Mỡ máu cao (hyperlipemia) chỉ tình trạng quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể bị rối loạn, khiến nồng độ của một hoặc nhiều thành phần mỡ trong huyết thanh máu cao hơn mức bình thường. Chủ yếu là, cholesterol, triglyceride, lipoprotein "xấu" (LDL) tăng cao, còn lipoprotein "tốt" (HDL) lại bị giảm thiểu. Do mỡ trong huyết thanh máu thường kết hợp với protein, nên mỡ máu cao còn thường gọi là "tăng lipoprotein máu" (hyperlipoproteinemia).
Sen
Bệnh mỡ máu cao trong Tây y, có những biểu hiện tương tự như các chứng "đàm thấp", "trọc trở", ... trong Đông y truyền thống.
Theo quan niệm của Đông y học:
Nguyên nhân dẫn đến mỡ máu cao, chủ yếu do chức năng của ngũ tạng lục
phủ bị rối loạn, quá trình vận hóa (hấp thu, chuyển hóa và phân bố) các
chất tinh vi từ thức ăn (các chất dinh dưỡng) bị rối loạn, tạo thành
những sản vật bệnh lý, như "đàm trọc", "ứ huyết", ... khiến cho hàm
lượng mỡ trong máu cao hơn bình thường.
Mỡ máu cao liên quan
mật thiết tới chế độ, phương thức ăn uống. Do đó điều tiết ẩm thực, có
vai trò rất quan trọng trong dự phòng cũng như chữa trị mỡ máu cao.
Những năm gần đây, các nghiên cứu về "Ẩm thực liệu pháp" - dùng các loại thức ăn, kết hợp với một số vị thuốc thông dụng, để phòng ngừa và chữa trị mỡ máu cao, tiến triển rất nhanh.
Để nâng cao hiệu quả trị liệu, "Ẩm thực liệu pháp" trong Đông y thường được triển khai theo nguyên tắc "Biện chứng thi thực",
nghĩa là căn cứ vào chứng trạng cụ thể để xác định "chứng hình", thường
gọi là "thể bệnh", rồi căn cứ và thể bệnh mà chọn dùng các Món ăn - Bài
thuốc thích hợp.
Trên lâm sàng, việc sử dụng các Món ăn - Bài thuốc theo nguyên tắc "Biện chứng thi thực" thường được triển khai theo 3 phương án sau:
1. Tỳ vị thất điều:
• Biểu hiện lâm sàng:
Tỳ vị thất điều (chức năng tiêu hóa mất điều hòa), khiến "đàm thấp ấp
nội úng" - sản vật bệnh lý của quá trình trao đổi chất ứ đọng lại, dẫn
tới những chứng trạng như thân hình phì nộn, váng đầu, hoa mắt, ngực
ngột ngạt, bụng đầy trướng, lợm giọng buồn nôn, ăn ít, tiêu hóa kém; kèm
theo người mệt mỏi, chân tay tê bì, nặng thì chân tay bải hoải, đại
tiện phân lỏng loãng. Lưỡi phình to, thường có vết răng; rêu lưỡi nhớt;
mạch tượng huyền hoạt.
• Phép chữa : Kiện tỳ tiêu thực, hóa thấp trừ đàm.
• Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu (Kiện tỳ ẩm):
- Nguyên liệu: Quất bì (vỏ quít) 10g, hà diệp (lá sen) 15g, mạch nha 15g, đường trắng lượng thích hợp.
- Cách chế biến và sử dụng:
Quất bì và lá sen thái sợi, cùng với mạch nha sắc với 500ml nước, đun
to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 30 phút; chắt lấy nước, hòa thêm
đường trắng; chia ra uống thay trà trong ngày; liên tục 15-20 ngày (1
liệu trình).
- Tác dụng: Vỏ quít là
vị thuốc "kiện tỳ" (xúc tiến chức năng tiêu hóa "kinh điển"). Nghiên cứu
hiện đại cho thấy, hoạt chất trong vỏ quít có tác dụng kích thích dạ
dày tăng tiết dịch vị, tiêu trừ tích trệ trong đường ruột và làm giản
cholesterol trong huyết thanh máu. Lá sen có tác dụng làm giảm mỡ máu và
giảm béo; lại có khả năng giải trừ các chứng trạng như ngực bụng trướng
đầy, lợm, giọng buồn nôn, chân tay bải hoải, ... Mạch nha cũng là vị
thuốc kiện tỳ tiêu thực kinh điển, đồng thời cũng có tác dụng tốt đối
với hệ tim mạch. Các vị thuốc kết hợp với nhau, tạo nên một loại nước
uống có tác dụng kiện tỳ tiêu thực, hóa thấp, trừ đàm rất tốt. Rất có
lợi đối với người bị mỡ máu cao thuộc thể "Tỳ vị thất điều".
2. Can thận bất túc:
• Biểu hiện lâm sàng:
Can âm và thận âm bất túc, "hư dương" bốc lên trên, dẫn tới các triệu
chứng như váng đầu, hoa mắt, miệng đắng, tai ù; kèm theo lưng ê ẩm, chân
tay không có sức, đầu gối yếu mỏi, mất ngủ, hay quên, tóc sớm bạc, tinh
thần uể oải, người mệt mỏi, động tác chậm chạp. Chất lưỡi đỏ nhạt, rêu
lưỡi ít. Mạch tượng trầm tế, hoạt.
• Phép chữa: Tư dưỡng can thận, liễm âm tiềm dương.
• Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu (Cháo cỏ mực rau cần):
- Nguyên liệu: Rau cần cạn 300g, cỏ mực 20g, hồng táo (táo tàu) 30g, ngạnh mễ (gạo tẻ) 30-50g.
- Cách chế biến và sử dụng:
Cỏ mực rửa sạch, thái ngắn, dùng vải gạc bọc lại; hồng táo rửa sạch, bỏ
hạt; rau cần rửa sạch, thái ngắn; cùng với gạo tẻ đã vo sạch; cho vào
nồi, thêm lượng nước thích hợp, nấu thành cháo; cháo chín, vớt cỏ mực
ra; thêm đường cho đủ ngọt, chia ra ăn trong ngày; sử dụng liên tục
trong 1 tháng (1 liệu trình).
- Tác dụng:
Cỏ mực (cỏ nhọ nồi) là vị thuốc bổ âm kinh điển trong Đông y. Cỏ mực có
vị ngọt, chua; tính mát; vào các kinh Can và Thận; có tác dụng tư âm
(bổ âm), bổ can thận, lương huyết (mát máu), chỉ huyết (cầm máu), làm
đen râu tóc, ... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cỏ mực có tác dụng bảo vệ
tế bào và cải thiện chức năng của gan, thận. Rau cần có tác dụng thanh
nhiệt, bình can, tức phong, ... Rau cần là "vị thuốc" có tác dụng tốt
đối với hệ tim mạch; thường sử dụng để hỗ trợ trị liệu trong các bệnh mỡ
máu cao, cao huyết áp, đái tháo đường, .... Hồng táo và gạo tẻ đều là
những vị thuốc có tác dụng kiện tỳ ích khí; chủ trị tỳ vị suy yếu, khí
huyết không đầy đủ, ... Kết hợp lại, tạo thành một món cháo có tác dụng
kiện toàn chức năng can, thận và tỳ vị. Có tác dụng hỗ trợ rất tốt đối
với người mỡ máu cao thuộc thể "Can thận âm hư".
3. Khí trệ huyết ứ:
• Biểu hiện lâm sàng:
Khí trệ huyết ứ, khí huyết lưu thông kém, dẫn tới những chứng trạng như
sắc diện đen sạm, ngực sườn đầy tức, da khô bong vẩy, đau cố định ở một
số vị trí, đầu ngón chân ngón tay tê dại; kèm theo người bồn chồn, ngực
ngột ngạt, mất ngủ hay quên, dễ cáu giận, hay thở dài. Chất lưỡi tím
đen, hai bên đầu lưỡi có điểm ứ huyết hoặc ứ ban. Mạch tượng tế sáp hoặc
trầm sáp, hoãn.
• Phép chữa: Hoạt huyết hóa ứ, lý khí giải uất.
• Món ăn - Bài thuốc tiêu biểu (Cháo sơn tra táo nhân):
- Nguyên liệu: Sơn tra 15g, toan táo nhân (nhân táo chua) 16g, ngạnh mễ 30-50gg, đường trắng lượng thích hợp.
- Cách chế biến và sử dụng:
Sơn tra và toan táo nhân cùng sắc, chắt lấy nước bỏ bã; cho gạo đã vo
sạch vào nấu cháo; cháo chín thêm đường vào, đun thêm một chút nữa là
được; chia ra ăn 2 lần sáng tối, ăn nóng; sử dụng liên tục 25-30 ngày (1
liệu trình).
- Tác dụng: Sơn tra được sử dụng trong cả Đông y và Tây y. Tây y coi sơn tra là một vị thuốc có tác dụng chủ yếu trên hệ tim mạch, và giảm đau, an thần. Đông y coi sơn tra là vị thuốc hỗ trợ tiêu hóa thiết yếu, nhất là tiêu hóa các loại thịt; dùng chữa thức ăn tích trệ, khí huyết ứ trệ, ... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, sơn tra có tác dụng làm hạ cholesterol máu, làm mạnh tim, giãn mạch máu, hạ huyết áp, ... Toan táo nhân có tác dụng dưỡng tâm ích can, an thần; chủ trị huyết hư tâm quý (trống ngực, tim loạn nhịp), hay quên, mất ngủ, chóng mặt hoa mắt, ... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài tác dụng an thần, ức chế thần kinh trung ương, toan táo nhân còn có tác dụng tốt đối với tim mạch (giảm mỡ máu, hạ huyết áp, ức chế sự ngưng tập tiểu cầu, chống thiếu máu cơ tim và xơ vữa động mạch). Như vậy, cháo sơn tra táo nhân, vừa có tác dụng chữa khí trệ huyết ứ, vừa có thể khắc phục các chứng trạng liên quan đến hệ thần kinh, là loại thức ăn tốt đối với người bị mỡ máu cao thể "Khí trệ huyết ứ".
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.