Hỏi:
Tôi nghe nói, có thể sử dụng lá tre để phòng trị một số bệnh hô hấp và tiết niệu. Đề nghị "Thuốc vườn nhà" cho biết có đúng hay không, nếu đúng thì cách sử dụng cụ thể như thế nào?
Lê Thành, Bắc Ninh
Đáp:
Tre
Câu hỏi của bạn rất thiết thực và có tính thời sự.
Mùa hè nhiệt độ và độ ẩm tăng cao, nắng mưa giông bão thất thường, ... Do đó, ngoài các bệnh nhiễm trùng tiêu hóa, cũng thường xuất hiện các bệnh hô hấp và tiết niệu, như cảm nắng, say nắng, viêm não, viêm họng, ho, nhiễm trùng tiết niệu, bí tiểu tiện, ... Trong những trường hợp đó, lá tre sẽ là vị thuốc vườn nhà rất giá trị.
Theo Đông y: Lá tre (trúc diệp) có vị cay, nhạt, ngọt tính hàn; vào 2 kinh Tâm và Phế. Có tác dụng thanh nhiệt trừ phiền, sinh tân (tăng dịch thể), lợi niệu. Chủ trị nhiệt bệnh thương tân (nhiệt tà gây hao tổn thể dịch), phiền nhiệt khẩu khát, tâm hỏa thượng viêm, khẩu thiệt sinh sang (miệng lưỡi lở loét), tiểu tiện đoản xích (tiểu tiện sẻn đỏ), ... Dân gian thường dùng chữa các chứng bệnh mùa Hè, như sốt khát nước, ho, suyễn thở, thổ huyết, bí tiểu tiện, tiểu tiện sẻn đỏ, trẻ nhỏ kinh phong, ...
Một số cách sử dụng cụ thể:
(1) Phòng ngừa viêm não B: Dùng lá tre, vỏ bí đao, lá sen, rễ cỏ tranh - mỗi thứ 9g; sắc nước uống thay trà trong ngày, mỗi tuần sử dụng 1-2 ngày.
(2) Chữa ho khan: Lá tre 12g, rau má 12g, vỏ rễ dâu 12g, quả dành dành (sao vàng) 8g, lá chanh 8g, cam thảo 6g; nước 500-600ml sắc còn 250-300ml, chia 2 lần uống trong ngày; cũng có thể tán thô, hãm vào phích uống dần. Dùng cho các trường hợp ho khan, đờm sát, cổ họng khô và ngứa, rêu lưỡi vàng mỏng.
(3) Viêm màng phổi có tràn dịch: Lá tre 20g, vỏ rễ dâu 12g, hạt rau đay 12g, thạch cao 20g, hạt bìm bìm (hắc sửu) 12g, rễ cỏ tranh 12g, thổ phục linh 12g, bông mã đề 12g; dùng 600ml nước, sắc còn 200ml, uống hết một lần vào lúc đói; ngày uống 1 thang, sắc 2 lần. Cùng với việc điều trị bằng kháng sinh, phương thuốc này có tác dụng hỗ trợ rất tốt.
(4) Trúc diệp thạch cao thang: Trúc diệp 12g, thạch cao 15g, bán hạ 9g, đảng sâm 9g, mạch môn đông 9g, cam thảo 6g, gạo tẻ 6g; sắc uống trong ngày. Có tác dụng tả hỏa, thanh vị, chỉ ẩu. Dùng trong trường hợp sốt cấp tính, miệng khô khát; cũng thường dùng trong trường hợp sau khi mắc bệnh nhiệt, tân dịch chưa khôi phục, dẫn tới kém ăn, khí xông ngược lên trên, buồn nôn, ...
(5) Chữa nấc (do nhiệt): Lá tre 20g, tinh tre 20g, thạch cao (nướng) 30g, gạo tẻ (rang vàng) 20g, bán hạ 8g, mạch môn (bỏ lõi) 16g, tai quả hồng 10 cái; nước 800ml, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. Thuốc này có tác dụng giáng hỏa, thích hợp với chứng nấc do nhiệt, kèm theo các triệu chứng người bứt rứt, khát nước, miệng hôi, tiểu tiện đỏ sẻn, đại tiện táo kết, ... Không dùng cho chứng nấc do hàn.
(6) Chữa đái ra máu: Lá tre 20g, mạch môn 20g, mã đề 20g, rễ cỏ tranh 20g, lá thài lài tía 20g, râu ngô 20g; nước 600ml, sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. Thuốc này có tác dụng thanh tâm, lợi niệu, chỉ huyết, thích hợp với chứng tiểu tiện xuất huyết do hạ tiêu - bàng quang có nhiệt.
(7) Đạo xích tán: Lá tre 12g, sinh địa 16g, mộc thông 12g, cam thảo tiêu 8g; sắc nước uống. Có tác dụng thanh tâm trừ phiền, dùng trong trường hợp tâm kinh thực nhiệt, phiền táo khẩu khát, miệng lưỡi lở loét, tiểu tiện vàng sẻn.
Lương y HƯ ĐAN
Viết bình luận
Để thuận tiện cho việc đăng tải, xin vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.
Chúng tôi mong muốn nhận được những bình luận theo hướng mở rộng hoặc bổ sung thông tin liên quan đến bài viết.
Chúng tôi sẽ khóa những bình luận có ngôn từ mang tính kích động hoặc bất nhã.