Trong Y học hiện đại, "Ban xuất huyết" (Purpura) được phân
chia thành hai loại chính, đó là "Ban xuất huyết do máu thiếu tiểu cầu"
và "Ban xuất huyết do dị ứng":
1. Ban xuất huyết do thiếu tiểu cầu (idiopathic thrombocytopenic purura, ITP): Bệnh có thể phát tác nhanh (cấp tính) hoặc chậm nhưng kéo dài (mạn tính), có thể kèm theo sốt, thường xuất hiện ở những vị trí dễ bị cọ xát hoặc đè nén, như mũi, khoang miệng, niêm mạc đường tiêu hóa; dẫn đến hiện tượng chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đại tiện phân lẫn máu, ...
2. Ban xuất huyết do dị ứng (anaphylactoid purura): Thường xuất hiện ở tứ chi, phân bố đối xứng, sát mặt da, thường kèm theo đau bụng, sưng đau khớp xương, viêm thận. Tuy nhiên, đối với cả hai loại ban xuất huyết, hiện tại Tây y vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu.
Trong Đông y, "Ban xuất huyết" gọi là "tử điến" - có nghĩa là nốt ban màu tím đen ("tử" = màu tím, "điến" = nốt ban). Theo Đông y, nguyên nhân dẫn đến ban xuất huyết do thiếu tiểu cầu chủ yếu do bẩm sinh không đầy đủ (tiên thiên bất túc), thể chất yếu ớt, âm dương khí huyết bị hư tổn, chức năng ngũ tạng lục phủ không điều hòa, thận khí không đầy đủ, hoặc do ngoại cảm "phong hàn" hoặc "thấp nhiệt", khiến sự tuần hoàn của huyết dịch bị cản trở, máu từ các mao mạch tràn ra ngoài mà gây nên bệnh.
Giai đoạn đầu, khi mới phát sinh, bệnh thường có những biểu hiện thuộc thể "huyết nhiệt" (theo cách phân loại chứng hậu của Đông y); trong giai đoạn này, để chữa trị có thể sử dụng các phép chữa (trị pháp) như "thanh nhiệt giải độc" và "lương huyết chỉ huyết" (làm mát máu và cầm máu).
Giai đoạn mạn tính, khi bệnh kéo dài lâu ngày, thành mạn tính, thường có những biểu hiện thuộc thể "hư" (suy yếu); chủ yếu là "âm hư hỏa vượng" (phần âm hư tổn, dương hỏa quá thịnh) hoặc "tỳ thận dương hư" (chức năng của tạng tỳ và tạng thận suy yếu). Để chữa trị có thể sử dụng các phép chữa như "chỉ huyết", "tư âm giáng hỏa", hoặc "ôn bổ tỳ thận".
Thực tế lâm sàng cho thấy, điều trị ban xuất huyết bằng ẩm thực liệu pháp, theo các nguyên lý của Đông y có nhiều ưu điểm. Có hiệu quả lâu dài và rõ ràng, lại ít gây nên những tác dụng phụ ngoài sự mong muốn. Tuy nhiên, muốn có kết quả tốt, cần nhận biết chính xác thể bệnh, trên cơ sở đó chọn dùng những vị thuốc, hay món ăn thích hợp nhất với từng thể bệnh. Vì vậy, tốt nhất, khi có bệnh, cần tìm đến những phòng khám Đông y có uy tín, để được các thầy thuốc khám bệnh và hướng dẫn dùng thuốc cụ thể.
Trong điều kiện gia đình, bạn có thể căn cứ vào những biểu hiện cụ thể, mà chọn dùng một số Món ăn - Bài thuốc tương ứng, theo phương pháp biện chứng luận trị như sau:
1. Thể huyết nhiệt:
- Biểu hiện: Bệnh phát nhanh, dưới da đột nhiên xuất hiện những nốt ban đỏ tía; kèm theo miệng khát, mặt đỏ, người bồn chồn không yên; tiểu tiện sẻn đỏ, đại tiện táo; nặng thì tiểu tiện có lẫn máu, phát sốt, sợ gió lạnh, họng đau, bụng đau, khớp xương sưng đau. Chất lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi vàng, mạch sác (đập trên 90 lấn/phút).
- Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Cháo đậu xanh ý dĩ: Đậu xanh để cả vỏ 50g, hạt ý dĩ (bo bo) 30g; đậu xanh và ý dĩ vo sạch, cho vào nồi đất, đổ một lượng nước thích hợp, đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa cho đến khi đậu xanh và ý dĩ chín nhừ; chia ra 2 lần ăn trong ngày, ăn khi còn ấm, nếu nguội cần hâm lại.
(2) Canh sừng trâu đậu phụ: Sừng trâu 50g, đậu phụ 500g; sừng trâu cưa nhỏ hoặc đập vụn, cho vào nồi đất, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng nửa giờ, cho đậu phụ vào nấu thêm khoảng 15 phút nữa, thêm mắm muối cho hợp khẩu vị là được; ăn đậu phụ và uống nước canh.
2. Thể âm hư hỏa vượng:
- Biểu hiện: Nốt ban có lúc xuất hiện có lúc không; lòng bàn chân bàn tay nóng, da hâm hấp nóng hoặc sốt cơn về chiều; nằm ngủ hay ra mồ hôi trộm; họng khô, buồn bực, đại tiện táo, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch nhỏ nhanh (tế sác).
- Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Nước ép ngó sen: Dùng ngó sen tươi 1000g
(rửa sạch, thái chỉ), củ mã thầy tươi 500g (rửa sạch, gọt bỏ vỏ, thái
vụn), sinh địa tươi 120g (rửa sạch); tất cả cho vào máy xay trái cây ép
lấy nước cốt (nếu không có máy thì bọc vào vải sạch, giã vắt lấy nước);
chia 5-6 lần uống trong ngày, mỗi lần 20ml.
(2) Miết giáp bách bộ ẩm:
Miết giáp (mai ba ba) 25g, củ bách bộ 15g; miết giáp đập vụn, cho vào
nồi đất, thêm nước, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa trên 1 giờ, cho
củ bách bộ vào nấu tiếp khoảng 30 phút nữa là được; chắt lấy nước chia 2
lần uống vào buổi sáng và buổi tối, liên tục 1 tháng.
3. Thể tỳ thận dương hư:
- Biểu hiện:
Bệnh kéo dài lâu ngày, lúc giảm lúc tăng; nốt ban sắc tối nhợt hoặc như
nốt muỗi đốt, người uể oải, đuối sức, sắc mặt nhợt nhạt, da khô xạm,
kém ăn, đại tiện phân lỏng hoặc sống phân. Chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi
trắng mỏng, mạch nhỏ yếu.
- Tùy theo điều kiện cụ thể, có thể sử dụng Món ăn - Bài thuốc dưới đây để chữa:
(1) Chè long nhãn:
Dùng long nhãn 15g, táo tàu 10g, lạc nhân (chú ý để nguyên cả vỏ lụa,
không vứt bỏ) 50g; nấu thành món chè, chia ra 2 lần ăn trong ngày.
(2) Cháo xương dê:
Xương chân dê 300g, táo tàu 10 trái, gạo nếp 30-50g; xương dê rửa sạch,
chặt nhỏ, táo bỏ hạt, gạo nếp vo sạch; dùng nồi đất nấu xương dê khoảng
1 giờ (đun sôi sau đun nhỏ lửa), chắt lấy nước bỏ xương, cùng với táo,
gạo nếp nấu cháo, chia ra ăn 2 lần sáng tối.
(3) Cháo táo tàu đậu ván: Táo tàu 500g, đậu ván trắng 300g, có thể thêm chút gạo nếp; tất cả vo rửa sạch, nấu cháo ăn trong các bữa chính.
(4) Phòng kỷ ô mai ẩm:
Phòng kỷ 6g, ô mai 6g, táo tàu 10 trái, cam thảo 3g, rau dền tươi 30g;
rau dền bỏ gốc rễ, rửa sạch đất cát, cùng với các vị thuốc cho vào ấm
đất, đổ ngập nước trên mặt thuốc 3-4cm, đun to lửa cho sôi, sau đó đun
nhỏ lửa thêm 15 phút; chắt nước chia ra uống trong ngày.
Lương y HUYÊN THẢO
(Bài đã đăng trên tạp chí "Dược & Mỹ Phẩm" của Cục Quản lý dược - Bộ y tế)
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.