Đau đầu là chứng bệnh rất thường gặp hiện nay, đặc biệt hay xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên (làm công việc đầu óc căng thẳng), các cô gái trẻ và phụ nữ độ tuổi mãn kinh. Bệnh thường phát ra từng đợt, dễ tái phát; khi đau nửa bên trái, lúc đau bên phải; có khi đau kéo xuống mắt, răng; kèm theo hoa mắt, lợm dọng, buồn nôn, ...
Y học hiện đại cho rằng, chứng đau nửa đầu là do sự co thắt dị thường của mạch máu trong não gây nên. Còn Đông y gọi đau đầu là "Bệnh đầu thống" và phân chia thành 2 loại chính "Ngoại thương đầu thống" (đau đầu do tác nhân bên ngoài gây nên) và "Nội thương đầu thống" (đau đầu do những tổn thương ở bên trong cơ thể gây nên).
"Ngoại thương đầu thống" chủ yếu liên quan đến những biến động về thời tiết khí hậu, như mưa bão, gió lạnh, nhiệt độ quá nóng hay quá lạnh, ... Còn "Nội thương đầu thống" chủ yếu liên quan đến các nhân tố thể chất và trạng thái tinh thần (thể chất suy yếu hoặc tinh thần u uất, gây cản trở sự vận hành của khí huyết, khiến cho "kinh mạch", "thanh khiếu" bị bế tắc, mà gây nên đau đầu).
Để chữa trị, cần căn cứ vào chứng trạng biểu hiện cụ thể, để nhận biết loại hình bệnh (thể bệnh), trên cơ sở đó mà sử dụng một số các Món ăn - Bài thuốc theo nguyên tắc "biện chứng thực liệu", như giới thiệu dưới đây:
1. Đau đầu do ngoại cảm:
Đông y gọi đó là "Ngoại thương đầu thống", nghĩa là do tác nhân bên ngoài gây thương tổn cơ thể, mà sinh ra đau đầu. Đau đầu do ngoại cảm thường phát nhanh, phát mạnh, đột ngột, kịch liệt. Để chữa trị, nói chung chỉ cần tập trung vào việc giải trừ các tác nhân gây bệnh, thì chứng đau đầu cũng sẽ tự nhiên hết.
1.1. Phong nhiệt đầu thống - Phong nhiệt tà khí gây đau đầu:
- Các triệu chứng thường thấy: Đầu và mắt trướng đau, có khi cảm giác như "đầu đau muốn vỡ"; sốt nóng, sợ gió, mặt và mắt đỏ, miệng khát muốn uống nước, nước tiểu vàng, đại tiện bí, đầu lưỡi và mép lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch nổi nhanh (phù sác).
- Để chữa trị, có thể dùng các loại trà thuốc có tác dụng "trừ phong thanh nhiệt" dưới đây:
(1) Bài 1: Kim ngân 12g, cỏ mần trầu 12g, lá tre 12g, đậu ván trắng 12g, mạn kinh tử 8g, hoa cúc 8g, bạc hà 6g, cam thảo 6g; sắc với nước uống thay trà trong ngày.
(2) Bài 2: Trường hợp chỉ hơi sốt và nhức đầu nhẹ, mỗi lần pha trà chỉ cần cho thêm vài bông hoa cúc vào cùng hãm với nước sôi; uống vài lần bệnh sẽ khỏi dần dần.
1.2. Phong hàn đầu thống - Phong tàn tà khí gây đau đầu:
- Phong hàn đầu thống thường xuất hiện khi có gió lạnh, đầu đau thường kéo xuống dưới gáy; kèm theo các triệu chứng như sợ lạnh, sợ gió, miệng không khát, rêu lưỡi trắng, ...
- Có thể dùng các Món ăn - Bài thuốc sau để tự điều trị:
(1) Bài 1: Đầu cá 250g, xuyên khung 6g, bạch chỉ 6g, gừng tươi 5 lát; tất cả cho vào nồi nấu nhừ, ăn cá, uống nước canh, bỏ bã thuốc; ăn liên tục trong 3-5 ngày.
(2) Bài 2: Trứng gà 2 quả, xuyên khung 6g, hành 5 củ, gừng tươi 2 lát; tất cả cho vào nồi, thêm nước nấu đến khi trứng chín; bóc bỏ vỏ trứng, cho trứng vào nấu thêm vài phút, ăn trứng và uống nước, liên tục 3-5 ngày.
• Dự phòng đau đầu do ngoại tà, thời tiết thay đổi: Đối với những người dễ bị đau đầu khi thời tiết thay đổi, để dự phòng, cần thêm chút xuyên khung vào nước trà để uống hàng ngày. Kinh nghiệm cho thấy, làm như vậy có tác dụng phòng ngừa và trị liệu khá tốt đối với chứng đau đầu.
2. Đau đầu do nội thương:
Đông y gọi đó là "Nội thương đầu thống" và quy loại vào loại "hư chứng", nghĩa là đau đầu do cơ thể suy yếu (hư nhược) gây nên. Để phòng trị, chủ yếu cần chú trọng tới việc bồi bổ cơ thể, nâng cao "chính khí".
Đau đầu do nội thương có các chứng trạng khác với đau đầu do ngoại cảm: Chứng đau thường phát ra từ từ, trong thời gian dài, đau âm ỉ, khi mệt nhọc thì cơn đau tăng lên.
Dạng bệnh này thường thấy ở những người lao động trí óc tuổi trung niên - do làm việc căng thẳng, nhịp độ khẩn trương, tinh thần không được thoải mái, khiến cho khí huyết không điều hoà sinh ra đau đầu.
Thời gian đau đầu thường kéo dài tới 3-4 ngày, những cơn đau kịch liệt thường xuất hiện từng đợt - lên xuống như làn sóng.
"Nội thương đầu thống" thường gắn liền với chứng bệnh "Can Thận Âm hư" trong Đông y: Âm khí suy tổn khiến cho "hoả khí" xung lên đầu mà gây ra đau.
Để chữa dạng bệnh này, có thể dùng một số Món ăn - Bài thuốc dưới đây:
(1) Thiên ma câu đằng ẩm gia giảm: Thiên ma 10g, thạch quyết minh 30g, đương quy 10g, câu đằng 10g, tang ký sinh (tầm gửi cây dâu) 30g, đỗ trọng 10g, dạ giao đằng (dây hà thủ ô) 30g, phục linh 20g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, nên uống theo từng đợt, mỗi đợt 7-8 ngày; sau vài đợt điều trị bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
Nhiều phụ nữ thường bị đau đầu sau mỗi kỳ hành kinh, điểm đau hay xuất hiện ở vị trí thái dương, xoa nhẹ vào thái dương có cảm giác dễ chịu. Chứng đau này cũng thuộc dạng nội thương. Bệnh thường kéo dài, sau những đợt lao động nặng mức độ đau tăng lên, thân thể có cảm giác đuối sức, nét mặt nhợt nhạt, cơn đau thường phát mạnh vào chiều tối và sáng sớm. Trường hợp này, Đông y thường sử dụng bài thuốc sau đây:
(2) Bát trân thang gia giảm: Hoàng kỳ 30g, sâm 12g, sài hồ 6g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, bạch chỉ 10g, khương hoạt 6g, thục địa 10g; sắc nước uống mỗi ngày 1 thang, nên uống theo từng đợt, mỗi đợt 7-8 ngày.
Với những người bị mắc chứng đau đầu do nội thương, nếu có điều kiện nên tự chế Món ăn - Bài thuốc như sau, có tác dụng dự phòng và hỗ trợ trị liệu khá tốt:
(3) Món ăn - Bài thuốc: Óc lợn 1 cái, thiên ma 10g, thạch quyết minh 15g; cho vào nồi thêm nước vào đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ sẽ thành một thứ "canh đặc", bỏ bã thuốc, chia làm 3 lần ăn trong ngày.
(4) Món ăn - Bài thuốc kinh nghiệm: Thịt lợn nạc 50g, hạ khô thảo 15g; nấu thành canh ăn hàng ngày.
3. Thuốc kinh nghiệm (nghiệm phương):
(1) Củ cải chữa khỏi thiên đầu thống:
- Sách "Thẩm thị lương phương" có ghi lại chuyện chữa bệnh đau nửa đầu cho Vương An Thạch - chính khách nổi tiếng thời Tống như sau: "Họ Vương bị thiên đầu thống đã rất lâu ngày, chữa đủ các danh y mà vẫn không khỏi. Tình cờ, một phương sĩ mách cho cách lấy nước củ cải trộn băng phiến đem nhỏ vào mũi. Họ Vương làm thử, chỉ một lát sau là đầu hết đau".
- Về sau, kinh nghiệm đó đã được các sách thuốc hướng dẫn cụ thể hơn: Lấy củ cải (thứ non càng tốt) giã vắt lấy nước cốt, thêm chút băng phiến; cho người bệnh nằm ngửa và lấy dung dịch trên nhỏ từ từ vào lỗ mũi, đau đầu bên trái nhỏ vào lỗ mũi phải, đau đầu bên phải thì nhỏ vào lỗ mũi bên trái.
- Lưu ý: Chỉ sử dụng loại băng phiến chế từ gỗ cây long não hương (Dryobalanops aromatica Gaertn.), hoặc cây đại bi (Blumea balsamifera DC.). Không sử dụng loại băng phiến chế bằng phương pháp tổng hợp hoá học.
(2) Đu đủ nướng chữa khỏi chứng đau đầu kinh niên: Trong giới người cao tuổi, có lưu truyền bài thuốc gia truyền, đu đủ chín 1 quả (cỡ 6-7 lạng), trứng gà 2 quả, đường kính 2 lạng; cắt phần trên quả đu đủ (làm nắp), dùng thìa lấy hết hạt ở phần dưới, lấy lòng đỏ trứng gà (bỏ lòng trắng) đánh nhuyễn với đường kính cho vào trong quả đu đủ, lấy phần trên đậy kín (lấy tăm hoặc que nhỏ cố định lại), đắp bùn dẻo bên ngoài dầy cỡ 2cm, đặt vào than củi đốt cho đỏ lên (không dùng than đá hoặc bếp điện); để nguội, bỏ đất phần trên, mở nắp xúc ăn hết phần bên trong; cách 2 ngày ăn 1 quả; bệnh nhẹ ăn 2 quả là khỏi, bệnh nặng phải ăn dài ngày hơn; nhiều người áp dụng có kết quả rất tốt.
Tóm lại: Đau đầu là chứng bệnh phức tạp, tuy nhiên, nếu biết cách vẫn có thể phòng trị. Trước hết, cần có thái độ lạc quan, cởi mở; làm việc và nghỉ ngơi có điều độ; tránh làm việc đầu óc quá nặng; cần ngủ đủ; ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất dinh dưỡng; tập thể dục thường xuyên; khi cơn đau xuất hiện cần điều trị kịp thời. Làm được như vậy, bệnh nhất định sẽ khỏi.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.