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết, Đông y có những vị thuốc nào có tác dụng chữa huyết áp thấp hay không?

Câu hỏi của nhiều bạn đọc

Đáp:

nhân sâm

Các triệu chứng của bệnh huyết áp thấp trong Y học hiện đại, đã được Đông y đề cập trong phạm vi các chứng "huyễn vậng", "hư lao" và "vựng quyết", từ nhiều thế kỷ trước.

Theo Đông y: Nguyên nhân chủ yếu là do "Dương khí suy yếu", "Âm huyết hư tổn", hoặc "Âm Dương lưỡng hư" (cả phần Âm và phần Dương đều suy yếu) gây nên.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy, các vị thuốc, hoặc thức ăn có tác dụng bổ ích khí huyết, tư âm, trợ dương có thể sử dụng để điều trị huyết áp thấp đạt kết qủa tốt, đồng thời không có tác dụng phụ ngoài sự mong muốn.

Những vị thuốc và thức ăn thường dùng là: Nhân sâm, hoàng kỳ, đông trùng hạ thảo, đảng sâm, mạch môn, long nhãn, nhục quế, đại táo; thịt lợn, thịt dê, thịt bò, thịt gà, các chép, lươn, chim cút, ...

Để tham khảo, "Thuốc vườn nhà" xin giới thiệu một số Món ăn - Bài thuốc tương đối đơn giản, lựa chọn và biên dịch từ sách "Gia đình thực liệu hiệu phương":

    (1) Cháo nhân sâm:

        - Dùng nhân sâm 10g, bạch phục linh 10g, gạo tẻ 40-60g, gừng tươi 10g. Đầu tiên sắc nhân sâm, phục linh và gừng lấy nước bỏ bã, sau đó cho gạo vào nấu đến khi cháo chín, thêm mắm muối và gia vị vào cho vừa miệng, chia thành 2-3 lần ăn trong ngày vào lúc đói bụng.

        - Tác dụng: Chống mệt mỏi, chữa huyết áp thấp, ngoài ra còn có thêm tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng.

    (2) Trà sâm mạch ngũ vị:

        - Dùng nhân sâm 10g (hoặc đảng sâm 20g), mạch môn 12g, ngũ vị tử 12g, sắc 2 nước, chia ra uống trong ngày vào lúc đói bụng. Uống liên tục 15 ngày có thể thấy rõ tác dụng.

        - Tác dụng: Chữa huyết áp thấp, đặc biệt thích hợp với người cao tuổi bị huyết áp thấp.

    (3) Chè nhân sâm liên nhục:

        - Dùng nhân sâm 5g, hạt sen 10 hạt, đường phèn 30g. Trước hết cho sâm và hạt sen (bỏ tâm) vào một cái bát nhỏ, đổ nước sạch vào ngâm cho sâm và sen nở ra. Sau đó đặt lên nồi cơm hấp, hoặc hấp cách thủy 1 giờ. Ăn hạt sen và uống nước thuốc; sâm giữ lại để nấu lần thứ hai. Mỗi ngày ăn 2 lần; lần thứ hai có thể ăn luôn cả sâm. Dùng liên tục 2-3 tháng liền.

        - Tác dụng: Dùng cho những người làm việc trí óc nặng và độ tuổi trung niên bị hạ huyết áp.

    (4) Rượu long nhãn:

        - Dùng long nhãn một lượng thích hợp, cho vào bình, đổ ngập rượu trên mặt thuốc 3-5cm, ngâm ít nhất 2 tuần. Mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-15ml.

        - Tác dụng: Bổ khí huyết, ấm tỳ vị, giúp tinh thần tỉnh táo, dùng thường xuyên có tác dụng dự phòng huyết áp thấp.

    (5) Cháo long nhãn hạt sen:

        - Dùng long nhãn 15g, hạt sen 15g, hồng táo (táo tầu) 5 trái, gạo nếp 30g. Hạt sen bỏ tâm, táo bỏ hạt, cùng với long nhãn, gạo nếp nấu thành cháo. Khi ăn thêm chút đường vào cho đủ ngọt.

        - Tác dụng: Chữa huyết áp hạ thấp, dùng lâu ngày có tác dụng cải thiện thể chất.


Lương y HƯ ĐAN


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]