Hỏi:
Tôi nghe nói, cây lá ngón rất độc, lại hay mọc lẫn với các cây thuốc Nam khác, như bướm bạc, chè vằng, ... Vậy xin được hỏi "Thuốc vườn nhà", làm thế nào để phân biệt cây lá ngón với những cây khác? Trường hợp bị trúng độc lá ngón, mà chưa thể đưa ngay vào bệnh viện để cấp cứu, có thể dùng những biệt pháp gì để giải cứu?
Nông Văn Tân, H. Yên Hưng, T. Quảng Ninh
Đáp:
Lá ngón
Lá ngón được coi là loại cây độc nhất ở nước ta. Dân gian cho rằng chỉ cần ăn 3 cái lá ngón là đủ chết người. Cây lá ngón còn hay gọi là "đoạn trường thảo", vì người ta cho rằng uống vị này sẽ bị đứt ruột mà chết ("đoạn" = đứt, "trường" = ruột, "đoạn trường thảo" = cỏ làm đứt ruột). Ngoài ra, còn có rất nhiều tên khác nữa, như "thuốc dút ruột", "hồ mạn trường", "đại trà đằng", "hồ mạn đằng", "hoàng đằng", "câu vẫn" (sách "Thần Nông bản thảo kinh"), "co ngón" (Lạng Sơn), ... tên khoa học là Gelsemium elegans Benth., thuộc họ Mã tiền (Loganiaceae).
Muốn phân biệt cây lá ngón với những cây thuốc khác, thực ra chỉ cần nắm vững những đặc điểm thực vật của cây. "Đoạn trường thảo" hay cây lá ngón là một loại dây mọc leo, thân và cành không có lông, không có đốt, trên thân hơi có khía dọc, cành non có vân nhỏ. Lá mọc đối, hình trứng thuôn dài, hay hình mác, đầu nhọn, phía cuống nhọn hay hơi tù, mép nguyên, bóng, nhẵn, dài 7-12cm, rộng 2,5-5,5cm. Lá kèm không rõ. Hoa mọc thành xim (ngù) hay chùy, ở đầu cành hay ở kẽ lá. Cánh hoa màu vàng. Mùa hoa vào tháng 6-10. Quả là một nang, màu nâu, hình trụ, dài 1,5cm, rộng 0,5cm, có vỏ cứng, cắt vách. Hạt nhỏ, quanh mép có rìa mỏng, màu nâu nhạt, hình thận. Cánh hoa màu vàng là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt cây lá ngón với một số cây khác như "chè vằng", "bướm bạc", ... đều là những cây có hoa.
Một điều đáng lưu ý là, tại vài vùng ở nước ta, tên "lá ngón" còn dùng để gọi một cây khác, thân gỗ, cao chừng 5-6m; còn gọi là cây cơi hay cây lá cơi, tên khoa học là Pterocarya toniknensis Dode hay Pterocarya stenoptera var. tonkinensis Franchet, thuộc họ Hồ đào.
Thực tế, cây lá ngón (dây leo) nói ở trên mới là cây độc nhất. Cây cơi ít độc hơn, lá thường giã nát lấy nước, để duốc cá; có khi còn dùng lá nấu nước để nhuộm vải (màu nâu).
Tính năng của lá ngón đã được Đông y biết đến từ thời xưa, ghi chép sớm nhất trong "Thần Nông bản thảo kinh", từ hơn 2000 năm trước.
Theo Đông y: Lá ngón có vị cay đắng (tân khổ), tính ấm (ôn), có độc. Tất cả các bộ phận của cây, như rễ, dây, lá, đều có độc, độc nhất là lá non. Có tác dụng trừ phong, công độc, tiêu thũng, chỉ thống (cắt cơn đau). Dùng chữa lở loét, thấp chẩn (chàm), loa lịch (tràng nhạc), ung thũng, đinh sang, đòn ngã tổn thương, phong thấp đau nhức, đau thần kinh. Tuy nhiên, do rất độc, nên chỉ sử dụng để giã đắp, nấu nước ngâm rửa bên ngoài. Không thấy có những ghi chép về sử dụng làm thuốc uống trong.
Lá ngón rất độc. Nói chung, sau khi ăn lá ngón lập tức, hoặc nửa giờ sau, là có những triệu chứng trúng độc rõ ràng, như miệng chảy nước dãi, họng và bụng đau quặn, nóng rát, buồn nôn, nôn mửa. Tiếp theo, xuất hiện những chứng trạng rối loạn thị giác và thần kinh, như thị lực giảm, phục thị, ảo giác, sụp mi, hoa mắt, choáng váng, khó nói, nói không rõ, khó nuốt, tê chân tay, nhược cơ, tri giác mơ hồ, rối loạn vận động. Triệu chứng về tuần hoàn và hô hấp, ban đầu tim đập chậm lại, sau tăng nhanh dần, lúc đầu thở nhanh và sâu, sau chậm dần và nông, cuối cùng rối loạn hô hấp. Trúng độc nặng, thân nhiệt hạ, tụt huyết áp, khó thở hay bị liệt hô hấp mà chết.
Nói chung, khi thấy có những triệu chứng trúng độc cần đưa ngay người bệnh tới bệnh viện, để thực hiện những biện pháp cấp cứu thường quy, như gây nôn, rửa ruột, thụt tẩy, truyền dịch, dùng thuốc khắc phục các triệu chứng, ...
Trong một số trường hợp cấp bách, không thể đưa ngay tới bệnh viện, buộc phải tự sơ cứu, có thể tham khảo một số kinh nghiệm dân gian như sau:
1. Kinh nghiệm dân gian ở nước ta:
- Khi biết ăn nhầm phải lá ngón, thì đập ngay 3 quả trứng gà, đổ vào miệng, nuốt xuống; nếu nôn ra được thì sống (Tuệ Tĩnh "Nam dược thần hiệu").
- Kinh nghiệm dân gian còn dùng trứng gà sống, đánh tan trong dầu vừng; uống được sớm mà nôn ra được thì sống, chậm thì chết.
- Cho uống tiết vịt trắng, tiết ngan: Cắt tiết dốc vào miệng bệnh nhân.
- Cho uống nước tiểu: Đái thẳng vào miệng bệnh nhân.
- Cho uống thật nhiều nước sắc cam thảo.
- Cho uống nước rau muống, nước hành, nước sắn dây, lòng trắng trứng gà, mỡ lợn.
2. Kinh nghiệm dân gian Trung Quốc:
- Giã ung thái (rau muống) lấy nước cốt, đổ vào miệng cho bệnh nhân uống.
- Dùng tích tuyết thảo (rau má) giã nát trộn với trà do (dầu hạt sở, cây sở có tên khoa học là Camelia oleifera Abel).
- Dùng hoa và lá kim ngân, giã nát vắt lấy nước cốt, trộn với đường đỏ, đổ vào miệng cho bệnh nhân uống.
- Dùng tam hoàng thang (hoàng cầm, hoàng liên, hoàng bá, cam thảo - mỗi thứ 10-15g), sắc lấy nước, đổ vào miệng cho bệnh nhân uống.
- Cho uống máu dê tươi, còn ấm: Mỗi lần dùng 200-300ml, đổ vào miệng cho bệnh nhân uống dần, uống 1-2 lần. Kinh nghiệm này được lưu truyền rộng rãi trong dân gian ở Trung Quốc, do có hiệu quả xác thực, nên hiện tại thường được ứng dụng trên lâm sàng. Tuy nhiên, trong máu dê có chất đối kháng hay chất trung hòa độc tính của lá ngón hay không, cần tiếp tục nghiên cứu (Theo "Trung dược đại từ điển")
Lương y HUYÊN THẢO
Ý kiến bạn đọc
1 Ý kiến bạn đọcXin hỏi: Chúng tôi muốn cóp (daoloat) bài về máy tỉnh riêng để tiện tra cứu, sử dụng nhưng không thể cóp được. Hay chủ trang không cho chăng?