Dưỡng sinh Ẩm thực liệu dưỡng

Món ăn - Bài thuốc chữa thủy đậu

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 08/06/2014 09:27 SA

ý dĩ

Trong Đông y, "thủy đậu" còn gọi là "thủy bào", "thủy hỷ", "thủy hoa", ... Dân gian thường gọi là "phỏng dạ", "bỏng dạ", "trái dạ", "lên rạ", ...

Thủy đậu là một trong số 4 bệnh hay phát sinh nhất ở trẻ nhỏ, cùng với ma chẩn (sởi), kinh phong và cam tích hợp thành "Nhi khoa tứ đại bệnh", y gia thời xưa gọi tắt là "Ma, đậu, kinh, cam" (ma chẩn, thủy đậu, kinh phong và cam tích).

Thủy đậu thường hay phát sinh ở trẻ nhỏ độ tuổi nhi đồng, nhưng cũng có thể gặp ở thanh thiếu niên và người trưởng thành. Khi phát sinh ở người đã trưởng thành, bệnh trầm trọng hơn, thường kèm theo sốt cao, toàn thân suy nhược nặng và số mụn thủy đậu cũng mọc rất nhiều.

Theo y học hiện đại, thủy đậu là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virut thủy đậu (varicella zoster virus) gây nên. Còn theo Đông y, thủy đậu do một loại "tà độc" phát tác theo thời khí gây nên (có thể hiểu là một loại virut, xuất hiện khi thời tiết biến động dị thường).

Tà độc thâm nhập vào cơ thể theo đường mũi, miệng và rất dễ lây lan. Trẻ nhỏ cũng như người lớn chưa tiêm phòng, khi nhiễm phải thứ tà độc này, rất dễ phát bệnh. Nhưng bệnh phát nặng hay nhẹ lại tùy thuộc vào thể chất của người bệnh. Những đứa trẻ bẩm sinh yếu ớt hoặc người lớn chính khí hư nhược, có thấp nhiệt tích tụ ở bên trong, thường phát bệnh nặng. Những trẻ khỏe mạnh, bệnh chỉ phát nhẹ, chỉ cần kiêng gió và nước lạnh, sau vài ngày là bệnh tự khỏi.

Thủy đậu, nói chung là một bệnh lành tính, không nguy hiểm như bệnh sởi, hoặc bệnh đậu mùa. Trường hợp nhẹ có thể tự khỏi, không cần phải dùng đến thuốc men. Khi khỏi bệnh không để lại sẹo trên da; sau khi các mụn nước đóng vẩy và rụng, chỉ để lại những vết thâm mờ trên da, một thời gian sau, da dần dần trở lại bình thường. Người đã bị thủy đậu một lần, thường không bao giờ mắc lại nữa, vì cơ thể đã tạo được miễn dịch lâu dài.

Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh phát nặng, nếu không giữ gìn và điều trị kịp thời, có thể bị bội nhiễm, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm cầu thận, hoặc lở loét ngoài da. Đặc biệt, nguy cơ xảy ra biến chứng đối với người lớn tuổi bị suy giảm miễn dịch cao gấp 25 lần so với trẻ em, phổ biến nhất là nhiễm khuẩn thứ phát tại các mụn nước bị vỡ, mất nước, viêm phổi và ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương.

Thủy đậu lúc mới phát có những triệu chứng giống như cảm mạo, như phát sốt, đau đầu, ho, hắt hơi, chán ăn, người bứt rứt khó chịu. Sốt thường không cao. Trong quá trình phát sốt, hoặc sau khi phát sốt 1-2 ngày, trên đầu, mặt xuất hiện những nốt chẩn đỏ, sờ tay vào thấy hơi cồm cộm; tiếp đó trên người, rồi ở chân và tay cũng xuất hiện một số nốt chẩn. Nốt chẩn to dần thành những nốt phỏng, trong như giọt sương, chân có viền đỏ. Sau đó nốt phỏng khô dần, ở giữa lõm xuống, rồi đóng vẩy, vài ngày hoặc 1-2 tuần thì rụng; chỉ để lại những vết thâm mờ trên da và một thời gian sau da sẽ trở lại bình thường.

Các nốt thủy đậu không xuất hiện đồng loạt như nốt đậu mùa, mà mọc theo từng đợt. Vì vậy, trên da đồng thời tồn tại những nốt đậu mới mọc, cùng với cả những nốt đã khô, đóng vẩy. Một đặc điểm khác đáng chú ý nữa là, các nốt thủy đậu phân bố trên cơ thể theo kiểu hướng tâm - tập trung chủ yếu ở đầu mặt và trên người, chân và tay đậu mọc thưa hơn, bàn chân và bàn tay càng ít. Đây cũng là dấu hiệu giúp phân biệt với bệnh "tay - chân - miệng", trong đó các nốt phỏng phân bố theo kiểu ly tâm - tập trung chủ yếu ở tay, chân và trong khoang miệng.

Khi bị thủy đậu, ăn uống nói chung cần thanh đạm. Nên sử dụng các loại thức ăn mềm và thức ăn lỏng. Cần kiêng kỵ các loại thức ăn nhiều dầu mỡ; đối với các loại thịt, như thịt gà, thịt vịt, ... cũng cần hạn chế.

Thủy đậu thường kèm theo tình trạng "nhiệt độc uất kết", do đó đối với các loại thức ăn có tính táo nhiệt (khô, nóng), cũng cần hạn chế. Trường hợp có sốt cao, cần uống thêm nước, để bù lại phần nước đã bị hao hụt trong quá trình thân nhiệt tăng cao.

Đối với bệnh thủy đậu, cùng với các vị thuốc Nam, cũng có thể sử dụng một số loại thức ăn có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc lợi thấp để chữa. Tùy theo bệnh tình và điều kiện cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các Món ăn - Bài thuốc dưới đây:

    (1) Canh cá diếc măng tre: Măng tre tươi 50g, cá diếc còn tươi 1 con (khoảng 150g); măng tre bóc vỏ, cá diếc bỏ mang, làm sạch vây và nội tạng, cùng nấu thành món canh; chia ra 2-3 lần ăn hết trong ngày, liên tục 3-5 ngày. Món ăn này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi thấp; thích hợp với giai đoạn đầu của bệnh thủy đậu, có tác dụng kích thích thủy đậu thấu phát ra ngoài, giúp cơ thể đào thải tà độc, mau chóng phục hồi.

    (2) Canh mã thầy đường phèn: Mã thầy 10 củ, gọt bỏ vỏ, thái lát mỏng, đường phèn 30g; thêm lượng nước thích hợp, cùng nấu chín; ăn hết một lần hoặc chia ra ăn trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc; dùng trong giai đoạn thủy đậu đã mọc và bắt đầu đóng vẩy.

    (3) Cháo đậu xanh hoa mai: Hoa mai 15g, lục đậu (đậu xanh) 30g, gạo tẻ 30-50g; sắc mai hoa lấy nước để riêng, đậu xanh và gạo tẻ vo sạch, thêm nước, nấu thành cháo; cháo chín, cho nước sắc hoa mai vào, thêm lượng thích hợp đường phèn hoặc đường kính, trộn đều; chia ra 2 lần ăn trong ngày. Có tác dụng thanh nhiệt thấu biểu, dưỡng âm giải độc; dùng trong trường hợp bệnh thủy đậu nặng. Nếu không có hoa mai, có thể tăng lượng đậu xanh lên 50g, để cả vỏ, vẫn có tác dụng tốt.

    (4) Cháo ý dĩ: Dùng ý dĩ 30g, gạo tẻ 30-60g, nước lượng thích hợp, nấu thành cháo; cháo chín, thêm lượng thích hợp đường phèn hoặc đường kính vào trộn đều; chia ra 2 lần ăn trong ngày, liên tục 3-5 ngày. Có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp; dùng trong trường hợp bệnh thủy đậu có những biểu hiện thấp nhiệt tương đối nặng. Cũng có thể thêm kim ngân hoa 15g, sắc lấy nước, hòa vào cháo ý dĩ sau khi đã nấu chín, để tăng cường tác dụng thanh nhiệt giải độc hóa thấp. Đối với thủy đậu thể nhẹ, nói chung chỉ cần sử dụng một loại cháo này, không cần dùng thêm thuốc men khác.

    (5) Cháo lá tre thạch cao: Dùng trúc diệp (lá tre) 10-15g, sinh thạch cao 15g; 2 thứ sắc lấy nước, bỏ bã, thêm 30-50g gạo tẻ đã vo sạch vào nấu thành cháo; cháo chín thêm lượng thích hợp đườn trắng vào trộn đều, chia ra 2-3 lần ăn trong ngày, liên tục 3 ngày. Có tác dụng thanh giải nhiệt độc còn sót lại; thích hợp với giai đoạn cuối của bệnh thủy đậu, khi đã hết sốt và nốt đậu đã đóng vẩy.

    (6) Cơm nhão trộn thịt nạc: Thịt lợn nạc 30g (xay nhỏ), gạo tẻ 60g; gạo vo sạch nấu thành cơm nhão, cơm chín, trộn thịt nạc vào, nấu cách thủy đến khi thịt chín, thêm đường kính lượng thích hợp vào trộn đều; ăn hết 1 lần hoặc chia 2 lần ăn trong ngày, liên tục 3 ngày. Có tác dụng kiện tỳ ích khí; dùng trong giai đoạn cuối, giúp cơ thể mau chóng hồi phục.


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]