Nhãn
1. Thực dụng và dược dụng
Nhãn và vải đều là những thức ăn "thực dược lưỡng dụng". Đều là những loại trái cây ngon, giầu chất dinh dưỡng và đều có thể sử dụng để làm thuốc. Tuy nhiên, để phát huy đầy đủ những tác dụng tốt và hạn chế những các tác dụng xấu, khi sử dụng nhãn và vải làm thực phẩm cũng như làm thuốc, chúng ta nên biết thêm về sự khác biệt giữa hai loại quả này, cũng như tìm hiểu thêm một số vẫn đề liên quan.
Trước hết, về mặt thực vật, vải và nhãn đều là những cây gỗ cao, cùng thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae). Bộ phận được sử dụng làm thực phẩm hay làm thuốc bổ đều dùng "áo hạt", thường gọi là "cùi". Vị thuốc "cùi vải" (arillus litchi) trong Đông y gọi là "lệ chi nhục", còn "cùi nhãn" (arillus longanae) gọi là "long nhãn nhục".
Trái vải thu hoạch chủ yếu trong mùa hè, thường từ tháng 5 đến tháng 6. Còn trái nhãn thu hoạch từ cuối hè và trong mùa thu.
Thời trước, khi chưa có sự can thiệp của công nghệ sinh học, trái nhãn chín rộ vào tháng 8 Âm lịch. Tháng 8 Âm lịch có tên là "quế" (quế nguyệt), trái nhãn lại hình tròn (viên), nên trong các đơn thuốc Đông y, rất thường hay sử dụng tên "quế viên" để chỉ "cùi nhãn".
Mùa nhãn tiếp ngay sau mùa vải, nên thời xưa nhãn còn có biệt danh là "lệ chi nô" - nghĩa là người hầu cận theo sau chủ nhân ("lệ chi" là quả vải, "nô" là người hầu cận). Tuy có thân phận là "kẻ theo hầu", nhưng về dược tính, nhãn lại được đánh giá cao hơn vải.
Sách "Bản thảo Cương mục" của Lý Thời Trân viết: Về mặt thực phẩm, nhãn đứng sau vải, nhưng về mặt bổ dưỡng thì nhãn có tác dụng tốt hơn, vì quả vải có tính nhiệt còn long nhãn có tính bình hòa. Tác dụng bổ dưỡng của cùi vải tương tự như cùi nhãn, chỉ có đối tượng sử dụng là khác nhau: Người tạng hàn thì nên dùng vải, còn người có tạng nhiệt nên dùng long nhãn.
Chính vì vải tươi có tính nhiệt, nên khi dùng làm thuốc, chủ yếu là sử dụng vải đã phơi hoặc sấy khô. Vải đã phơi khô tính vị sẽ trở nên bình hòa hơn, chỉ bổ ích mà không làm thương tổn, không trợ hoả và không sinh nhiệt như quả tươi.
2. Món ăn - Bài thuốc có cùi vải, cùi nhãn
(1) Tăng cường sinh lý: Dùng cùi vải tươi 1000g, rượu trắng 1000ml; ngâm khoảng 10-15 ngày, là có thể sử dụng; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 10ml, liên tục nhiều ngày; có tác dụng bổ dương, chữa dương nuy (rối loạn cương dương - ED), tảo tiết (xuất tinh sớm), tinh thần uể oải và lưng gối đau mỏi.
(2) Ngũ canh tả: Dùng cùi vải khô 5-7 quả, gạo lúa xuân 1 nắm, cùng nấu cháo ăn hàng ngày; có thể thêm hoài sơn (củ mài) hoặc hạt sen - mỗi thứ 10-15g, cùng nấu cháo, tác dụng càng tốt.
"Ngũ canh tả" - tiêu chảy lúc canh 5: Là bệnh thường gặp ở người già, do dương khí hư tổn. Chứng trạng chủ yếu: Sáng sớm (ngũ canh) tỉnh dậy là đau bụng, phải đại tiện ngay.
(3) Cải thiện vòng 1 ở nữ giới: Dùng vải khô 15 trái, hạt sen 30g, củ mài 30g, thịt lợn nạc 200g, gạo tẻ 30-50g; nấu cháo ăn vào buổi sáng và buổi tối, mỗi tuần ăn 2-3 ngày; thường xuyên sử dụng có tác dụng cải thiện vòng 1 rõ rệt.
(4) Rượu trường thọ: Dùng long nhãn nhục 250g, kỷ tử 100g, cúc hoa 50g, đương quy 50g, toan táo nhân 30g; ngâm với 3 lít rượu trắng, sau 1 tháng có thể đem ra uống; ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén con; có tác dụng bồi bổ khí huyết, kéo dài tuổi thọ, chữa suy nhược do lao động trí óc quá độ, dẫn đến các triệu chứng như tim đập dồn dập loạn nhịp, mất ngủ, hay quên, mệt mỏi, không muốn ăn uống, đại tiểu tiện xuất huyết, ...
(5) Chữa thiếu máu:
(5.1) Cháo long nhãn hạt sen: Long nhãn 10g, hạt sen 10g, gạo tẻ 50g; nấu cháo ăn hàng ngày, liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình), nghỉ 3-5 ngày rồi tiếp tục 1 liệu trình khác.
(5.2) Canh long nhãn lạc nhân: Long nhãn 10g, lạc nhân (liền cả vỏ lụa) 15g; nấu canh ăn hoặc sắc uống thay nước trà; mỗi ngày một tễ (1 thang).
(5.3) Canh long nhãn gan lợn: Long nhãn 15g, đại táo (táo tàu) 10g, gan lợn 100g; gan lợn thái thành lát, nấu với nước khoảng 30 phút, sau đó cho long nhãn và táo vào đun tiếp khoảng 15 phút, thêm mắm muối vào cho hợp khẩu vị là được.
(5.4) Long nhãn 15g, quả dâu chín 20g; sắc kỹ với nước, thêm chút mật ong vào uống; mỗi ngày 1 tễ (1 thang).
(6) Sa dạ dày: Long nhãn 12g, trứng gà 1 quả, đường vừa đủ ngọt; đập trứng đổ vào bát, trộn đều với long nhãn và đường, hấp chín ăn. Món ăn này có tác dụng bổ dưỡng Tâm Tỳ (bổ tạng Tâm và tạngTỳ), dưỡng huyết, an thần, mạnh thần kinh; kết hợp với việt rèn luyện cơ bụng có thể chữa khỏi chứng sa dạ dày.
(7) Nam giới vô sinh: Long nhãn 100g, tinh hoàn gà 2 đôi, rượu trắng 500 ml; tinh hoàn gà hấp chín, bổ ra, để cho róc nước, cùng với long nhãn ngâm rượu 60 ngày rồi mang ra uống; ngày uống 2 lần, mỗi lần khoảng 15-20 ml.
(8) Nữ giới vô sinh: Long nhãn 15g, trứng chim bồ câu 5 quả, kỷ tử 10g, đường trắng một lượng vừa đủ; trứng chim bồ câu luộc chín, bóc bỏ vỏ, cùng long nhãn, kỷ tử, đường cho vào một cái bát hấp chín, dùng làm bữa điểm tâm hàng ngày.
Vải
3. "Bốc hỏa" khi ăn vải
Đông y cho rằng, vải là thức có tính "thuần dương", nên những người có thể tạng "Âm hư hỏa vượng" cần hết sức thận trọng trong khi sử dụng.
Sử dụng vải tươi lượng quá nhiều, rất dễ sinh ra chứng bệnh "thượng hỏa" (bốc hỏa); với những biểu hiện, như đau đầu, chóng mặt, răng lợi sưng đau, chảy máu mũi, họng rát và khản tiếng, ... Khi sử dụng vải tươi lại càng dễ sinh ra chứng "thượng hỏa", đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Cho nên y gia thời xưa mới thường nói "Một trái vải bằng ba bó đuốc" (一顆荔枝三把火).
Trên thực tế, hiện tượng ngộ độc vải, "thượng hỏa" bao gồm hai loại:
- Trường hợp thứ nhất: Có một số người hễ ăn vải là thấy người nôn nao, nổi mề day, đau bụng dữ dội, nôn mửa, ỉa chảy, khó thở, huyết áp hạ, ... Nguyên nhân ở đây không phải là do bản thân quả vải, mà là do một thứ nấm độc có tên là Candida tropicalis gây nên. Thứ nấm này thường thấy ở núm những quả vải quá chín, bị dập nát hoặc đã úng thối. Để tránh ngộ độc nấm, ta không nên ăn những quả vải khi thấy chất lượng quả có những biến đổi khác thường. Trường hợp bị ngộ độc nặng, nên đến ngay bệnh viện cấp cứu.
- Trường hợp thứ hai: Là do bản thân các chất trong quả vải gây ra. Khi ăn những quả vải chất lượng tốt, nhưng nếu ăn quá nhiều thì có thể sinh ra một trạng thái ngộ độc mà ngày xưa Đông y vẫn gọi là "bệnh vải" (lệ chi bệnh - Litchi sicknes). Một số nhà khoa học đã lý giải hiện tượng này như sau: Trong cùi vải tươi, lượng đường chiếm tới 66%, chủ yếu là đường fructose và đường glucose. Khi ăn quá nhiều vải, lượng đường fructose vào máu trở nên quá nhiều, men chuyển hóa đường trong gan không đủ để chuyển hóa thành đường glucose - là thứ đường cơ thể có thể hấp thụ trực tiếp; nồng độ đường fructose trong máu quá cao, sẽ sinh ra chóng mặt, buồn nôn, người bải hoải, thậm chí có thể bị hôn mê. Đặc biệt là trẻ em ở độ tuổi nhi đồng, cơ thể còn đang trong thời kỳ phát triển - men chuyển hóa đường trong gan còn ít, cho nên càng không nên cho ăn quá nhiều vải.
Khi bị nhiễm độc do ăn quá nhiều sinh "nóng" như vậy, theo kinh nghiệm dân gian: Chỉ cần lấy vỏ quả vải sắc uống là có thể giải độc.
4. Gom hạt lại để dùng làm thuốc
Ngoài cùi vải, cùi nhãn, tất cả các bộ phận khác của cây vải, cây nhãn, như cành, lá, vỏ thân, rễ, ... đều có thể sử dụng làm thuốc. Đặc biệt, hạt vải và hạt nhãn (những thứ thường ngày bị vứt bỏ trong khi ăn), có thể sử dụng để chữa trị rất nhiều chứnng bệnh, kể cả một số bệnh khó chữa. Do đó, trong mùa vải, mùa nhãn chín, khi ăn trái cây, chúng ta nên gom hạt lại, để dùng làm thuốc.
Một số bài thuốc có hạt vải, hạt nhãn:
(1) Phòng trị tiểu đường typ 2: Hạt vải sấy khô, tán mịn; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn nửa tiếng, mỗi lần uống 10g. Theo "Liêu Ninh trung y tạp chí": Đã tiến hành thử nghiệm dùng hạt vải theo cách trên trị liệu tiểu đường typ 2, ở những bệnh nhân tuổi trên 40, kết quả rất khả quan; trong quá trình điều trị không thấy phát sinh tác dụng phụ.
(2) Phòng sỏi mật: Thường ngày nên uống "Quất hạch lệ hạch ẩm": Dùng hạt quít, hạt vải - mỗi thứ 20g, trần bì 10g, hồng táo 2 trái, nước 3 bát; đun sôi, uống thay trà trong ngày.
(3) Sán khí thiên trụy: Dùng hạt nhãn, hạt vải, tiểu hồi hương - 3 thứ liều lượng bằng nhau; đem tán mịn; ngày uống 2-3 lần, lúc đói bụng, mỗi lần 3-4g, chiêu thuốc bằng rượu hoặc nước sắc thăng ma (vị thuốc "thăng ma").
"Sán khí thiên trụy" là chứng bộ phận sinh dục bị sưng to, xệ xuống, đau nhức; dân gian thường gọi là bệnh sa đì (sa bìu dái).
(4) Nhức đầu do viêm mũi: Hạt nhãn phơi khô, tán bột, quấn vào giấy bản như điếu thuốc lá, châm lửa đốt cho khói xông vào 2 lỗ mũi. Có tác dụng chữa nhức đầu do viêm mũi rất tốt. Thông thường chỉ cần xông khói khoảng 15 phút, là thấy mũi chảy ra nước vàng, đầu nhẹ và dễ chịu hẳn.
(5) Nấc: Nhãn 7 quả, bóc bỏ vỏ để nguyên hạt, sao tồn tính (rang cho đến khi mặt thuốc cháy đen như than, nhưng bên trong vẫn giữ nguyên màu thuốc), nghiền mịn, chia thành 4 phần; mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần một phần.
(6) Bí tiểu tiện: Dùng hạt nhãn 12g, gọt bỏ vỏ đen bên ngoài, giã nát, sắc với nước, uống dần từng ít một. Tiểu tiện thông rồi, muốn cho tiểu bớt đi, thì sắc cùi long nhãn uống.
(7) Kẽ ngón chân lở ngứa: Hạt nhãn cạo bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán mịn, rắc vào chỗ vết thương.
(8) Vết thương không liền miệng: Hạt nhãn gọt bỏ vỏ đen, tán thành bột mịn. Rửa sạch vết thương bằng nước lá trầu không đun sôi, sau đó rắc bột hạt nhãn vào vết thương, băng lại. Đối với các vết thương do đâm, chém, hay tai nạn lâu không liền miệng, không lên da non, lởi loét mãi không khỏi, làm như trên chỉ vài ba lần sẽ hút hết mủ và nước vàng, lên da non và liền miệng dần.
Lương y HUYÊN THẢO
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.