Dưỡng sinh Ẩm thực liệu dưỡng

Món ăn - Bài thuốc ích trí, bổ não

Nguồn tin:  Thuốc vườn nhà
Cập nhật: 18/05/2012 10:15 SA

Đạt tới sự thông minh tài trí vốn là một trong những khát vọng lớn nhất của loài người. Ngay từ thời xa xưa, các thầy thuốc phương Đông đã từng đi những bước đầu tiên trên con đường thực hiện hoài bão lớn lao đó.

Như trong "Thần nông bản thảo kinh" (bộ sách thuốc đầu tiên của Đông y), ghi chép tác dụng của 365 vị thuốc, trong số đó có đến 49 vị thuốc có tác dụng tăng cường trí óc (thuốc ích trí). Ví dụ, "viễn trí" có khả năng làm cho tai thính mắt tinh, mạnh trí, chống quên; "nhân sâm" có tác dụng khai tâm ích trí, an tinh thần, định hồn phách, ...

Đặc biệt, trong số 49 vị thuốc ích trí đó, có tới 23 vị thuốc (chiếm 47%) chính là những thức ăn hàng ngày! Nay chỉ xin giới thiệu một vài Món ăn - Bài thuốc tương đối đơn giản, có thể áp dụng ngay trong điều kiện gia đình.

cá trắm, cá trắm đen

• Các món cá:

    Cá được khoa học coi như "lương thực của bộ óc". Cá có thể chế biến theo nhiều cách, nhưng để bổ não tốt nhất nên nấu thành các món canh, món hấp hoặc món hầm.

    (1) Canh cá chép bí đao:

        - Nguyên liệu: Cá chép 1 con, bí đao 1kg; đường, rượu, gừng, hành, dầu lạc, hồ tiêu, gia vị, ... - mỗi thứ một ít.

       - Chế biến: Bí đao đem rửa sạch, thái lát; cá chép cạo bỏ vẩy, bỏ mang và nội tạng, đem rán trong dầu lạc cho đến khi chuyển sang màu vàng nhạt; sau đó cho thêm nước, bí đao, đường, rượu, gừng, hành vào nấu cho đến khi chín kỹ; lấy hành và gừng ra, trộn thêm chút hồ tiêu và gia vị là được.

    (2) Cá trắm hấp:

        - Nguyên liệu: Cá trắm tươi 1 con (khoảng 500g); gừng, đường, muối iôt, dầu lạc, tỏi, xì dầu, ... - mỗi thứ một ít.

        - Chế biến: Cá bỏ mang và nội tạng (cá cái giữ lại trứng, cá đực giữ lại tinh nang), rửa sạch, lấy chút muối sát đều, khoảng 5 phút sau rửa sạch muối rồi đặt cá lên một chiếc đĩa to, phủ gừng thái lát lên trên; xì dầu, tỏi và đường cho vào một cái bát con đặt lên mình cá; tất cả cho vào nồi hấp chín; chắt lấy nước cốt từ đĩa cá, bỏ gừng và rắc hồ tiêu lên; trộn nước cốt với xì dầu trong bát con, thêm chút dầu lạc vào đun sôi, rồi tưới lên thân cá là được.

vừng đen

• Các món vừng:

    Vừng được khoa học xếp vào 1 trong số 8 loại thức ăn chủ yếu có tác dụng bổ não và tăng cường trí lực.

    (1) Bột vừng ngó sen:

        - Nguyên liệu: Vừng đen, ngó sen, gạo tẻ, sơn dược khô (củ mài) - mỗi thứ 500g.

        - Chế biến: Tất cả đem sấy khô, sao vàng, tán mịn, trộn đều, cho vào lọ nút kín để dùng dần; ngày dùng 2-3 lần, mỗi lần khoảng 30g, hòa với nước sôi, trộn thêm chút đường cho đủ ngọt.

        - Tác dụng: Bổ não, chữa chứng đầu óc mệt mỏi, hay quên, kém ăn, chân tay ngại cử động.

    (2) Cá rán tẩm vừng:

        - Nguyên liệu: Cá nạc 600g, vừng đen 100g, trứng gà 4 quả; bột mì, hành, gừng, hồ tiêu, rượu, dầu lạc, dầu vừng, ... - mỗi thứ một ít.

        - Chế biến: Cá bỏ da, thái thành miếng nhỏ; vừng đãi sạch để cho khô nước; hành thái thành đoạn ngắn; muối, hành, gừng, hồ tiêu, dầu vừng trộn đều với rượu, cho cá đã thái vào ngâm, khoảng nửa tiếng sau lấy cá ra, bao một lớp bột mì mỏng, tưới nước trứng đã trộn đều lên trên, sau đó rắc vừng lên hai mặt; đổ dầu lạc vào chảo, đun cho dầu chín kỹ rồi cho cá vào rán nhỏ lửa, khi cá chín thì vớt bầy lên đĩa.

        - Tác dụng: Đây là món ăn ngon, có tác dụng bổ não, ích trí. Có thể áp dụng cho mọi độ tuổi.

    (3) Rượu vừng bổ não:

        - Nguyên liệu: Vừng đen 1000g, ý dĩ 1000g, can địa hoàng (củ sinh địa khô) 250g.

        - Chế biến: Tất cả cho vào trong túi vải ngâm với 3 lít rượu thấp độ, nút kín, ngâm trong 5-7 ngày là có thể dùng được; mỗi ngày uống 2-3 lần, uống lúc đói bụng, mỗi lần 1 chén con.

        - Tác dụng: Chữa chứng hay quên, mệt mỏi, chân tay không có sức, lưng đau gối mỏi.

trứng chim cút

• Thịt và trứng chim cút:

    Theo phân tích của các nhà dinh dưỡng, hàm lượng protein trong thịt chim cút cao hơn trong thịt gà khoảng 20%; hàm lượng các sinh tố (A, B, C, D, E, K) cũng cao hơn thịt gà. Đặc biệt, hàm lượng cholesterol trong trứng chim cút lại thấp hơn trứng gà và trong trứng chim cút còn chức cả rutin, cephalin và một số kích thích tố cần thiết cho hoạt động của não.

    (1) Canh chim cút long nhãn:

        - Nguyên liệu: Chim cút 2 con, đậu đỏ (xích tiểu đậu) 30g, long nhãn 10g, gừng 3g.

        - Chế biến: Chim cút bỏ lông và nội tạng; cho đậu đỏ (xích tiểu đậu), long nhãn, gừng, nước vào nấu chín; ăn liên tục trong nhiều ngày.

        - Tác dụng: Tăng cường tiêu hóa, chữa chứng hay quên (kiện vong).

    (2) Canh đỗ trọng chim cút:

        - Nguyên liệu: Chim cút 2 con, kỷ tử 30g, đỗ trọng 15g.

        - Chế biến: Chim cút bỏ lông và nội tạng; cho kỷ tử, đỗ trọng, nước vào đun kỹ; uống nước cốt và ăn thịt chim cút; nếu có điều kiện, nên thường ăn món này.

        - Tác dụng: Bổ can thận, mạnh gân cốt, ích trí não. Thích hợp với những người lưng và gối hay đau nhức, thường váng đầu, ngại suy nghĩ, hay quên.

    (3) Trứng chim cút luộc với hà thủ ô và sinh địa:

        - Nguyên liệu: Trứng chim cút 2-5 quả, hà thủ ô 30g, sinh địa 15g, nước khoảng 600-700ml.

        - Chế biến: Tất cả cho vào nồi đun đến khi trứng chín; lấy trứng ra bóc bỏ vỏ rồi lại cho vào nồi đun thêm một lát; ăn trứng và nước chia ra 2 lần uống; hàng ngày hoặc cách một ngày ăn và uống 1 lần.

        - Tác dụng: Chữa suy giảm trí nhớ, đầu váng, tai ù, tóc bạc sớm, già trước tuổi.

    (4) Chim cút nấu với hoàng kỳ:

        - Nguyên liệu: Chim cút 2 con, đảng sâm 20g, hoàng kỳ 20g, gừng tươi 3g.

        - Chế biến: Chim cút bỏ lông và nội tạng; cho đảng sâm, hoàng kỳ, gừng tươi, nước vào nấu chín; ăn thịt chim và uống nước; có thể thêm hành và gia vị cho vừa khẩu vị.

        - Tác dụng: Chống chứng hay quên ở người già; chống mệt mỏi, không muốn ăn uống, đại tiện lỏng; dùng để bồi dưỡng cho phụ nữ mới sinh nở hoặc người mới khỏi bệnh đang trong thời kỳ hồi phục.

nhãn, long nhãn

• Cháo long nhãn:

    - Nguyên liệu: Cùi nhãn 20-30g, hồng táo (táo tàu) 10 quả, gạo tẻ 50g, đường trắng vừa đủ ngọt.

    - Chế biến: Nhãn bóc bỏ vỏ và hạt chỉ lấy cùi, cùng với táo và gạo tẻ đem nấu thành cháo; ăn khi cháo còn nóng, mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục trong 2 tuần.

    - Tác dụng: Dưỡng tâm, an thần, kiện tỳ, bổ huyết, ích trí. Sách "Lão lão hằng ngôn" viết: Cháo long nhãn có tác dụng bổ tỳ vị, dưỡng tâm ích trí, thông thần minh, yên ngũ tạng, hiệu quả rất lớn; thích hợp với chứng "Tâm tỳ lưỡng hư" (tạng Tâm và tạng Tỳ suy yếu), mất ngủ, hay quên, thiếu máu, tỳ hư tiết tả (ỉa chảy do chức năng tiêu hóa suy giảm), thể chất suy yếu, không thể suy nghĩ lâu, uống lâu có tác dụng ích trí.

khiếm thực

• Cháo khiếm thực:

    - Nguyên liệu: Khiếm thực 30g, gạo tẻ 50g.

    - Chế biến: Khiếm thực bóc bỏ vỏ, cùng với gạo tẻ đem nấu thành cháo; mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục trong 2 tuần.

    - Tác dụng: Bồi bổ tinh tủy, dưỡng tâm an thần, mạnh ý chí, thính tai, sáng mắt. Chủ trị người bẩm sinh yếu ớt hoặc do làm lụng mệt nhọc quá sức dẫn đến chứng hồi hộp, trống ngực, hay quên, mệt mỏi đuối sức, tai ù đầu choáng, không tập trung được tư tưởng. Danh y Vương Hảo Cổ nói: "Cháo gạo tẻ nấu cùng khiếm thực có tác dụng ích tinh cường trí, thính tai, sáng mắt".


Lương y HUYÊN THẢO


Xin vui lòng ghi rõ nguồn "Thuốc vườn nhà - http://www.thuocvuonnha.com" khi phát hành lại thông tin.


Tuyên bố trách nhiệm:
Thông tin trên thuocvuonnha.com chỉ phục vụ nghiên cứu học tập và mở rộng kiến thức. Không sử dụng làm căn cứ để tiến hành chẩn trị trên lâm sàng. Thông tin trên thuocvuonnha.com có thể được trích dẫn, thu thập từ các ấn phẩm, các trang tin điện tử liên quan trong nước và ngoài nước. Nếu phát sinh vấn đề bản quyền, kính đề nghị phản hồi cho chúng tôi.

Viết bình luận

Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.

  Đơn vị bảo trợ thông tin

ĐỐI TÁC - LIÊN KẾT
[ Lên đầu trang ]